Liệu tiềm lực tài chính của đại gia Đặng Thành Tâm có thực sự “khủng” và đáng để người ta sửng sốt như những con số đầu tư mà ông công bố hay như phát ngôn đầy vẻ kiêu hãnh: “Nếu chúng tôi chết thì chả ai sống được”?
“Riêng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài thì chả doanh nghiệp nào bằng chúng tôi. Nếu chúng tôi chết thì chẳng ai sống được”, ấy là câu trả lời đầy vẻ kiêu kỳ của đại gia Đặng Thành Tâm với báo chí.
Thời gian qua, sự tái xuất bất ngờ của đại gia này tại phiên họp Quốc hội càng khiến cái tên Đặng Thành Tâm có mức “phủ sóng” thường xuyên trên các mặt báo. Được biết đến là một doanh nhân thành đạt, “thu hoạch” kha khá danh hiệu do các tổ chức trao tặng, mà nổi bật hơn cả phải kể đến “người giàu nhất Việt Nam” năm 2007, ông Tâm giữ vị trí “cầm cương” trong những công ty đã niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán: Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn – SGI, Chủ tịch Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo…
Nhưng phải chăng, những dự án đình đám với số vốn đầu tư lên tới cả tỷ, thậm chí chục tỉ USD chỉ là thế nào? Hay phát ngôn gây sốc: “Nếu chúng tôi chết thì chẳng ai sống được” cũng chỉ là “nói cho oai”?.
KBC lỗ thảm
Công ty cổ phần KBC của ông Đặng Thành Tâm vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2012. Những con số đưa ra khiến dư luận không khỏi “giật mình”. Theo đó, doanh thu thuần của công ty này trong quý III đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, mức doanh thu thuần của KBC là 188,4 tỷ đồng, giảm 53% cùng kỳ 2011. Năm ngoái, KBC có 275,7 triệu đồng khoản giảm trừ.
Thậm chí, giá vốn hàng bán quý III cũng chỉ còn 6,98 tỷ đồng, giảm tới 53% so với 14,87 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong mảng hoạt động kinh doanh, KBC lỗ thuần 107,33 tỷ đồng, gấp 6,3 lần quý III/2011. Những chi phí khác lại tăng gần ba lần, khiến phần lợi nhuận khác bị âm một tỷ đồng so với mức ,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, trừ các khoản chi và thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ tính riêng quý III năm nay, KBC đã lỗ 138,46 tỷ đồng, thiệt hại gấp 8 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, công ty này có mức lỗ khá “khủng”, 262,9 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, KBC lãi tới 21,59 tỷ đồng. EPS 9 tháng âm 805 đồng/cp.
Gây sốc hơn nữa, trong nội dung Báo cáo tài chính hợp nhất quý III, KBC đã thoái 26,55 triệu cổ phần của Ngân hàng Phương Tây (Western Bank), trị giá 265,5 tỷ đồng. Tới ngày 30/9/2012, cổ phần của Tập đoàn này tạiWestern Bank đã không còn.
Đơn vị: Tỷ đồng (Nguồn: KBC/Dân trí).
Đơn vị: Tỷ đồng (Nguồn: KBC/Dân trí).
Báo cáo tài chính này cũng cho thấy, tại ngày 30/9/2012, KBC đang vay Western Bank 320 tỷ đồng với lãi suất 18%/năm. Công ty này cũng là “con nợ” của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) với số tiền lên tới 400,8 tỷ đồng với lãi suất dao động 15-18%/năm và vay NHTMCP Nam Việt (Navibank) 116,35 tỷ đồng, lãi suất từ 21,1-22,7%/năm. Như vậy, công ty của ông Tâm đang vay dài hạn các ngân hàng con số khá lớn 837,15 tỷ đồng.
Vốn đầu tư từ đâu?
Tính đến nay, Tập đoàn đầu tư Sài Gòn – SGI của ông Đặng Thành Tâm có tổng số vốn đầu tư tại các dự án đã công bố lên tới 16 tỷ USD. Mới nghe qua, nhiều người sẽ trầm trồ thán phục, bởi đó quả là con số kỷ lục. Nhưng theo nhận định của giới đầu tư, 16 tỷ USD thực chất chỉ là con số ảo. Duy nhất ông Đặng Thành Tâm là người công bố mức đầu tư “khủng” này, trên thực tế, chưa có gì được kiểm tra chứng thực.
Dự án của ông Đặng Thành Tâm ở Quảng Ngãi trong tình trạng “án binh bất động”. Ảnh: Nguoicaotuoi,org.vn.
Dự án của ông Đặng Thành Tâm ở Quảng Ngãi trong tình trạng “án binh bất động”. Ảnh: Nguoicaotuoi,org.vn.
Trước nay, phần lớn các dự án SGI đã khởi công xây dựng đều rất “hẻo” vốn đầu tư. Thông qua các mối quan hệ, vị đại gia này chạy dự án, tổ chức khởi công, nhưng sau đó, dự án lại “trùm mền” im ắng vì ít sản xuất – kinh doanh, nhằm tìm kiếm chủ đầu tư khác cuyển nhượng, bán lại và hưởng chênh lệch
Lùm xùm chuyện thu hồi dự án
Dự án của ông Đặng Thành Tâm ở Quảng Ngãi trong tình trạng “án binh bất động”.
Từ năm 2008, ba dự án đầu tư lớn tại tỉnh Quảng Ngãi được Tập đoàn Tân Tạo, lúc này do đại gia Tâm chủ trì xúc tiến với số vốn đăng ký lên tới 50 triệu USD và 1.485 tỷ đồng. Nhưng lạ lùng thay, dự án đã cấp phép nhiều năm, mà vẫn “án binh bất động”.
Rình rang nhất phải kể đến dự án xây dựng khu thương mại – dịch vụ – phim trường Vina Universal Paradise ở huyện Sơn Tịnh, diện tích 60 ha, nằm sát chân núi Long Phụng với tổng vốn đầu tư 949,6 tỉ đồng. Vào ngày 11/12/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư khu du lịch – phim trường Vina thuộc Tập đoàn Tân Tạo đầu tư xây dựng khu này và dự kiến sẽ thực hiện trong vòng bốn năm, từ 2008 – 2011. Nhưng con số khủng chỉ là trên giấy tờ và dự kiến vẫn chỉ là dự kiến. Khu thương mại – dịch vụ – phim trường Vina Universal Paradise được khởi công vào đầu năm 2009, nhưng sau đó đã bị bỏ hoang “trường kỳ”, có khả năng không tiếp tục triển khai được theo cam kết của ông Đặng Thành Tâm.
Hai dự án khác cũng chịu chung “phận thảm”, đó là khu du lịch phim trường Vina Universal, vốn đầu tư 50 triệu USD, thực hiện trên diện tích gần 2.600 ha tại huyện Đức Phổ và dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong (huyện Đức Phổ) trên 157 ha, vốn đầu tư hơn 285 tỉ đồng. Đáng buồn là sau buổi đầu khấp khởi kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, sau ba năm, người dân thuộc ba xã trong vùng dự án khu du lịch phim trường Vina Universal gồm Phổ Khánh, Phổ Thạnh và Phổ Châu đã thất vọng tràn trề. Nhiều diện tích đất bỏ hoang làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Tháng 6-2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thu hồi dự án này.
Riêng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong, chủ đầu tư không triển khai hạng mục nào, chỉ mới lập xong khảo sát đền bù. Vì vậy, vào ngày 13/4/2012 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn phê bình lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi về việc chậm quyết định thu hồi dự án dù tỉnh đã chỉ đạo rút giấy phép.
Trong khi chủ đầu tư trình bày “hoàn cảnh” là do ưu đãi về cơ chế của tỉnh chưa cao, khiến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong chậm xây dựng; thì theo ông Lê Hồng Hà, Phó Trưởng ban Quản lí KCN tỉnh Quảng Ngãi, tất cả các đề nghị này đều không hợp lí và không được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận. “Nguyên nhân chính là do năng lực tài chính của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) không đáp ứng được” – ông Hà khẳng định.
Hết Tân Tạo lại đến Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng ôm đồm kha khá dự án dở dang. Vào năm 2004, đại gia Đặng Thành Tâm được UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho 426 ha đất ở thành phố Bắc Giang, sát Quốc lộ 1A (mới). Ròng rã hơn 8 năm trời, chỉ có khoảng 10% diện tích dự án được lấp đầy, đồng nghĩa với việc, có tới gần 400 ha đất đang bị bỏ hoang. Khổ nỗi, người dân địa phương muốn canh tác cũng không được vì đã san lấp cát. Hàng rào dự án đang bị phá dỡ. Liệu rằng, dự án ở Bắc Giang có chịu chung số phận bị thu hồi như hai dự án ở Quảng Ngãi?
Theo Kiến Thức