Tối 27/10, bão Sơn Tinh tăng lên cấp 13 với mắt bão sắc nét trên ảnh vệ tinh, dự kiến đổ vào Ninh Bình - Thanh Hóa trưa 28/10. Hơn 100.000 dân sẵn sàng sơ tán khẩn cấp trong đêm, quân đội được huy động hộ đê.
>Bão Sơn Tinh gây mưa lớn ở miền Trung/ Người dân miền Trung chống bão Sơn Tinh
Theo Trung tâm dự báo khí tượng, ảnh hưởng của bão đã khiến các đảo ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh. Thành phố Huế có gió giật cấp 6. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định mưa to; một số nơi có mưa lớn hơn như Tà Rụt (Quảng Trị) 130mm; A Lưới (Thừa Thiên Huế) 130mm; Đà Nẵng 80mm, Quảng Ngãi 130mm; Lý Sơn 100 mm …
Mắt bão sắc nét của cơn bão mạnh cấp 13. Ảnh vệ tinh: NCHMF. |
Cơ quan khí tượng cho hay, chiều tối 27/10, bão Sơn Tinh đạt tới cấp 13 và di chuyển chậm lại, tốc độ 15 km mỗi giờ. Trên ảnh mây vệ tinh, mắt bão hiện lên rất rõ, thể hiện sức mạnh ở vùng gần tâm bão. Hướng di chuyển của bão gần như song song với bờ biển Bắc Trung Bộ, tiến về vùng biển Thanh Hóa - Nam Định. Trên đường di chuyển vào gần bờ, bão suy yếu dần và cập bờ ở cường độ cấp 9-10.
Đến chiều ngày 28/10, tâm bão nằm trên khu vực Thanh Hóa và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, sau đó bão đổi hướng di chuyển lên phía bắc và chệch ra biển, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi đông bắc Bắc Bộ. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ mưa lớn.
Cơn bão di chuyển chếch lên phía Bắc, hướng vào Thanh Hóa - Nam Định. Ảnh: NCHMF. |
Tối 27/10, các địa phương ven biển khẩn trương sơ tán dân sát mép nước vào nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. “Hàng chục năm nay, Thanh Hoá chưa thấy cơn bão nào xuất hiện vào cuối tháng 10. Theo kinh nghiệm, trời càng lặng gió, bão sẽ càng to”, ông Phạm Văn Phất, một lão ngư ở xã biển Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá dự đoán.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có công điện khẩn gửi các địa phương ven biển khẩn trương triển khai các phương án đối phó với bão số 8. Theo đó, Chủ tịch Thanh Hoá yêu cầu tổ chức sơ tán ngay các hộ dân nằm sát mép nước vùng ven biển, cửa sông vào nơi tránh trú bão an toàn. Các hộ dân ven biển chủ động gói gém hành lý, sắp xếp tài sản, chuẩn bị phương tiện sơ tán trong đêm... Ít nhất 110.000 dân sẵn sàng sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Lực lượng công an, quân đội được huy động bảo vệ tài sản người dân.
Tại Thanh Hóa, nhiều đoạn đê sông Chu, sông Cầu Chày bị vỡ, nứt trong trận lũ lịch sử hồi cuối tháng 9 đang được chú ý đặc biệt. Hiện, các đoạn đê vỡ đã hàn khẩu xong. UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo Sở Công thương khẩn trương vận chuyển 50 tấn gạo lên các huyện vùng cao có nhiều khả năng bị cô lập do mưa lũ như Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hoá, Lang Chánh, Thường Xuân để dự trữ cứu trợ cho dân khi có nhu cầu.
Người dân ven biển Thanh Hóa chuẩn bị sơ tán trong đêm nay. Ảnh: Lê Hoàng |
Dù bão không đổ bộ trực tiếp nhưng Nghệ An đã có thiệt hại về người. Trên đường vào bờ tránh bão, tàu cá do ông Võ Văn Hường ở xã An Hòa huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng chở theo 8 ngư dân gặp sóng lớn. Anh Hoàng Văn Đông (46 tuổi), trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu đứng ở mạn tàu và bị gió quật, rơi từ trên tàu xuống biển. Đến tối 27/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng ngư dân, người thân vẫn chưa tìm được anh Hoàng Văn Đông. Địa điểm anh Đông bị nạn cách bờ 8 hải lí, biển động mạnh, sóng lớn khiến việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.
Nhóm phóng viên