Đó là đánh giá của Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan trong buổi họp về vấn đề cấp phép, hành nghề đối với các phòng khám y học cổ truyền, phòng khám có yếu tố nước ngoài, tổ chức tại TP.HCM vào hôm nay 28.6.
Bác sĩ "tháo chạy" bỏ lại phòng khám khi bị thanh tra |
Theo số liệu của Sở Y tế, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 1.000 phòng khám y học cổ truyền. Trong đó, có ba phòng khám 100% vốn nước ngoài (hai phòng khám Trung Quốc, một phòng khám Hàn Quốc).
Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM nhìn nhận trên thực tế số phòng khám có yếu tố nước ngoài “lậu” không thể kiểm soát được hết.
Theo bác sĩ Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý Y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP.HCM, các phòng khám bị phát hiện sai phạm trong đợt thanh tra vừa qua đều “lậu” ở chỗ: về giấy phép thì xin hành nghề y học cổ truyền 100% người Việt Nam nhưng lại mời thêm người nước ngoài hành nghề và có nhiều biến tướng trong hoạt động.
Trước thực trạng trên, nhiều bác sĩ, lương y bày tỏ bức xúc, đặt câu hỏi: Vì sao thầy thuốc đông y trong nước xin phép hành nghề khó khăn, tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt. Trong khi đó, người nước ngoài không bằng cấp lại hành nghề thoải mái, không có sự quản lý chặt chẽ, khiến người bệnh tiền mất tật mang, các thầy thuốc chân chính cũng bị mang tiếng theo. Vì vậy, Hội Đông y đề nghị ngành y tế TP.HCM phải quản lý chặt chẽ các phòng khám để bảo vệ bệnh nhân và thầy thuốc.
Về mặt quảng cáo vượt quá chức năng hành nghề tại các phòng khám đông y hiện nay, bà Lan cho biết cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết được ở các phương tiện truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, theo bác sĩ Vĩnh, vấn đề duyệt nội dung quảng cáo ở các phòng khám có yếu tố nước ngoài không thuộc thẩm quyền của Sở Y tế TP.HCM.
Thanh tra làm việc với phòng khám vi phạm |
Cùng ngày, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã làm việc với Phòng khám đa khoa Đầm sen (46 đường Hòa Bình, phường 5, Q.11, TP.HCM) về các vi phạm tại đây.
|
Cơ sở này có trình cho cơ quan thanh tra giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo số 38/SYT-QLYDHCT, ngày 24.8.2011 (do Phòng Quản lý Y dược học cổ truyền tiếp nhận), với nội dung quảng cáo “Khám phụ khoa hãy đến Phòng khám đa khoa Đầm Sen”.
Tuy nhiên, kiểm tra hồ sơ lưu, Phòng Quản lý Y dược học cổ truyền, Sở Y tế TP.HCM xác minh không thấy có tiếp nhận hồ sơ quảng cáo trên.
Mặt khác, Phòng khám đa khoa Đầm Sen là phòng khám tây y nên không thuộc thẩm quyền cấp phép quảng cáo của Phòng Quản lý Y dược học cổ truyền (như giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo mà cơ sở trình).
Số và ngày cấp phép quảng cáo của giấy tiếp nhận trên trùng với số và ngày cấp phép quảng cáo của giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo của Phòng chẩn trị y học cổ truyền Đông Phương.
Vì vậy, Phòng Quản lý Y dược học cổ truyền đề xuất chuyển cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý.
Trước đó, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện nhiều sai phạm tại Phòng khám đa khoa Đầm Sen: có thuốc hết hạn sử dụng, một số thuốc và thiết bị điều trị mang nhãn mác Trung Quốc nhưng không rõ nguồn gốc, chức năng; quảng cáo quá chức năng cho phép hành nghề; nhà thuốc không đảm bảo; những người nước ngoài hành nghề (không rõ bằng cấp), khi thanh tra đến thì “tháo chạy” để lại bệnh nhân...
Bài và ảnh: Nguyên Mi