THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 September 2012

Khủng hoảng tài chính Việt Nam đe dọa kinh tế ASEAN

Khủng hoảng tài chính Việt Nam đe dọa kinh tế ASEAN



Máy rút tiền của ngân hàng Vietcombank ở Hà Nội (REUTERS)

Đức Tâm (THỨ NĂM, NGÀY 13 THÁNG CHÍN NĂM 2012)

Những khó khăn hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng có thể gây ra những hậu quả xấu đối với nền kinh tế của các thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEEAN. Trên đây là cảnh báo của giới quan sát.
Mặc dù một số chuyên gia kinh tế cho rằng ít có khả năng xẩy ra một ra một cuộc khủng hoảng tại châu Á như trong các năm 1997 – 1998, bởi vì cuộc khủng hoảng ngân hàng của Việt Nam « rất khác » so với tình hình Thái Lan cuối năm 1997. Vào thời điểm đó, các vụ tấn công của giới đầu cơ đã làm cho đồng Baht Thái bị mất giá nghiêm trọng, gây ra tình trạng khan hiếm ngoại tệ tại các nước Đông Nam Á.

Thế nhưng, trong những tuần qua, các cuộc đàm phán hối hả giữa các ngân hàng Việt Nam để huy động vốn, những vụ bắt giữ các quan chức tham nhũng và việc Việt Nam không còn có tỷ lệ tăng trưởng cao, tất cả những yếu tố này gây ra lo ngại cho các nước trong khu vực.
Áp lực đối với các nền kinh tế Đông Nam Á lại càng gia tăng sau khi Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam, ngày 05/09, nêu lên khả năng chính phủ cần đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, ít nhất là 12 tỷ đô la, để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu, nợ quá hạn. Ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải lên tiếng bác bỏ đề xuất này, khẳng định là Việt Nam không cần đến sự tài trợ của IMF và tình hình kinh tế vĩ mô vẫn « ổn định ».

Indonesia có nền kinh tế lớn nhất trong ASEAN. Ông Anton Gunawan, kinh tế gia thuộc Bank Danamon, được báo Jakarta Post trích dẫn, nhận định rằng cuộc khủng hoảng tại Việt Nam làm cho các nhà đầu tư có suy nghĩ tiêu cực đối với thị trường tài chính Indonesia. Nhiều người có lo ngại tương tự như hồi xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008, cho dù hiện nay, Indonesia làm chủ và xử lý được tình hình.
Chuyên gia A.Prasetyantoko, đại học Công giáo Atma Jaya, cũng giảm thiểu những lo ngại về nguy cơ các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi Indonesia do viễn cảnh kinh tế u ám của Việt Nam. Ông nói : « Đúng là các nhà đầu tư ngoại quốc chiếm tới 60% tổng số vốn trên thị trường tài chính Indonesia. Nhưng tôi nghĩ rằng, không có một nơi nào mang lại tỷ lệ lợi nhuận đầu tư cao như Indonesia vào lúc này, do việc châu Âu vẫn còn chao đảo và Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt với những bấp bênh trong nền kinh tế ».

Bộ Tài chính Indonesia cũng lên tiếng trấn an, nhấn mạnh là nền kinh tế nước này hiện nay « cứng cáp » hơn nhiều so với năm 1997. Ông Bambang Brodjonegoro, lãnh đạo cơ quan thuế thuộc bộ Tài chính Indonesia cho biết Jakarta đã có một số phương án bảo vệ nền kinh tế, tránh được những cú sốc nếu xẩy ra khủng hoảng tài chính.

Những phương án này bao gồm kế hoạch quản lý khủng hoảng (Crisis management protocole - CMP) đối phó với những rủi ro lớn trong tình huống các ngân hàng phá sản. Bên cạnh đó, còn có cơ chế phát hành công trái ổn định (Bond Stabilization Framework – BSF).

Ngoài ra, trong khuôn khổ ASEAN + 3, Indonesia đã ký thỏa thuận « Sáng kiến Chiang Mai » năm 2009, thành lập mạng lưới hỗ trợ tài chính giữa các thành viên ASEAN và đặc biệt là giúp đỡ song phương giữa từng quốc gia ASEAN với nhóm 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sáng kiến này cho phép hỗ trợ khẩn cấp một thành viên đối phó với tình trạng đồng tiền quốc gia bị mất giá nghiêm trọng và giới đầu tư ồ ạt đưa vốn ra bên ngoài.

Chính quyền Jakarta cho biết tiếp tục theo dõi sát sao các diễn tiến tại Việt Nam. Câu hỏi mà một số nhà phân tích không ngần ngại nêu ra : Liệu Việt Nam có thể trở thành một Hy Lạp ở châu Á hay không ? Theo tạp chí trên mạng The Diplomat, còn quá sớm để khẳng định điều này, bởi vì chính phủ và người dân Việt Nam có những đặc trưng khác với Hy Lạp, lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát, tỷ giá hối đoái ổn định.
Thế nhưng, cũng có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại : Giá bất động sản giảm gần như một nửa, đầu tư ngoại quốc giảm một phần ba và theo các dự báo, trong hai năm tới, tỷ lệ tăng trưởng có thể chỉ là 5%, quá thấp để một nước đang phát triển như Việt Nam cải thiện được tình hình.

Tạp chí The Diplomat nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính của Việt Nam sẽ nhanh chóng tác động đến hai nước láng giềng là Cam Bốt và Lào và lan rộng ra, vào lúc nền kinh tế khu vực có thể sớm phải đối mặt với những bấp bênh.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120912-khung-hoang-tai-chinh-viet-nam-de-doa-kinh-te-asean