HÀ NỘI (NV) .- Các chuyên gia lại tiếp tục đề nghị tạm dừng dự án Alumin Nhân Cơ tại Đắk Nông và sớm có kết luận về dự án Tổ hợp Nhôm - Bauxite Lâm Đồng.
Dây chuyền tuyển quặng bauxite tại nhà máy Tân Rai tỉnh Lâm Đồng. (Hình: báo Kiến Thức)
|
Trong một cuộc hội thảo về “Bauxite Tây Nguyên: Thực trạng, định hướng và kiến nghị”, do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (thường gọi tắt là VUSTA) tổ chức, các chuyên gia khẳng định, nếu tiếp tục thực hiện hai dự án liên quan đến việc khai thác bauxite và chế biến quặng nhôm, Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.
Có lẽ cần nhắc lại rằng, năm 2008, khi nghe tin chính quyền CSVN dự định tổ chức khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia của đủ mọi lĩnh vực ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã lên tiếng ngăn cản. Ý định đó không những sẽ không khả thi về mặt kinh tế mà còn lãng phí công qũy, gây nguy hại cho cả môi trường, an ninh – quốc phòng, lẫn văn hóa - xã hội.
Bất chấp các phân tích, khuyến nghị, đầu tháng 2 năm 2009, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đăng đàn tuyên bố: “Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước”. Ý định khai thác bauxite ở Tây Nguyên vẫn được thực hiện thông qua hai dự án: Dự án Nhân Cơ và dự án Tân Rai.
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (thường được gọi tắt là Vinacomin), xác nhận: Tính đến cuối tháng 3, vốn đầu tư cho dự án đã tăng thêm 33% so với trù tính ban đầu. Hiện nay, tổng vốn đầu tư cho dự án này đã ở mức 11,000 tỉ đồng (tương đương 640 triệu USD). Vinacomin ứớc lượng, nếu so giá thành với giá bán, Vinacomin sẽ phải bù lỗ khoảng 5 năm và mất chừng 12 năm để thu hồi vốn.
Tương tự, với dự án Nhân Cơ, Vinacomin tiết lộ, vốn đầu tư cho dự án đã tăng thêm 31% so với ước tính khởi sự. Thời gian hoàn thành dự án chậm khoảng 18 tháng so với kế hoạch. Thời gian thu hồi vốn khoảng 13 năm. Trước mắt, theo tính toán, chi phí vận chuyển sẽ tăng thêm 250,000 đồng/tấn.
Vinacomin khẳng định cả hai dự án: Tân Rai và Nhân Cơ đều sẽ đạt hiệu quả kinh tế.
Các chuyên gia tham dự hội thảo “Bauxite Tây Nguyên: Thực trạng, định hướng và kiến nghị”, không đồng tình với cách nhận định của Vinacomin.
Ông Nguyễn Văn Ban, từng là Trưởng Ban Nhôm Titan của Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam, thành viên của Vinacomin, khẳng định, ông lo lắng về giá bán quặng nhôm. Khi giá bán thấp hơn giá thành thì đó rõ ràng là thua lỗ. Mong có lãi là điều không tưởng. Ông lưu ý, trong vài năm qua, giá khoáng sản liên tục giảm và chưa biết bao giờ ngưng. Nếu lấy giá của giai đoạn hoàng kim, cách nay năm, bảy năm để tính toán hiệu quả kinh tế thì hiệu quả đó rất mơ hồ.
Ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nói thêm, nếu so giá thành với giá bán quặng nhôm ở thời điểm hiện nay, mỗi năm, chắc chắn sẽ lỗ vài chục triệu USD. Còn miễn giảm thuế và phí môi trường để giảm lỗ cho Vinacomin thì đó là chuyện buộc xã hội phải “hy sinh” cho Vinacomin.
Các chuyên gia còn cảnh báo, nếu tính đúng, tính đủ, không thể loại bỏ khoản chi lên tới ba tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt nhằm vận chuyển quặng nhôm từ Tây Nguyên đến cảng. Không tìm ra ba tỷ USD để làm tuyến đường sắt này, quặng nhôm sẽ kẹt trong núi, chẳng bán được cho ai. Trong thực tế, hiện có hơn 20,000 tấn quặng nhôm đang kẹt ở Tân Rai vì thiếu đường vận chuyển.
Các chuyên gia đề nghị nên thành lập nhiều nhóm cùng khảo sát cả hai dự án nhằm giúp chính quyền CSVN có cơ sở để sớm đưa ra kết luận cuối cùng trước khi quá muộn. Do vậy, theo họ nên tạm dừng việc thực hiện dự án Nhân Cơ.
“Chủ trương lớn” khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã có đầy đủ các dấu hiệu của một “thất bại lớn”, đúng như các nhà khoa học, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực từng dự báo cách nay năm năm.
“Thất bại lớn” này chỉ còn chờ chính quyền CSVN chính thức thừa nhận. Chưa rõ khi “chủ trương lớn” được xác nhận là “thất bại lớn”, Đảng và nhà nước CSVN sẽ nhận trách nhiệm theo kiểu nào? (G.Đ)