THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 August 2012

Hà Nội tiếp tục ngập lụt

(TNO) Sáng nay 19.8, lần thứ 3 trong vòng 3 ngày liên tiếp, nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội lại chìm trong biển nước sau một trận mưa lớn kéo dài 2 giờ đồng hồ. Trong khi đó, tính đến sáng nay, bão số 5 đã cướp đi sinh mạng của 14 người.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, tổng lượng mưa đo được trong cơn mưa sáng nay tại Láng Thượng là gần 50 mm, Văn Quán 43 mm, Phú Lãm 52 mm, Đại Mỗ là 85 mm, Láng 57 mm, Sơn Tây 62 mm, Hà Đông 47 mm.
Các tuyến phố “cứ mưa là ngập” như Nguyễn Xiển, Thái Hà, Vũ Trọng Phụng, Phạm Hùng, Giải Phóng, Tôn Thất Tùng… ngập trong nước từ 0,2 - 0,3 m.
Các chuyên gia khí tượng cho biết, trong ngày hôm nay ở khu vực Hà Nội và các vùng lân cận tiếp tục có mưa dông, cần đề phòng lốc, tố và gió giật mạnh.
Vùng thấp, tàn dư của bão số 5 vẫn còn tồn tại đến hết ngày mai 20.8 nên Hà Nội và các tỉnh Bắc bộ vẫn tiếp tục có mưa lớn. Nguy cơ úng ngập là hiện hữu.

Nhiều tuyến đường tại Hà Nội bị ngập trong biển nước - Ảnh: Ngọc Thắng
Mực nước sông Hồng lên cao
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, sáng nay, lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam đã đạt đỉnh với mức 5,08 m (dưới báo động 2 là 0,22 m) và bắt đầu xuống.
Lũ trên các sông Thao, Cầu, Thương đang lên chậm và có khả năng đạt đỉnh vào chiều nay.
Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội và hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại đang lên.
Dự báo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái chiều nay có khả năng ở mức 31,6 m (trên báo động 2 là 0,6 m), tại Phú Thọ ở mức 17,9 m (trên báo động 1 là 0,4 m).
Lũ trên sông Cầu, sông Thương sẽ đạt đỉnh vào chiều nay, đỉnh lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu, trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương đều có khả năng ở mức 5,1 m (dưới báo động 2 là 0,2 m).
Mực nước ở hạ lưu sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng đạt mức 4,2 m (trên báo động 1 là 0,2 m), hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên mức 7,8 m vào tối nay, sau xuống chậm.
14 người chết do bão số 5
Trao đổi với Thanh Niên Online ngày 19.8, ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tính đến 17 giờ ngày 19.8, trên toàn tỉnh Quảng Ninh, bão số 5 đã làm một người thiệt mạng; 9 ngôi nhà bị sập, 255 nhà bị tốc mái; 13 tàu thuyền, bè mảng bị đắm; 197 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; đổ 72 cột điện và hơn 2.000 cây xanh.
Tổng hợp của Thanh Niên Online, tính đến sáng nay 19.8, mưa lớn, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 5 gây ra tại một loạt các tỉnh, thành ở Bắc bộ, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, đã cướp đi sinh mạng của 14 người, 2 người mất tích và 14 người bị thương.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay cho biết, mưa lũ đã làm đổ sập 166 căn nhà của người dân các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Giang.
Tại các tỉnh, thành như Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái, Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hà Giang gió bão đã làm tốc mái, hư hại tổng cộng 11.588 căn nhà.
Mưa bão cũng đã nhấn chìm gần 23 ngàn ha lúa và hoa màu tại Hà Nội, Điện Biên, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Tuyên Quang trong biển nước.
Trong khi đó, tại Bắc Giang, Hải Dương và Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa bão số 5 đã gây ra một số sự cố đê điều.
Tại Bắc Giang, mưa bão đã tiếp tục làm sạt lở bãi sông khu vực K2+570-K2+750 đê tả Thương. Sạt lở phát sinh kéo dài thêm 20 m về phía thượng lưu, sạt sâu thêm vào bãi 2,5 m, điểm gần nhất cách chân đê 5 m. Tỉnh đã chỉ đạo trước mắt xử lý hộ chân để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Tại Nam Định, kè Quy Phú đê hữu Hồng (H.Nam Trực) tiếp tục bị sạt lở. Trước đây kè này đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 130 m, nay mở rộng thêm thành 180 m. Phạm vi sạt lở vào mái kè trước đây từ cao trình +2 m nay đã sạt đến cao trình +2,8 m so với cao trình đỉnh kè là +3,0 m.
Tại Hà Nội, mưa lớn đã gây sạt lở mái thượng lưu đê tả Cà Lồ đoạn K5+500-K5+550, dài 50 m. Đây là đoạn đê được tu bổ từ năm 2010 nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao. Hiện lãnh đạo địa phương đã đi kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị liên quan để khắc phục sự cố.
Tại Hải Dương đã xuất hiện sự cố sạt lở mái thượng lưu đê tả sông Rạng đoạn K4+595-K4+620, dài 25 m. Cung sạt lấn sâu vào mái đê thượng lưu 1,3 m.
Quang Duẩn