Loại kiến này có rất nhiều ở khu vực đồng ruộng, thường xuất hiện sau mùa gặt. Vào ban đêm, chúng bị thu hút bởi ánh sáng đèn điện ở các khối nhà cao tầng... nên đã xâm nhập vào khu vực dân cư.
Chị Nguyễn Thị Tý (ngụ G2 khu tái định cư Hương Sơ) với nhiều vết bong rộp trên mặt do tiếp xúc với kiến 3 khoang - Ảnh: B.N.L |
Ngay sau khi tìm ra được “thủ phạm” gây tình trạng viêm da của người dân P.Hương Sơ, Sở Y tế Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành khám, cấp thuốc miễn phí, đồng thời phun hóa chất diệt kiến.
Cũng theo ông Hội, trong cơ thể của kiến 3 khoang có chứa độc tố tên pederin (C24H43O9N). Khi con vật đã chết khô và qua 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Pederin có tính xuyên thấm qua da, là độc chất tự nhiên.
Khi loài kiến này chạm vào cơ thể người, theo phản xạ tự nhiên chúng ta thường dùng tay đập, chà xát để giết chúng; chất độc trong cơ thể theo đó đã thẩm thấu qua da gây bệnh. Vị trí viêm da thường là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng, với triệu chứng bong rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét dạng giống như zona hay eczema hepeticum. Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.
Bệnh nếu được phát hiện sớm thì chỉ dùng thuốc bôi ngoài da kết hợp với thuốc kháng histamin điều trị chừng 2-3 ngày là khỏi, nếu để muộn vết bong rộp đã lở loét thì phải điều trị thêm kháng sinh chừng 1-2 tuần là khỏi.
Bùi Ngọc Long