THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 October 2012

Hà Nội, bao giờ hết lội?

Hà Nội, bao giờ hết lội?

05:15 | 13/10/2012
(Petrotimes) - Hà Nội, thủ đô ngàn năm tuổi nên hệ thống thoát nước cũng già cỗi với thời gian. Hiện nay, Hà Nội chủ yếu vẫn thoát nước mưa dựa trên những con sông đang trong tình trạng ngắc ngoải như Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và mới đây là sông Nhuệ, Cầu Bây. Với khả năng thoát nước hết công suất khi lượng mưa 100mm/giờ và bình thường chỉ vào khoảng 50mm/giờ, chắc chắn trong vòng 10 năm tới Hà Nội cứ mưa to một chút là dân lại phải lội.




Điệp khúc cứ mưa là ngập, người Hà Nội phải nghe ít nhất 10 năm nữa


Hệ thống thoát nước là một phần quan trọng cấu thành nên thành phố, thể hiện sự phát triển cũng như tư duy của những người làm quy hoạch thành phố đó. Sau cả ngàn năm phát triển, hệ thống thoát nước của Hà Nội ví như một mê cung. Việc thoát nước chủ yếu nhờ các sông, mương nội tại của thành phố và cuối cùng xả ra các sông lớn. Hà Nội có 685km cống, khoảng 13.000 ga thu/ga thăm, xấp xỉ 100km mương, 46 kênh, sông và quản lý mực nước 44 hồ điều hòa, 4 trạm bơm và 3 trạm xử lý nước thải do Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý. Toàn bộ hệ thống thoát nước Hà Nội được phân làm 3 lưu vực chính tại sông Tô Lịch, sông Nhuệ và sông Cầu Bây.

Trên các tuyến phố, dễ nhận thấy rằng, trên mỗi con đường cứ khoảng 20-30m là có một nắp cống thò hoặc thụt trên đường. Tính bình quân trên toàn địa bàn thành phố, mật độ cống trung bình là 62m/ha và tỷ lệ đường cống so với đầu người ở Hà Nội là 0,35m/người. So với tỉ lệ đường ống thoát nước tại các đô thị trên thế giới, Hà Nội chưa bằng 1/5 (trung bình 2m/người). Từ con số thống kê trên cho thấy, việc phát triển đô thị của Hà Nội đã và đang có sự lệch lạc đáng báo động. Với đà phát triển dân số như hiện nay, mức độ thoát nước của người dân như vậy là không thể chấp nhận được. Chính quyền thành phố nếu không có biện pháp xử lý vấn đề thoát nước đô thị thì trong vài thập kỷ tới, Hà Nội sẽ nối gót Chiengmai, New Delhi đi vào con đường ngập lụt, thiếu điện, dân sinh sống cùng nước thải, giao thông trở thành thảm họa.

Có lẽ dân ta sống khổ dần cũng quen như cái khu vực ga Lê Duẩn, Trần Quý Cáp, Nguyễn Khuyến, Thái Hà, Giảng Võ, Đền Lừ… cứ mưa là ngập. Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hệ số đường cống phục vụ thoát nước chỉ chiếm khoảng 65-70% tổng chiều dài đường phố và tập trung chủ yếu trong khu vực phố cũ. Đáng lo ngại hơn cả là tại nhiều khu vực chưa có hệ thống cống như đường Phạm Văn Đồng, Giảng Võ, Lĩnh Nam, Ngô Văn Sở... Hệ thống cống, rãnh trong khu vực ngõ xóm, khu đô thị hóa, đặc biệt là các khu vực từ xã chuyển lên phường còn manh mún, khớp nối thiếu đồng bộ với hệ thống chính, nên khả năng thoát nước kém. Tại khu vực nội thành (lưu vực sông Tô Lịch) chúng ta đang sử dụng 74km cống xây dựng từ thời Pháp, trước năm 1954. Cống có tiết diện nhỏ, xuống cấp nên khả năng thoát nước rất kém. Trong đó, nhiều tuyến cống xuống cấp nghiêm trọng như tuyến Lò Đúc, Quán Sứ... Rõ ràng, chúng ta đang xây dựng một thành phố theo kiểu manh mún, tự phát. Thử hỏi bất cứ một kiến trúc sư, một quy hoạch gia nào chấp nhận xây cho mình một ngôi nhà mà không xây đường thoát nước, đường vệ sinh hay không? Phải chăng cái nỗi khổ dân sinh này “không quan trọng và chẳng ảnh hưởng đến ai, nên làm đường ta cứ làm để lấy hình ảnh, lấy thành tích, còn cái chuyện không có đường thoát nước, ngập đường đi, dân bị vây trên các tòa nhà như vây giữa ốc đảo là chuyện của …“ông Trời”. Dân mình bây giờ chắc là khôn ra rồi, bây giờ trong hành trang đi mua nhà đã kèm theo yêu cầu có bị ngập không, có sơ đồ cống ngầm thoát nước hay không.

Ngập nước dân đã khổ nhưng miệng ga trên các tuyến phố, khu dân cư còn là những ẩn họa khôn lường. Từ đầu năm 2012, gần chục vụ tai nạn thương tâm gây chết người tại khắp cả nước chỉ do hố ga, miệng cống thoát nước không có nắp đậy như, vụ chị Tuyết Mai vướng hố ga trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM; vụ cháu Trần Bảo Dũng trượt chân ngã xuống cống chết đuối tại Kiến An, Hải Phòng; cháu Trần Bảo Nguyên rơi vào hố ga quận Long Biên… Chưa có một quy chuẩn nào cho việc đặt nắp hố ga trên đường, trong các khu dân cư. Đi trên bất cứ đoạn đường, phố nào tại Hà Nội cũng phải tinh mắt tránh hố ga nếu không muốn tự nhiên đo đường. Hố ga có những cái thò lên trên mặt đường gần 20cm, cái lại thụt xuống, cái nằm giữa đường, cái sát với vỉa hè. Đây chính là một trong những tác nhân gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đường phố và còn là những cái bẫy chết người trong mùa mưa lũ.

Dự án thoát nước Hà Nội triển khai từ năm 1995 đã thực hiện xong giai đoạn I nhưng hiện diện tích mặt đất tự nhiên để ngấm nước đã giảm do việc bê tông hóa mặt đường và công trình kiến trúc. Việc thành phố có địa hình bằng phẳng thì việc sử dụng hồ, ao để điều tiết thoát nước rất quan trọng. Nhưng hiện chỉ có 44/110 hồ được đưa vào quản lý mực nước. Chính vì vậy, năng lực thoát nước thực tế của hệ thống thoát nước Hà Nội hiện nay, thì với dự án thoát nước giai đoạn 1 cũng chỉ đảm bảo cho lượng mưa 36mm/giờ. Giai đoạn II sẽ nâng công suất trạm bơm Yên Sở từ 45m3/s lên 90m3/s và tất cả 10 hạng mục khi vận hành cũng chỉ giải quyết được lượng mưa dưới 100mm/ngày. Thành phố đang xem xét vấn đề phối hợp giữa Công ty Thoát nước đô thị và Công ty Phát triển Đầu tư Thủy lợi để tận dụng các trạm bơm nước phục vụ nông nghiệp khu vực sông Cầu Bây, Long Biên, sông Nhuệ, quận Hà Đông để tăng khả năng điều tiết thoát nước.

Cứ mỗi độ mưa bão về, người Hà Nội lại lóp ngóp trong nước ngập, dân kêu trời vì khổ, bao vụ tai nạn thương tâm xảy ra, thiệt hại về người, về của ngày một tăng nhưng sự quan tâm của lãnh đạo thành phố chẳng thấy đâu. Tình hình cứ tiếp diễn thế này thì Hà Nội sẽ tiếp bước Chiengmai Thái Lan bước vào danh sách dự báo sẽ ngập chìm trong nước 50 năm nữa. Đã đến lúc chúng ta phải có một chương trình hành động, một quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cống ngầm của thành phố để người dân thủ đô hiểu được sự nghiêm trọng sống còn cho sự tồn tại và phát triển trong tương lai.

Năng lực thoát nước thực tế của hệ thống thoát nước Hà Nội: Dự án thoát nước giai đoạn 1 cũng chỉ đảm bảo cho lượng mưa 36mm/giờ. Giai đoạn II (nâng công suất trạm bơm Yên Sở từ 45m3/s lên 90m3/s) và tất cả 10 hạng mục khi vận hành cũng chỉ giải quyết được lượng mưa dưới 100mm/ngày; Hà Nội có địa hình bằng phẳng nên sử dụng hồ, ao để điều tiết, thoát nước rất quan trọng nhưng hiện chỉ có 44/110 hồ được đưa vào quản lý mực nước. Biện pháp chống ngập Hà Nội: Nâng công suất trạm bơm Yên Sở, cải tạo hồ Định Công, Linh Đàm để giải quyết úng ngập phía nam thành phố; Cải tạo mương chính của thành phố thành các mương cống hộp hoặc mương hở có tường chắn vùng ven đô nhằm tăng khả năng thoát nước; Cải tạo toàn bộ các tuyến mương và các cống với đường kính lên 1.500D; Tại lưu vực sông Nhuệ xây trạm bơm Cổ Nhuế, xây dựng, cải tạo 10 hồ, nâng công suất trạm bơm Đồng Bông; Tại địa bàn quận Long Biên phải tận dụng 18 hồ điều hòa (154ha) cho công việc thoát nước.
Thành Công

Năng lượng Mới số 163, ra ngày 12/10/2012