02/12/2012 18:11:35
(Kienthuc.net.vn) - Cảnh đời éo le, khổ cực của những cô dâu Việt lấy chồng xứ người qua những bức tâm thư xót xa đến xé lòng.
Tâm thư cuối cuộc đời của ba mẹ con
“Chồng tôi quá hiểu lầm, cho nên 3 mẹ con từ bỏ cuộc đời và làm lại cuộc đời mới. Chỉ có cách chết, 3 mẹ con mới sống bên nhau mãi mãi. Nếu 3 mẹ con tôi có qua đời. Xin mọi người chôn cất một hàng và đưa về Việt Nam an táng. Xin đừng chia cách 3 mẹ con chúng tôi…”. Đó là lời tâm sự, kêu cứu của chị Võ Thị Minh Phương viết trước lúc 3 mẹ con chị nhảy lầu 18 tự tử từ phòng riêng tại khu chung cư tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Bức thư tuyệt mệnh 3 trang giấy của chị Phương khiến người đọc thấy thắt lòng, xót xa.
Ảnh cưới và lá thư tuyệt mệnh của chị Phương. (Nguồn: TTO) |
Chị nói về lý do mình phải từ giã cõi đời: “Trước hết con xin lỗi ba mẹ, con không làm tròn bổn phận người con hiếu thảo, con chết bỏ ba mẹ lại trần gian. Con đã suy nghĩ nhiều lắm mà không vượt qua được khỏi cái chết. Con thú còn muốn sống huống chi là con người. Tại vì bên đường chồng ép con vào đường cùng, cho nên phải hy sinh cả 3 mẹ con.
Sống mà không có các con bên cạnh thì sống để làm gì? Mạng 9 tháng 10 ngày sao họ chia cách tình mẹ con chúng con?”.
Chị Phương kể, chồng chị quá tàn nhẫn, đã nhiều lần đánh đập, đay nghiến chị. Chồng chị cố tình dựng chuyện chị có chồng và con ở Việt Nam, rồi sống lạnh nhạt, nhiều lần đuổi chị khỏi nhà. Dù chị Phương đã yêu cầu ly dị, không cần tài sản mà chỉ cần được nuôi một trong 2 đứa con, vậy mà chồng chị không đồng ý. Chị Phương tâm sự đầy thương cảm: “Muốn mẹ con xa cách nhau anh mới vui, vậy thì 3 mẹ con tôi cùng chết. Chết rồi mọi người cố sống đừng có hiểu lầm nhau”.
Cô dâu Việt xứ Hàn với thân phận... “cỗ máy đẻ”
Trước chị Phương, độc giả cũng đã từng được nghe những tâm sự, trải lòng của một cô dâu Việt quê gốc ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, lấy chồng Hàn Quốc. Cô gái chua xót tâm sự: “Thời gian đầu mới sang bên này, tôi chỉ như osin của gia đình họ và chỉ là “cỗ máy đẻ”. Hai đứa con của tôi lần lượt ra đời. Nhiều khi bị bố mẹ chồng mắng vô cớ, tôi nói với chồng thì lại nhận thêm về mình sự sỉ báng của chồng. Nhiều đêm nằm ngủ, tôi nhìn sang bên chồng rồi giật mình với những suy nghĩ miên man về người chồng già. Lại quay sang hai đứa con, chúng nó còn quá nhỏ”.
Sợ khi thấy cảnh những người chị họ lấy chồng Việt Nam nhưng không được hạnh phúc, cưới nhau một thời gian mới biết chồng nghiện ngập ma túy, đánh vợ, chửi con…; sợ cảnh mẹ chồng - nàng dâu đầy cay nghiệt, cô gái đó đã “dứt áo ra đi”, xây dựng gia đình với một người chồng Hàn Quốc.
Những chia sẻ về hoàn cảnh éo le trên trang blog cá nhân của chủ nhân bức thư. |
Hy vọng được tới thành phố xa hoa, mĩ lệ, được làm vợ một chủ một trang trại, nhưng khi sang Hàn Quốc cô mới biết thực chất, người hơn cô 30 tuổi mà cô lấy làm chồng đó chỉ là một người đi chăn bò. Có chồng mà cô đơn tột cùng, không ai chăm sóc lúc ốm đau, cũng chẳng có người để dốc bầu tâm sự, cô gái cho biết mình như một người lạc bước trên sa mạc.
Để khiến những người thân yêu an tâm, cô dâu Việt xứ Hàn không dám kể thật về cuộc sống của mình sau hôn nhân. Cô gửi con, đi làm thêm để có tiền gửi biếu bố mẹ đẻ. Cô kể, mình làm việc như con thiêu thân. Vì danh dự gia đình, vì con cái nên vẫn an phận với cuộc sống “cầm tù” suốt nhiều năm. Cô bảo, cuộc sống của những cô dâu Hàn mà cô gặp “giống như chiếc thuyền lênh đênh trong gió bão, chẳng biết xuôi về đâu và có thể chìm lúc nào không ai rõ”.
Không dám nói là tư vấn, cô gái có hoàn cảnh éo le ấy chỉ dám đưa ra lời khuyên cho các bạn gái trẻ đang ấp ủ ước mơ lấy chồng nước ngoài, rằng: “Đất nước Việt Nam mình đẹp, con người Việt Nam mình cũng rất đỗi thân thiện, đó là nơi nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn. Hãy gắn bó với nó trọn đời”.
Thư kể nỗi đau tê tái của dân “ba không”
Thư kể nỗi đau tê tái của dân “ba không”
Bên cạnh những cô dâu thường xuyên gánh chịu những đau đớn thể xác vì bị chồng và gia đình chồng hành hạ, nhiều cô dâu Việt tại Trung Quốc còn phải trải qua nỗi đau tê tái khi những đứa con họ sinh ra thuộc dân “ba không”.
Những cô gái Việt Nam sang Trung Quốc theo đường không chính thức vào những năm 90 đã sinh con nhưng khi đến tuổi đi học, con cái họ đều thuộc diện không quốc tịch, không phải công dân, và không có hộ khẩu. Họ sống ở huyện thị các khu vực Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc. Những chuyện như xin học, xin việc, đều là những nỗi lo khôn xiết của những cô dâu Việt.
Những đứa trẻ nơi đây dù học giỏi, đỗ đại học cũng không được học vì là dân “ba không”. |
Cuối năm 2009, một bức thư nặc danh với ngôn từ khẩn thiết được gửi đến Nam phương nông thôn báo, kể lại tình cảnh này: “Chúng là những đứa trẻ đang hoặc sắp đến tuổi đi học, giờ đang hoặc sắp đến trường cùng bạn bè đồng trang lứa. Nhưng cha mẹ chúng thì vô cùng lo lắng, khổ tâm vì tương lai của chúng bởi lẽ đây là những đứa trẻ “bất hợp pháp” không được đăng kí hộ khẩu. Không có giấy tờ hợp pháp chứng minh thân phận, không biết sau này khi chuyển cấp, xin việc phải làm thế nào…”.
Những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc sớm đã được những tổ chức cơ sở ở thôn trấn mặc nhiên thừa nhận, nhưng để được hưởng chính sách hỗ trợ chính thức của chính phủ Trung Quốc lại gặp rất nhiều khó khăn. Nỗi lo lớn nhất của họ là vấn đề hộ khẩu của con cái và những vấn đề phát sinh theo đó: đi lại, chuyển cấp, xin việc… hầu như không có cách nào giải quyết.
Tiểu Phong (tổng hợp)