15/03/2012 13:54:14 - Số liệu báo cáo cho rằng đã giảm được 30 - 50% mật độ phương tiện trên một số tuyến phố vào giờ cao điểm, tuy nhiên theo kết quả khảo sát độc lập của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, tình hình có thực sự sáng sủa như vậy? Sau một thời gian nghiên cứu khảo sát trước và sau khi đổi giờ, kết quả của Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho thấy, bên cạnh sự thay đổi tích cực, cũng còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu.
Tuy hiện tượng ùn tắc đã giảm tại một số tuyến phố chính của khu vực nội thành, nhưng tại một số tuyến phố không có sự thay đổi nhiều và gần đây lại xuất hiện một số điểm ùn tắc mới. Tuyến phố Trường Chinh, đặc biệt là ngã tư Trường Chinh – Tôn Thất Tùng hiện tượng ùn tắc hầu như không thay đổi nhiều. Theo nghiên cứu này, nguyên nhân có thể là do lưu lượng tham gia giao thông không thay đổi. Cụ thể, số liệu khảo sát nút giao thông Trường Chinh – Tôn Thất Tùng cho thấy, từ 17h25 đã bắt đầu có hiện tượng xe leo lên vỉa hè, từ 17h30 đến 17h45 tất cả xe đều phải dừng 2 nhịp đèn đỏ, ô tô có lần dừng 3 nhịp đèn, từ 17h45 ùn tắc theo hướng Trường Chinh đi Ngã Tư Sở. "Trước và sau khi đổi giờ vẫn không có hiện tượng giảm ùn tắc, thời gian tắc đường vẫn kéo dài từ 17h đến 19h", đó là kết quả phỏng vấn lực lượng tự quản ở khu vực này của Viện. Từ quá trình khảo sát, viện này kết luận, trước và sau khi đổi giờ lượng người tham gia giao thông tại ngã tư này thay đổi không đáng kể, thời gian ùn tắc buổi sáng hầu như không đổi. Sau khi đổi giờ, hiện tượng ùn tắc tại nút giao thông ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng thay đổi không đáng kể. Bên cạnh đó, một số điểm ùn tắc cục bộ mới phát sinh tại các cổng trường do phụ huynh chờ đón con. Hiện tượng ùn tắc xuất hiện trên một số tuyến phố có giờ tan học như nhau, như tuyến đê La Thành, phố Lê Thanh Nghị... Ngoài ra việc đổi giờ và một số giải pháp khác như phân làn xe, tăng cường lực lượng điều khiển giao thông, cấm trông giữ phương tiện... chỉ làm thay đổi cơ bản từ ùn tắc nghiêm trọng (có khi hàng giờ) thành ùn tắc nhẹ (các xe lưu thông với tốc độ chậm) và ùn tắc cục bộ tại một số nút giao thông chứ không làm thay đổi hẳn tình trạng giao thông của Thủ đô. Nguyên nhân là do các giải pháp này chỉ làm dãn thời gian lưu thông của các phương tiện chứ không làm giảm số lượng phương tiện, không làm giảm khối lượng tần suất tham gia giao thông. Việc thay đổi giờ tan học của học sinh PTTH lên 18h từ ngày 13/2/2012 đã làm gia tăng thời gian ùn tắc so với phương án 19h như trước đó. Theo khảo sát, mật độ xe máy lưu thông cao nhất vào 17h30-18h, vì vậy khi học sinh THPT tan học lúc 18h thì mật độ xe lưu thông trên đường vẫn rất đông và không tránh khỏi thời gian un tắc kéo dài thêm. Dựa trên kết quả khảo sát, Viện này cũng kiến nghị, về lâu dài cần triển khai các giải pháp giảm mật độ dân số, các trường đại học, công sở trong trung tâm nội đô, tăng cường quản lý di dân tự do vào Hà Nội, đẩy nhanh các phương thức giao thông công cộng hiện đại.
Ngọc Tú |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog