Mặc dù Hà Tĩnh được tuyên dương là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước có thành tích xoá nhà tranh tre giột nát từ 2003, thế nhưng, 9 năm sau, cảnh một bà mẹ liệt sỹ sống mấy chục năm trời trong túp lều giột nát khiến cho chúng ta không khỏi nghĩ về vấn nạn ”bệnh” thành tích trong xã hội.
Vừa qua trên báo VietNamNet đăng tải bài viết “Cảnh mẹ liệt sỹ sống trong túp lều tranh” đã khiến cho hàng triệu con tim rung động. Độc giả xót thương cho bà mẹ nhiều và cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với thái độ bàng quan, vô cảm của các cấp chính quyền địa phương tại Hà Tĩnh.
Bà là Phạm Thị Vượng (xóm Phái Nam, xã Thạch Lâm, Thạch Hà), năm nay đã xấp xỉ 90 tuổi. Năm 1974 anh Nguyễn Xuân Hồng (SN 1956, là người con thứ 3 của bà) nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, một năm sau, bà Vượng như chết lặng khi nhận được giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Xuân Hồng đã hi sinh trong lần cùng đơn vị tiến công giải phóng miền Nam.
Năm 1988, thấy mảnh vườn người hàng xóm (ông Phạm Xuân Đôi, bố vợ đương kim bí thư xã Thạch Lâm) đã bỏ đi, bà đã xin xóm, xã được phép dựng túp lều để ở. Bà không muốn ở với con cháu vì bà “muốn được yên tĩnh”.
Túp lều tranh hiện giờ bà sống được dựng từ lúc đó. Trải qua bao nắng mưa bão lũ, túp lều đã bị hư hỏng, phải sửa chữa nhiều lần.
Đến năm 2004, mảnh đất bà ở được chính quyền công nhận bằng sổ đỏ. Rồi bỗng một ngày, khi tuyến đường QL1B chạy qua, đất đai bỗng có giá, ông bố vợ bí thư xã quay lại đòi đất.
Khi làm việc với báo chí, các cấp chính quyền đều thừa nhận sự hợp pháp của mảnh đất bà ở. Tuy nhiên, họ cũng trả lời hết sức thiếu trách nhiệm rằng, việc bà không được hỗ trợ làm nhà là do đất đang có tranh chấp!
Là mẹ liệt sỹ, đối tượng ưu tiên trong công tác chính sách của nhà nước, chẳng những bà không được làm nhà tình thương, xoá nhà tranh, mà ngay cả đến khi có chương trình tài trợ xoá nhà tranh vào năm 2011, mặc dù có tên trong danh sách được hưởng nhưng rồi người mẹ liệt sỹ này cũng không thể nhận được vì xã, huyện nói rằng “phần đất của bà chưa rõ ràng”!
Ở Hà Tĩnh, không ai lạ gì với thành tích xoá nhà tranh tre giột nát của tỉnh này. Từ 2003, tỉnh Hà Tĩnh được Ủy ban trung ương MTTQVN và Bộ LĐ-TB&XH đánh giá là một trong ba tỉnh (cùng với Tuyên Quang, Hải Dương) dẫn đầu cả nước về phong trào xóa nhà tranh tre dột nát cho hàng vạn hộ nghèo. (báo Tuổi trẻ ngày 4/11/2006).
Tại báo cáo tổng kết cuộc vận động xoá nhà tranh tre dột nát của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh ngày 18/9/2003 có nêu thành tích nổi bật mà tỉnh này đạt được: ”Cuộc vận động xóa nhà tranh tre dột nát của tỉnh Hà Tĩnh được phát động trong năm năm (2001-2005). Đây là nhiệm vụ quan trọng của nghị quyết Đảng bộ Hà Tĩnh nhiệm kỳ XV nhằm phấn đấu đến năm 2005 (cơ bản hoàn thành trong năm 2003) giúp hộ đói nghèo (ưu tiên gia đình thương binh, liệt sĩ) xóa hết nhà tranh tre dột nát.
Phương thức cuộc vận động là huy động nội lực toàn dân, các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp và trích ngân sách của tỉnh để hỗ trợ. Kết quả đã xóa được 11.533 nhà tranh tre dột nát”.
Riêng huyện Thạch Hà đã huy động gần 15 tỉ đồng, hoàn thành việc xóa nhà tranh tre dột nát cho các hộ đói nghèo trên địa bàn huyện vào tháng 7/2003.
Năm 2006, báo Tuổi trẻ cũng đã có bài báo điều tra về những thực tế đằng sau thành tích của Hà Tĩnh. Đáng chú ý, trong nhiều hoàn cảnh vẫn phải sống trong nhà tranh thì có một bà mẹ liệt sỹ khác. Đó là cụ Thái Thị Đương (83 tuổi, ở xóm 12, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn).
Rồi đến năm 2012, 9 năm sau thời điểm Hà Tĩnh được đánh giá một trong 3 tỉnh dẫn đầu về xoá nhà tranh tre giột nát, một bà mẹ liệt sỹ vẫn phải sống trong túp lều tranh đã được làm từ 25 năm. Căn nhà được dựng bằng khung tre, lợp tranh, vách đất, đã xiêu vẹo, giột nát nhiều.
Bà Vượng chẳng đủ tiền để mua bạt trần hết túp lều tranh, chỉ mua được tấm bạt, đủ căng trên chiếc giường mà bà vẫn thường nằm. Mùa mưa bão 2012 lại đến, bà lại lo ngay ngáy…
Xin được thưa với quý cơ quan chức năng, quý lãnh đạo địa phương nơi bà Vượng sinh sống, năm nay người mẹ liệt sỹ này cũng đã gần 90 tuổi, chẳng còn nhiều thời gian nữa. Rồi đến lúc nào đó, rất gần, những người được gọi là “mẹ liệt sỹ” như bà sẽ không còn nữa.
Bà chẳng đủ thời gian hay sự tỉnh táo để hiểu hết được lý do “đất đang tranh chấp, chưa rõ ràng” mà quý chính quyền địa phương biện minh với cánh nhà báo. Chỉ biết rằng, mong mỏi có một chỗ ở tử tế để chính tay bà thờ người con liệt sỹ, có lẽ đến khi chết đi cũng không thành được.
Theo baomoi