Kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2, Phó tư lệnh Quân khu 5 đề nghị Ban quản lý dự án cần khẩn trương xây dựng phương án phòng chống lụt bão, tính toán kỹ tình huống vỡ đập thủy điện, dù xác xuất xảy ra nhỏ nhất.
> 'Phải đặt tính mạng người dân lên trên hết'
Sáng 2/10, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5 kiểm tra công tác phòng chống lụt bão ở thủy điện Sông Tranh 2. Làm việc với BQL dự án thủy điện 3, thiếu tướng Quy Nhơn nhấn mạnh, mặc dù Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, các nhà khoa học đều khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn sau khi xử lý hoàn tất sự cố thấm, song chủ đầu tư không được lơ là, chủ quan.
"BQL cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Nam khẩn trương xây dựng phương án phòng chống lụt bão. Trong đó, tính toán kỹ tình huống xấu vỡ đập thủy điện, dù xác xuất xảy ra nhỏ nhất", thiếu tướng Quy Nhơn lưu ý.
Phương án PCLB cho vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 nhất thiết phải tính đến tình huống vỡ đập theo kế hoạch chi tiết: Khảo sát kỹ địa hình đồi cao, bố trí lực lượng, sơ tán, di dân... theo các cấp huyện, tỉnh và Quân khu 5 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân.
Mưa lũ bắt đầu tràn về khu vực đầu nguồn khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín. |
Chiều cùng ngày, Thiếu tướng Quy Nhơn họp bàn với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các Sở ngành, địa phương về xây dựng phương án PCLB ở vùng hạ lưu công trình thủy điện Sông Tranh 2.
Theo đó, Phó Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Nam phối hợp với BQL dự án thủy điện 3, huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn khảo sát khu vực đồi núi tại địa phương có cao trình vượt lũ hơn 160 mét để khi xảy ra tình huống xấu vỡ đập có thể chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Phương án này có thể tổng hợp cho kịch bản ứng phó trong tình huống vỡ đập cho cấp tỉnh.
Trong tình huống xấu, Quảng Nam có thể áp dụng phương châm "bốn tại chỗ", “hợp đồng tác chiến” với các đơn vị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, trường Quân chính, Trung đoàn 270, Sư đoàn 315... đóng trên địa bàn. Các huyện vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 huy động Ban chỉ huy PCLB, cơ quan Quân sự từ cấp huyện đến xã, thôn để hỗ trợ giúp dân sơ tán trong tình huống khẩn cấp.
Riêng Quân khu 5 cũng sẽ lên kế hoạch xây dựng phương án PCLB nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho vùng hạ lưu của hai thủy điện Sông Tranh 2, A Vương và cho cả TP Đà Nẵng.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Lân, Phó Ban quản lý thủy điện 3 cho biết, đã trình phương án phòng chống lụt bão gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt, lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát lập bản đồ, cắm mốc vùng ngập lụt hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2. Theo đó, đơn vị tư vấn dự kiến khảo sát, lập bản đồ ngập lụt ở các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức...
"Việc lập bản đồ ngập lụt này thông qua ý kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đánh giá, phân tích của các nhà khoa học để đưa ra phương án phòng chống lụt bão phù hợp với thực tiễn từng địa phương", ông Lân nói và cho biết, trước mắt do Chính phủ chưa cho tích nước hồ chứa nên mùa mưa lũ năm nay sẽ mở 6 cửa ở ngưỡng tràn để xả nước. Lắp đặt hai trạm cảnh báo lũ từ xa, đồng thời gắn hệ thống camera tại hồ thủy điện, mọi người có thể vào mạng để giám sát.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Quảng Nam, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hiện có 10 thủy điện bậc thang do Bộ Công Thương phê duyệt, 34 thủy điện nhỏ do tỉnh phê duyệt, với tổng công suất 1.500 MW. Hiện vẫn còn một số thủy điện vẫn chưa xây dựng hoặc mới xây dựng phương án bảo vệ đập, phòng chống lụt bão, phương án đảm bảo an toàn đập, an toàn cho hạ du…
Động đất dồn dập khiến hàng loạt ngôi nhà tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt nẻ, hư hỏng, người dân không dám ở nhà xây đổ xô đi dựng nhà sàn, lều để ở phòng tránh nguy hiểm trong mùa mưa lũ năm nay. Ảnh: Trí Tín. |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lo ngại, dù không tích nước nhưng do hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy nên mực nước hồ lúc cao điểm vào mùa mưa lũ năm nay vẫn là 161m (tương đương 480 - 500 triệu m3 nước). Do vậy, cần thiết phải có phương án PCLB cho người dân vùng hạ lưu. Kịch bản phòng chống lũ vùng hạ lưu thủy điện phải tính toán kéo dài theo địa hình của sông Tranh, qua sông Thu Bồn đến Cửa Đại (TP Hội An).
Trước đó, sáng 27/9, sau khi kiểm tra thực tế tại thủy điện Sông Tranh 2, ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên Ban PCLB Trung ương lưu ý, trước diễn biến bất thường của thiên tai, Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam cần có kế hoạch cụ thể, tổ chức di dời dân ở những vùng hạ lưu khi đập xả nước mùa lũ. Cần có sự giám sát của đại diện chính quyền địa phương để nắm thông tin về mức độ an toàn của đập khi nước dâng cao. Những thông tin đó phải thông báo kịp thời cho vùng hạ lưu được biết để chủ động phòng tránh.
Trí Tín