(Dân trí) - “Lúa 3 kg mười ngàn” là câu nói nặng tâm tư người trồng lúa. Chưa bao giờ câu chuyện lúa gạo lại nóng lên như lúc này khi giá liên tục giảm trong khi các chi phí liên quan đội lên từng ngày.
>> Giá lúa thua cả giá ngô
>> Mua tạm trữ lúa gạo: Chính phủ đang đi đường vòng?
>> iPhone hay Ai lúa?
Giá lúa sụt giảm, khó khăn đang đổ đầu nông dân
Lúa 3 kg mười ngàn
Mới đây, Thủ tướng đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) trong vụ hè thu. Trước bối cảnh đầu ra xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, giá lúa chỉ còn ở mức dao động 3.500 đồng/kg, thấp hơn mức giá thành bình quân gần 500 đồng/kg, nên mức lời tối thiểu 30% là khó đạt được.
Mới đây một lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phát biểu: “Với tình hình hiện tại mọi người đừng nên đòi hỏi mức lời tối thiểu 30% mà hãy hỏi bán hay để vịt ăn?!”.
Nhưng “Khó khăn đang dồn lên nông sản, giá lúa đang là nỗi bức xúc khôn tả của nông dân. Tôi thật sự chia sẻ và rất khó xử khi gặp nông dân hiện nay. Mong rằng, Chính phủ và VFA cùng lãnh đạo các địa phương sẽ sớm tìm ra giải pháp thiết thực để hạn chế những thiệt thòi về giá lúa trong bối cảnh hiện nay” - ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết.
Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa năm 2013 khoảng 43,49 triệu tấn. Sau khi trừ đi tiêu thụ nội địa, dự kiến lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn (chưa kể tồn kho năm 2012 chuyển sang khoảng 1,85 triệu tấn). Như vậy, lượng gạo cần tiêu thụ từ nay đến cuối năm 3,57 triệu tấn. Các nhà khoa học trong và ngoài nước đều thừa nhận: sản xuất lúa, xuất khẩu gạo, hiệu quả kinh tế thì thấp.
Một số lãnh đạo địa phương vùng ĐBSCL cũng nhận ra dấu hiệu dư thừa lúa hàng hóa và tìm cách luân chuyển một vụ lúa sang trồng màu hoặc nuôi thủy sản. Thế nhưng những tính toán này vẫn chưa thể hiện rõ ràng trên kế hoạch sản xuất của địa phương.
Chưa hết khó về vấn đề đầu ra của hạt gạo, thì mấy ngày gần đây ĐBSCL mưa liên tục làm cho nhiều diện tích lúa Hè thu đang thu hoạch trên địa bàn tỉnh bị gãy đổ, mực nước ở trong ruộng cũng dâng cao nên máy gặt đập không thể vào trong ruộng, buộc lòng nông dân phải gặt bằng tay. Công gặt đập tăng lên cả trăm ngàn/công nhưng vẫn không thuê được người gặt.
Nông dân Nguyễn Văn Đời, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: “Nếu thời tiết tốt, máy gặt đập vào được trong ruộng thì nhà tôi đã thu hoạch xong. Nhưng thời tiết xấu, phải gặt bằng tay, chưa thuê được nhân công, bây giờ lúa lại nằm chìm nghỉm dưới nước”- ông Đời than thở. Theo tìm hiểu của phóng viên, tâm trạng này không riêng gì ông Đời mà nhiều nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang chịu cảnh khổ trên.
Nông dân Trần Văn Quang ở Vị Thủy cho biết: “ Gia đình tôi may mắn hơn những gia đình khác là thu hoạch lúa gần xong, nhưng đi hỏi nhiều nơi để sấy mà ở đâu cũng từ chối, vì lúa cũ còn tồn đọng nhiều, đi hỏi bán lúa tươi cũng không ai mua!”.
Chiều 17/6 trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, nông dân đã khổ bây giờ lại khổ thêm, mấy ngày nay mưa liên tục lúa bị gãy đổ, máy gập đập thì không vào ruộng được, thuê nhân công gặt tay giá cao hơn nhiều lần vẫn thuê không được. Hiện giá lúa tươi chỉ còn 3.400đ/kg. Lãnh đạo địa phương cũng biết nông dân đang gặp khó vì lúa cũ đang tồn kho, lúa mới thì gặt chưa được. Còn thứ gặt được rồi thì không có lò sấy, không có kho dự trữ. Theo tôi Bộ nông nghiệp và PTNT nên có chương trình, đề án cụ thể đễ hỗ trợ nông dân như xây dựng kho dự trữ, máy sấy…ông Đồng bộc bạch.
3 ngày tạm trữ, giá lúa vẫn “im lìm”
Trước tình hình giá lúa vụ hè thu liên tục giảm, Chính phủ đã ký quyết định thu mua 1 triệu tấn gạo và giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp cùng UBND các tỉnh ĐBSCL triển khai từ ngày 15/6 và kết thúc vào 31/7. Theo đó, một số tỉnh có chỉ tiêu thu mua tạm trữ cao như Long An 91.000 tấn, Kiên Giang 85.000 tấn...; các tỉnh có chỉ tiêu thấp như Bạc Liêu 10.000 tấn, Hậu Giang 15.000 tấn....
Tuy các doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai thu mua lúa cho nông dân được 3 ngày qua, nhưng giá lúa vẫn chưa có dấu hiệu “nhích” lên. Hiện tại đối với lúa dài, các thương lái thu mua từ 4.100 - 4.200/kg lúa tươi, còn đối với các giống lúa phẩm cấp thấp chỉ từ 3.700 - 3.900 đồng/kg lúa tươi.
Ông Nguyễn Văn Bình - xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) cho biết: “Với vụ đông xuân nếu được giá thì bán lúa tại đồng, còn không được thì cho máy GĐLH chở lúa về nhà rồi 1,2 ngày bán lúa cũng chẳng sao. Nhưng vụ hè thu, bước vào mùa mưa và cả tuần nay trời cứ mưa dầm nên hầu như 100 người dân là đã có đến 99,9 người dân có như cầu bán lúa tươi rồi. Bởi vậy, nếu nông dân có bị thương lái ép 100 - 200 đồng thì cũng bấm bụng bán lúa, chứ mang về nhà lúa lên mộng còn khổ hơn”.
Ngoài ra, ông Bình cũng như nhiều nông dân khác lo lắng, nếu vài ngày tới giá lúa không tăng lên thì đến lúc diện tích thu hoạch vụ hè thu ở mức 70 - 80%, bà con trồng lúa ở ĐBSCL sẽ còn thê thảm hơn lúc này.
Theo ông Đoàn Văn Hiền, Giám đốc Công ty XNK thương mại Võ Thị Thu Hà cho biết, theo báo cáo tình hình xuất khẩu 5 tháng đầu năm của VFA thì người dân cũng biết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng gặp nhiều khó khăn khi hợp đồng xuất khẩu gạo “khan hiếm” như năm nay. Tuy nhiên dù có khó khăn thế nào các DN cũng sẽ tiến hành mua theo sản lượng mà VFA đã giao cho các DN.
Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, nếu những ngày tới mưa vẫn còn thì việc thu hoạch 170.000 ha lúa hè thu trong tháng 6/2013 sẽ gặp nhiều khó khăn do lúa đổ ngã, bị ướt… dẫn đến chất lượng giảm mạnh. Dự kiến tháng 7/2013, toàn vùng ĐBSCL tiếp tục thu hoạch 680.000ha lúa hè thu, với sản lượng hơn 3,8 triệu tấn; tháng 8 thu hoạch gần 680.000ha, sản lượng 3,74 triệu tấn…
Theo VFA, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu được hơn 2,85 triệu tấn gạo, trị giá hơn 1,24 tỷ USD. Hiện gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm có giá khoảng 6.500 - 6.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm giá 6.100 - 6.200 đồng/kg… Giá lúa tăng hoàn toàn phụ thuộc vào đầu ra của hạt gạo, tuy nhiên theo các DN xuất khẩu gạo thì hiện tại họ cũng gặp nhiều khó khăn để có hợp đồng mới từ đối tác.
|
Phạm Tâm - Hải Hành