Việt Hà, phóng viên RFA, Bangkok
2012-04-04
Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) hôm qua ra thông cáo kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp khoảng 840,000 đô la để thực hiện chương trình can thiệp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tay chân miệng ở Việt Nam.
AFP - Bé trai 9 tháng tuổi đang nằm bệnh viện Bình Dương vì bệnh tay chân miệng hôm 24/8/2011.
Chỉ tính riêng trong 12 tháng qua, đã có hơn 15 ngàn người mắc bệnh này tại Việt Nam, cao hơn 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn nạn nhân là trẻ em. Dịch bệnh cũng đã cướp đi sinh mạng của 11 em nhỏ trong năm qua. Để tìm hiểu về chương trình mới của tổ chức chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Việt Hà phỏng vấn ông Bhupinder Tomar, trưởng đại diện văn phòng tại Hà Nội.
Lan tràn đáng ngại
Việt Hà: xin ông cho biết nguyên nhân vì sao tổ chức chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đưa ra lời kêu gọi thực hiện chương trình này vào năm nay?
Bhupinder Tomar: chúng tôi có những thông tin cho thấy năm nay dịch tay chân miệng tại Việt Nam sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng tôi có thông tin số liệu từ bộ Y tế Việt Nam, từ Tổ chức Y tế thế giới, tất cả thông tin báo hiệu cho thấy dịch bệnh năm nay sẽ ghê gớm hơn năm ngoái mặc dù năm ngoái tỷ lệ người mắc bệnh cũng đã cao ở mức kỷ lục.
Việt Hà: Vậy năm ngoái, tổ chức của ông đã có những họat động nào giúp Việt Nam đối phó với dịch bệnh này?
Chúng tôi có những thông tin cho thấy năm nay dịch tay chân miệng tại Việt Nam sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng tôi có thông tin số liệu từ bộ Y tế Việt Nam, từ Tổ chức Y tế thế giới, tất cả thông tin báo hiệu cho thấy dịch bệnh năm nay sẽ ghê gớm hơn năm ngoái. Ô. Bhupinder Tomar
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Wikipedia
Bhupinder Tomar: điểm đáng khích lệ mà chúng ta biết là các biện pháp can thiệp để tránh dịch bệnh này hết sức đơn giản, bao gồm việc nâng cao nhận thức của người dân và nâng cao vệ sinh cho những người chịu trách nhiệm chăm sóc các em nhỏ, và bản thân các em nhỏ. Năm ngoái chúng tôi tập trung vào 75 phường xã tại 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Chúng tôi chú ý vào các khu vực, những nơi trẻ em được gửi vào ban ngày, ở nhà trẻ và cả ở nhà, chúng tôi tuyên truyền để đảm bảo an toàn vệ sinh cho những người trông trẻ này.
Việt Hà: IFRC đã học được những bài học nào từ việc thực hiện chương trình này năm ngoái để có thể áp dụng vào năm nay?
Bhupinder Tomar: bài học lớn nhất mà chúng tôi đạt được hồi năm ngoái là sự can thiệp rất thành công. Tại tất cả các phường xã nơi chúng tôi thực hiện chương trình, không có người nào chết về dịch bệnh, đây là khác biệt rất lớn so với những vùng chúng tôi không tập trung chương trình. Và đó là lý do vì sao chúng tôi mở rộng khu vực vào năm nay.
Chúng tôi hướng tới 240 phường xã vào năm nay tại 30 tỉnh cho nên mức độ năm nay là lớn hơn. Bài học thứ hai là mặc dù việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng là thành công, nhưng việc tuyên truyền tận nhà của các tình nguyện viên cũng giúp giảm sự lây lan bệnh dịch.
Thách thức và trở ngại
Việt Hà: Vậy đâu là những thách thức mà IFRC phải đối mặt khi thực hiện các họat động này tại Việt Nam?
Chúng tôi cần các hoạt động và nguồn lực để hoạt động toàn thời gian và khi cần có thể tập trung vào những điểm cụ thể cần thiết, bởi thời điểm để có can thiệp kịp thời là hết sức quan trọng. Thứ 2 là bệnh dịch đã lan rộng khắp nơi, nên những tác động của chương trình mà chúng tôi mong muốn đạt được có những hạn chế.
ông Bhupinder Tomar
Bhupinder Tomar: có những thách thức chung mà chúng tôi gặp phải khi thực hiện các chương trình đối phó với các dịch bệnh kiểu này. Thứ nhất là dịch bệnh đến theo mùa, năm ngoái chúng ta có hai đỉnh điểm bệnh dịch, thứ nhất là từ tháng 4 đến tháng 6 và thứ hai là từ tháng 8 đến tháng 10 hoặc 11, cho nên rất khó để duy trì được mức độ tập trung của cả chương trình.
Và vì vậy chúng tôi cần các hoạt động và nguồn lực để hoạt động toàn thời gian và khi cần có thể tập trung vào những điểm cụ thể cần thiết, bởi thời điểm để có can thiệp kịp thời là hết sức quan trọng. Thách thức thứ 2 là bệnh dịch đã lan rộng khắp nơi, nên những tác động của chương trình mà chúng tôi mong muốn đạt được có những hạn chế.
Việt Hà: Xin ông cho biết chương trình năm nay có khác biệt gì so với năm ngoái?
Đưa trẻ đến khám bệnh tại một bệnh viên ở Hà Nội hôm 15/8/2011. RFA photo
Bhupinder Tomar: năm nay chúng tôi sẽ làm ở phạm vi rộng lớn hơn, thứ hai nữa là chúng tôi đã học được bài học làm thế nào để tập trung vào các khu vực một cách hiệu quả hơn, đưa thông điệp một cách hiệu quả hơn tại các hộ gia đình. Chúng tôi sẽ phối hợp các hoạt động với nhau.
Thứ ba nữa là năm nay chúng tôi bắt đầu sớm hơn so với năm ngoái. Năm ngoái chúng tôi chỉ có thê bắt đầu vào tháng 9 năm nay chúng tôi chuẩn bị sớm hơn rất nhiều và do đó có thể ngăn chặn được bệnh dich lây lan mạnh như năm ngoái.
Chúng tôi cũng dự liệu sẽ có khó khăn trong việc kêu gọi khoản tiền đóng góp này, không dễ để kêu gọi tiền tài trợ cho bệnh dịch nhất là các bệnh dịch chưa phổ biến lắm như bệnh tay chân miệng. Do đó nhiều người có thể không coi đây là một mối nguy thực sự.
Ô. Bhupinder Tomar
Việt Hà: IFRC kêu gọi tài trợ một khoản 840,000 đô la trong chương trình năm nay, liệu các ông có dự liệu những khó khăn sẽ gặp phải khi kêu gọi một khoản tiền lớn như vậy và IFRC hướng tới những nhà tài trợ chính nào?
Chúng tôi cũng dự liệu sẽ có khó khăn trong việc kêu gọi khoản tiền đóng góp này, không dễ để kêu gọi tiền tài trợ cho bệnh dịch nhất là các bệnh dịch chưa phổ biến lắm như bệnh tay chân miệng. Do đó nhiều người có thể không coi đây là một mối nguy thực sự. Bhupinder Tomar
Nhưng chúng tôi hy vọng với việc đưa thông điệp này qua báo chí, chúng tôi có thể có đủ tài trợ để thực hiện chương trình, chúng tôi đã nhận được những phản hồi tích cực từ một số nhà tài trợ quan trọng ví dụ như EU, và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được tài trợ từ họ. Chúng tôi hy vọng cũng sẽ nhận được sự quan tâm từ chữ thập đỏ Mỹ và từ đó có thể nhận được tài trợ từ chính phủ Mỹ.
Việt Hà: xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.