Một lần nữa, ông Nguyễn Bá Thanh lại xuất hiện trong câu chuyện nợ xấu của ngành ngân hàng. Ấy là khi ông cùng với Thống đốc NHNN phát biểu tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ, ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển KT-XH trên địa bàn Đà Nẵng ngày 20/3. Và cũng như mọi lần, sau gần 4 giờ lắng nghe các phát biểu của ông Nguyễn Văn Bình cùng khoảng một chục ý kiến trao đổi, ông Thanh có lời lo ngại: Việc tháo gỡ nợ xấu nếu làm không khéo sẽ rất dễ phát sinh tiêu cực.
Cứ theo lời ông Thanh chỉ ra, khủng hoảng kinh tế thì đâu chẳng phải chịu, ngân hàng xấu đâu chẳng có, thế nhưng nói đến lãi suất cho vay thì các nước trong khu vực khó lòng bì được với Việt Nam. Cả Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, hay thậm chí là nền kinh tế thứ hai thế giới Trung Quốc.
Ngồi bên cạnh Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông Thanh nói giải quyết bài toán kích cầu cho nền kinh tế đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ chứ không chỉ trông chờ có ngân hàng. Tiếp lời, ông Bình nêu rõ: Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, Chính phủ chỉ toàn trông cậy vào chính sách tiền tệ, nhiều giải pháp hiệu quả chưa thấy đâu, nghe thì rầm rộ nhưng không đi vào cuộc sống. Cứ đơn cử các công cụ thuế và phí chẳng hạn, “làm rất cầm chừng”.
Cũng từ đó, ông Thanh cho ra lời cảnh báo: Cái cuộc sống cần thì các ông không làm mà các ông đi làm cái khác. Ông không đi làm cái chuyện mà cuộc sống đang đặt ra. Ví như người ta cần giảm thuế VAT thì ông lại đi bàn giảm thuế doanh nghiệp, rồi nâng lên hạ xuống, 25% còn 23%.
Có lẽ ông Thanh chỉ ví dụ vậy thôi, song ông nói mạnh thế, dẫn chứng thẳng thừng một cách chung chung quá thế, thì thật chẳng khác gì làm khó doanh nghiệp. Khối quốc doanh thì chẳng phải lo, chung quy cũng toàn tiền ngân sách cả, có mấy khi lãi to, mà có lãi to thì cũng toàn khấu trừ nợ hết, thuế cao thế nào cũng vậy cả thôi. Nhưng với tư nhân, sưu cao thuế nặng thì cũng chẳng khác gì nói họ “tắt đèn” cho nhanh. Thuế cao, giá thành phẩm cao, sức mua đã chới với thì cao sao cho đặng. Hơn nữa, VAT ừ thì cũng phiền, nhưng là người tiêu dùng chịu. Sản phẩm ra sao thì VAT tương ứng vậy. Doanh nghiệp làm mỗi động tác thu hộ và nộp lên, đủ hay không thì tất nhiên cũng còn tùy vào… báo giá.
Nói vậy không có nghĩa là ông Thanh chỉ có thông cảm với khối ngân hàng. Ông cũng bộc bạch lý do ông lo lắng cho ngân hàng đến vậy là vì thành tựu đất nước đâu thiếu cái tên ngân hàng, nhưng nếu có ngày sụp đổ thì cũng chính là từ hệ thống ngân hàng mà ra. Chẳng thế mà nay đã “sợ quá, sợ đến hoảng loạn, không dám cho vay nữa”. Đã thế còn lương thưởng khủng quá, “không biết lãi suất cho vay bao nhiêu mới đủ”.
Và ông Thanh cũng phải “nói thật” với ông Bình, “độ dung sai quá lớn, cho nên một số ngân hàng đối phó, giấu bệnh tật chứ không phải thật thà nói hết ra để mình biết nợ xấu bao nhiêu”. Mà thực tế hơn, “có những loại nợ không phải nợ xấu nữa mà là nợ quá xấu, nợ không bao giờ đòi lại được”.
Thống đốc mau mắn cho hay, để xử lý vấn đề nợ xấu, năm nay sẽ có hai chương trình lớn mà theo ông sẽ có hiệu quả: dự thảo thông tư hướng dẫn cho vay để hỗ trợ thị trường bất động sản hiện đang chờ bên phía Bộ Xây dựng, và đề án xử lý nợ xấu với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (nói trắng ra là công ty thu mua nợ xấu, nếu nợ mà đẹp thì đã chẳng có cái công ty này). Tuy nhiên, khả năng lãi suất tiếp tục giảm mạnh là không nhiều. Dĩ nhiên, ông Thanh nhắc nhẹ: Thành lập ra công ty mua bán, tháo gỡ nợ xấu là hướng đi đúng nhưng nếu làm không khéo, không cẩn thận là dễ tiêu cực, dễ sinh chuyện ra lắm. Ăn hai đầu rồi, cuối cùng chỉ nhà nước và người dân gánh chịu thôi!
Ông chỉ ra cái ấy cũng muôn sự tại tật “báo cáo láo” ở Việt mà ra: Ở các nước, báo cáo sai là chết liền. Còn “ở mình” nói dối có vẻ đã quen, một con số cho nội bộ biết, một con số để trình Thanh tra NHNN, một con số để báo cáo Chi nhánh NHNN trên địa bàn, còn con số thật không phải thế, mình giấu bệnh với nhau. Ông “đề nghị với Thống đốc NHNN là cái này không du di được, phải lập lại trật tự kỷ cương”, chứ cứ hô hào như vậy, rồi lại cứ đi “ngõ sau” thì làm sao giải quyết được?! Đúng là ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi bàn với nhau, nhưng không phải họp lấy kiến thức, “mà phải đi vào những cái cụ thể”.
Với những lời nói sang sảng vậy, dĩ nhiên ông được “hoan nghênh nhiệt liệt”. Và tiếng vỗ tay càng to hơn khi ông Thanh kêu lên: “Áp lực thì cũng vừa vừa thôi. Cũng như anh chạy thi ấy mà. Thấy có mấy ông chạy phía trước thì anh còn ráng bám theo, chứ họ chạy cách cả mấy cây số rồi thì anh chỉ muốn ngồi bệt xuống thôi, chả muốn chạy nữa!”. Ấy là câu đối đáp cho lời trần tình của Thống đốc về việc có một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cao là nhằm… tạo áp lực cho doanh nghiệp cố gắng trả nợ.
Ông Thanh kêu ông Bình phải nghĩ cách sao đó để vay vốn giá rẻ từ nước ngoài, không thể cứ đi vay của dân rồi cho doanh nghiệp vay mãi. Có vẻ ông quên bài toán phụ thuộc. Và cũng không cập nhật câu chuyện đảo Síp – một quốc gia với ngành ngân hàng sống dựa dẫm rất lớn vào tiền người nước ngoài, để rồi khi nước ngoài sụp các ngân hàng cũng khốn đốn. Thiếu chút nữa còn định xén bớt tiền người dân bằng chính sách đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm. Chẳng gì bì được với nội lực. Cái chính là sử dụng nội lực ấy ra sao, chứ không phải nhăm nhe đi vay ông lớn nào để rồi phải nghe đủ thứ điều kiện. Cứ nhìn Síp ấy, các chính trị gia nhất quyết không thông qua chẳng phải cũng vì đề xuất đánh thuế phi lý mà châu Âu áp đặt hay sao.
Nhìn qua nhìn lại, tổ chức hội nghị thì cũng chỉ để nói thôi, chứ cũng không phải cho ra nghị quyết nào cả. Mà ông Thanh cùng Ban nội chính Trung ương kể từ khi thành lập đến nay cũng mới chỉ xuất hiện trong các cuộc… nói chuyện. Cũng chỉ có thể nói, bởi Ban nội chính Trung ương làm công tác tham mưu chủ yếu, chứ điều tra, còng tay hay kết án lại là việc ở chỗ khác.
Theo Sống Mớ