Chiều nay 22-3, WB cho rằng việc Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói ngân hàng này tài trợ khoản tiền trị giá 10 tỉ đồng sửa chữa, gia cường cầu vượt thép Láng Hạ- Huỳnh Thúc Kháng là không chính xác.
Chiều nay (22-3), vị đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có phản hồi ngay sau khi Báo Người Lao Động Online đăng tải thông tin ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, nói rằng WB đã đồng ý tài trợ khoản tiền khoảng 500.000 USD (trên 10 tỉ đồng) để sửa chữa, gia cường cầu vượt thép tại ngã tư Láng Hạ – Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa).
Theo vị đại diện WB, những thông tin ông Nguyễn Quốc Hùng nói là không chính xác.
Sau khi khởi động thực hiện dự án tuyến xe buýt nhanh số 1 (BRT 1), Sở GTVT TP Hà Nội đã có văn bản gửi WB đề nghị tài trợ số tiền 500.000 USD nhằm phục vụ việc sửa chữa, gia cường cầu vượt thép Láng Hạ – Huỳnh Thúc Kháng cho xe buýt trọng tải lớn, tốc độ cao (BRT) chạy qua.
Tuy nhiên, đến nay WB chưa có ý kiến về việc này bởi Sở GTVT TP Hà Nội đã thực hiện đề xuất không đúng quy trình.
Lý do là bởi WB đã ký kết với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho TP Hà Nội vay 49 triệu USD để tiến hành xây dựng tuyến BRT số 1 (bến xe Kim Mã – Giảng Võ- Láng Hạ – Lê Văn Lương- bến xe Yên Nghĩa). Sở GTVT TP Hà Nội chỉ là đơn vị tiếp nhận số tiền hỗ trợ và triển khai xây dựng. Khi nào Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến và đề xuất với WB về việc này thì mới được xem xét, điều chỉnh.
“Nếu WB có đồng ý thì số tiền đó cũng nằm trong khoản tiền đã tài trợ rồi, tức là nằm trong khoản 49 triệu WB đã ký kết cho vay. Hà Nội sẽ phải tiến hành điều phối, điều chỉnh lại các nguồn để có tiền sửa chữa, chứ đây (khoản tiền 500.000 USD – PV) không phải khoản tiền TP Hà Nội vay thêm và cũng không phải khoản tiền mà WB tài trợ không hoàn lại” – đại diện WB nói.
Như vậy, có thể thấy ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã thông tin không đúng về số tiền khoảng 10 tỉ đồng dự kiến để sửa chữa, gia cường cây cầu vượt tại nút giao thông Láng Hạ – Huỳnh Thúc Kháng mới được đưa vào sử dụng 1 năm.
Nhiều chuyên gia giao thông khẳng định việc cầu vượt mới hoạt động được 1 năm mà đã phải sửa chữa là khó chấp nhận được. Dù việc nghiên cứu, quy hoạch phát triển xe buýt BRT đã được tiến hành từ năm 2004 nhưng những nhà thiết kế, xây dựng giao thông ở Hà Nội vẫn làm cầu vượt không đạt tiêu chuẩn cho xe buýt BRT chạy qua.
Đến giờ dự án triển khai thì mới tá hóa, “cầu cứu” chi tiền sửa chữa, gia cố. Điều đó thể hiện tầm nhìn yếu kém của những nhà hoạch định giao thông vận tải, mà trước hết là Sở GTVT TP Hà Nội.
Theo T.Kha
Theo T.Kha
Theo Người lao động