16/04/2012 13:44:51 (Kienthuc.net.vn) - PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nhận định: "Chính cơ chế xin - cho, thói quen "mặc cả" với chính quyền đã tạo ra sự bình thường trong những cái bất thường". Muốn được dự án phải có gì cho tôi chứ Việc người dân khi vi phạm giao thông, xin xỏ, "mặc cả" với anh cảnh sát để được giảm mức phạt, hay việc muốn xin đầu tư dự án nào đó cũng phải có sự "mặc cả" với những người có chức có quyền, kiểu "anh muốn được dự án thì phải có tí gì cho tôi chứ"… đã trở nên quá phổ biến trong xã hội. Đến mức, có khi thâm tâm bạn không muốn làm thế nhưng cũng thấy lăn tăn, lo lắng vì "người ta đều làm thế cả".
Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, chính cái suy nghĩ ấy đã khiến người ta biết là sai đấy nhưng vẫn phải làm, vì không làm như thế thì… không bình thường nữa rồi.
Cũng như việc bây giờ, ra đường vào buổi tối, lúc vắng người mà bạn dừng đèn đỏ thì dễ bị ăn mắng là "đồ dở người" ngay. Hoặc khi bạn vi phạm giao thông mà tự nguyện rút ví đem tiền ra nộp phạt thì chắc chắn bạn sẽ bị coi là "thần kinh không bình thường". Vậy nên, có khi chưa cần biết mình bị phạt bao nhiêu tiền, cứ thấy anh cảnh sát giao thông tuýt còi là xin xỏ, năn nỉ cái đã. Được thì được, cố xin không được thì mới đành chịu nộp phạt. Sợ nhất là "mặc cả" trong giáo dục và chính trị Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, bây giờ, sự "mặc cả" với chính quyền đang hoành hành trên nhiều lĩnh vực. "Mặc cả" ở lĩnh vực nào cũng đều tiêu cực nhưng đáng sợ nhất là "mặc cả" trong giáo dục và chính trị. Lâu nay, chúng ta vẫn nghe chuyện mua bằng, mua quan bán chức. Có những cái ghế người ta nêu rõ giá của nó phía sau. Cái đó tất nhiên có sự "mặc cả" đấy chứ. Tôi "ban" cho anh cái bằng này, cái chức này thì anh phải có gì trả cho tôi. Nó tạo ra những giá trị ảo, bằng ảo với những ông "tiến sĩ giấy". Năng lực ảo của những người được bổ nhiệm. Chính vì cái sự mặc cả để mua ghế ấy mà nhiều khi, những chiếc ghế trở nên quá rộng so với tầm nhìn, năng lực của người ngồi trên đó. Thế thì làm sao mà quản lý, điều hành xã hội được? "Mặc cả" vì sở hữu "tiền chùa" khá lớn Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự "mặc cả" hoành hành trong cuộc sống chính là vì sở hữu "tiền chùa" khá lớn. Sở hữu Nhà nước thường gắn với những nguồn tài sản có giá trị lớn như đất đai, tài nguyên khoáng sản. Thế nhưng, sự phân cấp phân quyền không rõ ràng nên mới có những bất cập. Danh nghĩa là "sở hữu Nhà nước" đấy nhưng thu lợi lại là cá nhân, nhóm. Hay như việc cấp Quota xuất khẩu hàng may mặc chẳng hạn. Ví dụ như mỗi năm có 5 chỉ tiêu cấp Quota trong khi cả nước có hàng trăm doanh nghiệp may mặc, thế thì dễ phát sinh "mặc cả" lắm! Muốn đảm bảo công bằng thì cần tổ chức đấu thầu minh bạch. Nhưng bây giờ đấu thầu nhiều khi chỉ là hình thức, cũng "quân xanh quân đỏ" đấy vì người ta đã đi ngầm với nhau rồi. Đó là biểu hiện của sự "mặc cả". Lương thấp dễ sinh ra thỏa hiệp lắm! Bây giờ, để giảm dần rồi xóa bỏ sự "mặc cả" trong xã hội sẽ rất khó khăn, vì nó đã tạo thành thói quen, rất phổ biến rồi. Muốn làm thì trước hết phải có cơ chế minh bạch, rõ ràng. Phải tạo cho những người thi hành công vụ có đồng lương thỏa đáng chứ lương như bây giờ chỉ như trợ cấp thôi. Mà lương thấp thì người ta dễ sinh ra lòng tham, dễ bị thỏa hiệp lắm! Đồng thời, phải tuyên truyền đến người dân để họ hiểu và tuân thủ pháp luật. Tóm lại, theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, chính sự "mặc cả" với những người thi hành công vụ đang tạo ra những lỗ hổng, những kẻ tha hóa biến chất, biến những điều bất thường trở thành bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Vũ Thanh (ghi) |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog