15/12/2012 08:45:30
- Tiếp tục trò chuyện với phóng viên về phát biểu gây sốc "chạy" công chức Hà Nội ít nhất cũng 100 triệu đồng của ông Trần Trọng Dực, TS Ngô Thành Can, Phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính, chia sẻ: "Chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy tuổi, chạy án... nói mãi rồi, nhưng sao chưa thể chữa tận gốc? Người dân cũng chạy được hay phải quyền, chức cao mới làm được?".
Đại họa là ở chỗ ấy!
Ngay sau những phát biểu gây sốc của ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội về chuyện thi tuyển công chức Thủ đô, Giám đốc sở Nội vụ Hà Nội đã phát biểu sẽ quyết liệt để đào tạo được nguồn công chức tương lai chất lượng cao bằng cách nói không với bằng tại chức, tổ chức thi tuyển bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ, cần thiết thì lắp camera trong phòng thi tuyển công chức... Theo ông, đây có là giải pháp "nhổ cỏ tận gốc"?
Theo tôi, dùng giải pháp lắp camera trong phòng thi là kém rồi. Chỉ những đối tượng không có đường dây chạy chọt, không có chân tay gì, thì mới phải sử dụng phương pháp quay cóp trong phòng thi thôi. Chứ đã mất tiền thì việc gì phải cóp với quay.
Nhưng vì trong kỳ thi công chức vừa rồi, có những bài thi quá hoàn thiện, không thiếu dấu chấm dấu phẩy nào nên mới có mối ngờ về việc "chạy"?
Thế nhỡ nó chép chỗ khác, chép sau khi thi thì sao. Còn nhiều thứ khác lắm. Lắp camera là tốt, nhưng không giải quyết được căn cơ đâu. Vì nó là cả quy trình, cả đường dây. Không thể nhìn vào giọt nước long lanh đẹp đẽ mà khẳng định là không có vi trùng vi khuẩn trong đó.
Như vậy có người sẽ tự hỏi, việc "chạy" công chức đó nó diễn ra như thế nào?
"Chạy" công chức thường là những nhà có kinh tế khá, muốn con cái được vào công chức cho ổn định. Vì vào công chức là chắc chân rồi. Số nữa là anh em họ hàng thân quen của cán bộ. Và đặc biệt một số người quả thật họ không có năng lực, họ sẽ cố gắng vay mượn để làm sao vào được, sau đó họ sẽ nghĩ cách để lấy lại.
Là lấy tiền để mua vị trí?
Đúng, sau này họ sẽ dùng vị trí của họ để thu lại vốn. Họ sẽ lại thu được tiền từ những người cũng muốn chạy vào vị trí nào đó như họ. Nguy hiểm hơn nữa là họ lại tiếp tục dùng nhiều tiền hơn nữa để chạy những vị trí cao hơn. Đại họa là ở chỗ ấy. Nó như một căn bệnh lây lan khiến chất lượng cán bộ bị kém đi.
Điều buồn cười là đợt thi công chức vừa rồi ở Hà Nội, số người dự thi vào ngạch thanh tra xây dựng quá đông. Có người hỏi tôi vì sao lại đông thế, và họ tự trả lời rằng, làm việc ngành đó thì dễ "hoàn vốn" hơn.
TS Ngô Thành Can, Phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính. |
Một bộ phận đội ngũ lãnh đạo cũng có vấn đề
Ý ông là đạo đức của công chức hiện đang kém?
Ta nói chất lượng cán bộ công chức kém, nghĩa là mới chỉ nói đến những người thực thi công việc. Đảng và Nhà nước cũng phải công nhận rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất, một bộ phận chạy chức chạy quyền, tham nhũng.
Một bộ phận không nhỏ, nghĩa là lớn. Mà những người làm được những việc đó, tham nhũng được, phải là cán bộ chứ. Những vị trí tham nhũng được là những vị trí lãnh đạo. Như vậy, không chỉ chất lượng của đội ngũ công chức kém, người thực thi kém, mà chất lượng của một bộ phận đội ngũ lãnh đạo cũng có vấn đề.
Như vậy thì nguy hiểm quá, liệu có khắc phục được không thưa ông?
Nếu vấn đề nằm ở yếu kỹ năng, kém về kiến thức, thì hoàn toàn có thể khắc phục được. Nhưng đạo đức mà suy đồi, trách nhiệm yếu kém, thì khó đào tạo lắm. Phải có chế tài, có người làm gương để họ không dám vi phạm.
Làm gương, ý ông là người đứng đầu phải trong sạch?
Nếu sếp trong sạch, sòng phẳng thì nhân viên có qua mắt được không? Tôi nghĩ là hiếm lắm.
Có phong bì tôi đưa quyết định ngay
Nói nhiều về thực trạng, nghĩ mãi về giải pháp, nhưng tiêu cực vẫn diễn ra, tham nhũng vẫn có, phải chăng chúng ta bó tay?
Từ trước đến giờ, việc suy thoái đạo đức, tham nhũng, chạy chức chạy quyền, đã nói hết rồi. Giải pháp cũng đã có rồi. Chúng ta chỉ hy vọng là nếu thực hiện tốt thì có kết quả tốt.
Chúng tôi vẫn nói với nhau, tổ chức bộ máy nhà nước phải trong như pha lê, ai nhìn vào cũng thấy được. Nhưng có những cái mà ai cũng thấy được thì họ còn gì để ăn nữa? Vì thế, cải cách quan trọng nhất vẫn là con người.
Ông có thể ví dụ cụ thể hơn?
Ví dụ, tôi có một cái quyết định bổ nhiệm cán bộ. Đáng nhẽ tôi đưa ngay cho người được bổ nhiệm để họ mừng. Thế nhưng không, tôi cứ giữ lại. Đến khi người kia sốt ruột hỏi: "Cái quyết định ấy thế nào?". Tôi bảo: "Cứ yên tâm, khi nào có thì tôi đưa". Lúc đó thì người kia mới nghĩ ra phải có "động tác" nào đó. Có phong bì tôi đưa quyết định ngay. Đấy, nó dở là dở ở chỗ ấy chứ không phải ở các quy định.
Phát ngôn của ông Dực, theo ông thì nó có làm cho những người đang "chạy" và có ý định "chạy" run sợ?
Không! Họ chỉ sợ khi thấy có một vài người bị kỷ luật. Chỉ khi đó thì người ta mới không dám làm. Còn nếu không thì họ sẽ tặc lưỡi: "Từ xưa đến nay người ta vẫn nói, nhưng có sao đâu".
Nhưng rõ ràng việc tìm ra bằng chứng "chạy" là khó?
Không có gì không thể, chỉ có điều người ta muốn làm hay không. Nếu muốn thì đâu cũng lôi ra được. Vì không một hay hai người làm được việc đó.
Xin cảm ơn ông!
Anh Dực chỉ ra rằng đó là những người nhận hồ sơ. Nhưng theo tôi đó là một khía cạnh nhỏ thôi. Chứ người nhận hồ sơ chỉ là mấy anh "lon ton" thôi. Phải có một số người ở những chức vị cao hơn nhiều cấu kết lại với nhau. Chứ chỉ 1 - 2 người thì không thể làm được, có làm thì cũng chỉ là tham nhũng vặt mà thôi. Các quy trình tuyển dụng cũng chặt chẽ không kém gì bổ nhiệm cán bộ, nhưng vì sao vẫn có những cán bộ yếu kém về cả năng lực và đạo đức nhảy vào bộ máy? Hình như có một nhóm người hoặc một bộ phận nào đó có lợi ích cá nhân cấu kết với nhau để làm việc này. Tôi dám kết luận là tham nhũng không chỉ là một người và không thể chỉ là nhân viên. |
)