Chưa thống nhất quan điểm về tạp chất độn trong vàng, song các doanh nghiệp và chuyên gia đều thừa nhận dù là Volfram hay bột kim loại gì đi chăng nữa thì người mua vẫn chịu thiệt thòi nếu bên bán thiếu trung thực. |
Kẻ gian thường trộn tạp chất vào vàng đang nóng chảy. Theo tiến sĩ Lê Quang Huy, kim loại nặng như Osmium, Ruthenium hay Iridium có thể chìm vào trong vàng và khó bị phát hiện. Nhưng Volfram do đặc tính vật lý của nó, thường bị nổi lên trên mặt. |
Tiến sĩ Lê Quang Huy, Trưởng phòng Phát triển thiết bị và phương pháp phân tích của Viện Khoa học Vật liệu (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) cùng đồng nghiệp đã nhận giám định các mẫu bột sau phân kim gửi từ một số đầu mối nguyên liệu ở Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa và gần đây là TP HCM. Tất cả đều ở dạng bột mịn, trắng xám, thành phần chính gồm 3 nguyên tố thuộc dòng kim loại nặng gần với nhóm Platin là Osmium, Ruthenium, Iridium.
"Thiết bị ở viện chúng tôi cho phép nhận biết Volfram. Tuy nhiên, tất cả các mẫu đều không cho thấy dấu hiệu của nguyên tố này", ông Huy nói với VnExpress.net.
Theo ông, Volfram có tỷ trọng gần giống vàng, cộng với hiệu ứng sức căng bề mặt, kim loại này khi trộn vào vàng sẽ nổi lên trên. Volfram dễ bị oxy hóa, khi gặp nhiệt độ cao sẽ xỉn màu và dễ dàng bị phát hiện chứ không đến mức qua mặt máy móc và thợ kim hoàn như thông tin Bảo Tín Minh Châu cung cấp.
Hơn 30 năm kinh nghiệm phân tích kim loại quý, ông Huy cho rằng chỉ với hỗn hợp bột Osmium, Ruthenium và Iridium pha trộn theo tỷ lệ nhất định người ta mới làm được vàng giả tinh vi đến thế. Hỗn hợp này có tỷ trọng gấp 1,2 lần vàng, chúng dễ dàng chìm vào bên trong vàng đang trong quá trình nóng chảy. Hơn nữa, chúng rất mịn, lại có màu bạc xám dễ bị át bởi màu sắc của vàng, nên nếu cắt đôi mẩu vàng cũng không phát hiện được.
Cũng thuộc "trường phái" phi Volfram, Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI Đỗ Minh Phú cho biết những loại vàng chất lượng thấp dạng cốm, vụn dễ bị trộn hỗn hợp 3 nguyên tố kim loại nặng nói trên. Các cơ sở phân kim thường mua vàng xấu tuổi từ nhiều nguồn khác nhau về xử lý, tách lấy vàng nguyên chất bán cho các doanh nghiệp chế tác. Nếu ham rẻ, mua nguyên liệu trôi nổi, các cơ sở này dễ vướng phải vàng trộn tạp chất.
Tuần trước DOJI đã nhận 2 mẫu từ các đối tác nhờ xét nghiệm, trong đó một túi bột xám sau quá trình phân kim và một miếng nhỏ, cả hai đều chứa Osmium, Ruthenium và Iridium, không có dấu hiệu của Volfram.
Theo ông Phú, 3 nguyên tố kim loại này ở dạng tinh khiết có giá thành khá cao, tương đương một phần ba vàng. Vì thế, nhiều khả năng kẻ gian dùng dạng bột phụ thu sau quá trình tinh luyện Platin. Tỷ lệ độn thường thấy là 10% khối lượng vàng, nếu cao hơn sẽ dễ bị phát hiện.
Cả ông Phú và ông Huy đều phỏng đoán vàng trộn Osmium, Ruthenium và Iridium có xuất xứ Hong Kong, nhập về Việt Nam theo đường biên mậu. Tháng 12 năm ngoái, loại vàng này đã gây chấn động Hong Kong vì mức độ làm giả rất tinh vi, cho dù quy mô chưa lớn. Người ta ước tính chưa đến 100 kg vàng giả kiểu này được tìm thấy tại Hong Kong, và doanh nghiệp thiệt hại nhất cũng chỉ mất khoảng 12.000 USD.
"Không loại trừ khả năng trong nước cũng trộn được hỗn hợp bột đó vào vàng, thậm chí cả nữ trang. Vì thế, mức độ nguy hiểm của loại vàng giả này còn lớn hơn loại trộn Volfram", ông Phú nói.
Tungsten Fake Goldbar, một dạng thỏi vàng chứa Volfram được nói đến nhiều từ đầu năm 2010 và cũng trùng với thời gian loại vàng này xuất hiện ở Việt Nam. |
Dù không nhận được ý kiến đồng thuận của nhiều nhà khoa học trong nước, đến nay những người thuộc trường phái Volfram vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank Nguyễn Thanh Trúc, người cũng từng được đào tạo bài bản và nhiều năm nghiên cứu kim loại quý, cho rằng để kết hợp mà không làm thay đổi tỷ trọng, kích thước của thỏi vàng chỉ có thể là Volfram. Kim loại này rất rẻ, nên bằng các chiêu thức độn tinh vi, kẻ gian kiếm siêu lợi nhuận.
Vàng lõi Volfram được phát hiện cuối năm 2009 tại một pháo đài quân sự của Mỹ với số lượng gần 6.000 thỏi loại 400 ounce, tạo nên cơn sốt trong giới kinh doanh vàng. Đến 2010, người ta nói nhiều tới loại vàng Volfram mới với tên gọi Tungsten Fake hay Tungsten Gold Plated, trùng với thời gian loại vàng này xuất hiện tại Việt Nam. Thậm chí người ta còn làm clip dẫn chứng cả công đoạn nấu thỏi vàng chứa Volfram tại một ngân hàng lớn trên thế giới. (xem clip)
Với 3 nguyên tố Osmium, Ruthenium và Iridium, ông Trúc cho rằng chúng thường được pha chế vào trang sức theo những công thức nhất định để tạo ra sản phẩm đặc thù của từng doanh nghiệp, chứ không nhằm mục đích ăn gian tuổi vàng hay chất lượng vàng nguyên chất.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng giám đốc Công ty OTEC (chuyên cung cấp thiết bị chuyên dùng cho ngành sản xuất nữ trang và vàng miếng) cho rằng vàng trộn Volfram hiện nay tinh vi hơn nhiều so với loại trộn hỗn hợp Osmium, Ruthenium và Iridium. Thay vì chỉ dùng lõi Volfram như trước đây, giờ kẻ gian đã dùng cả dạng bột và hạt để giấu vào giữa cục vàng.
Dễ bị độn nhất là loại vàng ký có độ dày lên tới hàng centimet, các máy giám định thông thường khó có thể phát hiện Volfram nằm bên trọng thỏi vàng. Vàng miếng loại một vài lượng, độ dày chưa đầy 2mm rất khó làm giả vì Volfram sẽ bị lộ ngay. Trong khi đó, Volfram hoàn toàn không thể trộn được vào trang sức, ông Lộc khẳng định.
Hiện người tiêu dùng trong nước chưa có cơ hội kiểm chứng xem quan điểm Volfram hay phi Volfram đúng. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy doanh nghiệp hào hứng khẳng định sự tồn tại của vàng bẩn trên thị trường, cho dù thông tin này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, bỏ qua nghi vấn PR hay đánh bóng thương hiệu theo kiểu sự cố, những thông điệp mà doanh nghiệp vàng bạc để "lộ" ra suốt hai tuần qua cũng khiến người tiêu dùng cẩn trọng hơn khi mua vàng miếng hay nữ trang. Nếu như cả hai quan điểm đều đúng, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện cả loại vàng ký độn Volfram và vàng phân kim chứa cùng lúc cả Osmium, Ruthenium và Iridium. Cũng không loại trừ khả năng hỗn hợp 3 kim loại nặng này có thể xuất hiện trong nữ trang.
Tiến sĩ Lê Quang Huy thuộc Viện Khoa học Vật liệu tâm sự lúc mới có kết quả giám định, cơ quan ông chỉ định khuyến cáo riêng cho doanh nghiệp để họ cảnh giác. Nhưng sau khi có nhiều thông tin trái chiều, ông phải lên tiếng để mọi người hiểu rõ và có phương pháp phân biệt, xử lý.
"Ai dám chắc doanh nghiệp lỡ mua vàng bẩn rồi sẽ chịu lỗ một mình cất trong kho mà không tuồn ra thị trường", ông Huy trăn trở.
Tổng giám đốc DOJI Đỗ Minh Phú thừa nhận người tiêu dùng khó lòng biết chính xác hàm lượng cũng như chất lượng vàng nếu như bên bán không trung thực. Theo ông, các máy móc hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn cho phép nhận biết các tạp chất dù là Volfram, hay Osmium, Ruthenium và Iridium, tuy nhiên kết quả giám định lại phụ thuộc rất nhiều vào thao tác và chế độ hoạt động của máy.
Cùng một mẩu vàng độn tạp chất mà DOJI thu được và đem đi kiểm nghiệm, khi cho máy chạy theo chương trình thông thường, kết quả thu được là hàm lượng vàng chiếm trên 99%. Nhưng khi máy hoạt động theo chương trình phức tạp hơn, cho phép nhận biết thêm nhiều nguyên tố, thì hàm lượng vàng chỉ chiếm 74%, phần còn lại là Osmium, Ruthenium, Iridium và một số kim loại khác.
"Mua vàng thực chất là đi mua chữ tín, mua bằng niềm tin. Máy móc chuẩn xác, nhưng nếu nhân viên giám định cố tình thao tác theo mục đích riêng thì người tiêu dùng khó lòng phát hiện", ông Phú nói.
Người tiêu dùng có thể kiểm tra chất lượng vàng: - Miếng vàng trộn hỗn hợp Osmium, Ruthenium và Iridium, bề mặt vẫn bóng nhẵn, nhưng lật mặt dưới sẽ thấy lợn gợn, sần sùi. Nếu là nhẫn, quan sát kỹ bên trong sẽ thấy rỗ hoặc sần sùi. - Vàng miếng chứa Volfram có thể dùng phương pháp xì điểm để phát hiện, bởi ở nhiệt độ cao Volfram dễ bị oxy hóa, chuyển thành màu xám và nổi lên bề mặt. Thỏi vàng chứa Volfram có thể bị phát hiện nếu chặt nhỏ hoặc nấu thử, phân kim. Tiếng kêu của vàng Volfram khi gõ vào vật cứng khác trong hơn vàng thật. |
Song Lin
h
h