07:42 | 15/12/2012
(Petrotimes) - Bộ Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo loại bỏ thêm 260 dự án thủy điện nhỏ, với tổng công suất 434 MW và 3 vị trí tiềm năng (chủ yếu có công suất dưới 3MW) chưa có nhà đầu tư đăng ký từ khi phê duyệt quy hoạch hoặc đã nghiên cứu đầu tư nhưng hiệu quả thấp...
Bộ Công Thương cho biết, ngoài các dự án đã được các tỉnh thống nhất loại khỏi quy hoạch trên, cả nước hiện có tổng số 1.110 công trình, dự án thủy điện, với tổng công suất lắp máy khoảng 25.291,3MW, kể cả các công trình đã được xây dựng trước khi lập quy hoạch chung.
Trong đó, có 239 công trình đã vận hành phát điện; đang thi công xây dựng và dự kiến vận hành phát điện từ nay đến năm 2017 là 217 dự án; đồng thời đang nghiên cứu đầu tư 294 dự án để vận hành phát điện trong giai đoạn 2015-2020; còn lại 360 dự án (tổng công suất 1.482 MW) chưa có nhà đầu tư đăng ký hoặc chưa giao nghiên cứu đầu tư. Các dự án này hầu hết có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, chưa thuận lợi về giao thông và đấu nối điện...
Các dự án thủy điện nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ Công Thương cho biết, việc đầu tư khai thác các dự án thủy điện nhỏ, ngoài nguồn vốn của chủ đầu tư dự án cho xây dựng công trình, còn đòi hỏi nguồn vốn nhà nước để đầu tư xây dựng công trình lưới điện (đường dây và trạm biến áp) nhằm thu gom và truyền tải công suất của các nhà máy này.
Trong khi đó, các dự án thủy điện nhỏ lại phân bố rải rác, chủ yếu thuộc các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, hạ tầng giao thông và lưới điện còn nhiều hạn chế; nhu cầu phụ tải tại chỗ thấp nên phải truyền tải điện năng đi xa, gây tổn thất lớn, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Với hồ chứa chỉ có khả năng điều tiết ngày đêm hoặc không điều tiết, các nhà máy thủy điện nhỏ cũng phụ thuộc nhiều vào lưu lượng tự nhiên của sông, suối nên chất lượng cung cấp điện về mùa khô kém ổn định.
Hiện nay, nhiều dự án thủy điện nhỏ đang thực hiện đầu tư hoặc chuẩn bị đầu tư nhưng phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn. Trong khi đó, nguồn vốn nhà nước cho đầu tư xây dựng công trình lưới điện cũng hạn chế. Nhiều dự án cũng chưa hoàn thành hoặc chưa nghiên cứu đầu tư nên cơ quan chức năng chưa có đủ thông tin về hiệu quả, các tác động môi trường-xã hội... để xem xét, đánh giá.
Vì vậy, để đảm bảo đầu tư xây dựng các dự án thủy điện có hiệu quả, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, phù hợp với tăng trưởng phụ tải điện hiện nay chỉ khoảng 10%/năm, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh tạm dừng và chỉ xem xét cho phép đầu tư xây dựng từ sau năm 2015 đối với 102 dự án thủy điện nhỏ có tổng công suất 662,8MW.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá 197 dự án thủy điện đã và đang nghiên cứu đầu tư nhưng chưa khởi công xây dựng, có tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến các quy hoạch khác..
Từ tháng 12/2009 đến nay, Bộ đã phối hợp với UBND các tỉnh liên quan rà soát, đánh giá quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước. Trong đó, Bộ đã yêu cầu loại bỏ (hoặc nghiên cứu điều chỉnh hợp lý quy mô) các dự án hiệu quả thấp, quy mô nhỏ không có nhà đầu tư quan tâm đăng ký, có tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội, ảnh hưởng đến các quy hoạch khác, không thuận lợi về giao thông và đấu nối điện.
Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh đã thống nhất loại khỏi quy hoạch 117 dự án thủy điện, với tổng công suất 617,65MW; không xem xét bổ sung vào quy hoạch 156 vị trí đã xác định thông qua nghiên cứu quy hoạch, có tiềm năng khai thác khoảng 335MW.
|
Văn Dũng