THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 April 2011

Đề xuất "chẵn, lẻ": Sao không áp dụng cho xe buýt?


13/04/2011 15:42:54
 - Giải pháp cho ô tô đi vào nội thành theo biển số chẵn, lẻ của Sở  GTVT TP.HCM hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi dư luận chưa phân định rõ đây là "sáng kiến" hay "tối kiến" thì có ý kiến lại cho rằng, chủ trương này nên áp dụng cho xe buýt vì đây mới thực sự là đối tượng gây ách tắc giao thông… 
TIN LIÊN QUAN

Chẵn, lẻ chưa phải là cái gốc 
 
Ông Đặng Văn Khoa (Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM): Cần giải pháp đồng bộ

 
Giải quyết vấn đề giao thông cần một chiến lược, quy hoạch lâu dài, chứ không thể nay đề xuất giải pháp này không được, mai lại đề xuất giải pháp khác. Tôi ủng hộ các sáng kiến về giải pháp giao thông nhưng phải phù hợp, không thể áp dụng máy móc.
 
Việc gây ùn tắc giao thông trong nội thành không thể chỉ tính riêng cho xe ô tô cá nhân, mà còn cả các loại phương tiện lưu thông khác như hệ thống xe buýt cồng kềnh. Song nếu áp dụng chủ trương này cho xe buýt thì cũng rất khó.
 
Hệ thống xe công cộng của chúng ta thời gian qua đầu tư chưa đúng tầm, còn rất yếu kém. Do đó, để mạng lưới xe công cộng thực sự là phương tiện giao thông cần thiết cho người dân thì thành phố cần đầu tư đúng đắn về nguồn lực, tài chính, cung cách quản lý, phục vụ, cơ chế hoạt động để vận tải công cộng phát triển mạnh. Khi đảm bảo một hệ thống hạ tầng tương đối và mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, người dân sẽ tự nguyện tham gia giao thông công cộng mà không cần đến các giải pháp cấm đoán xe cá nhân. 

TS Nguyễn Bách Phúc (chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý TP.HCM): Khó thực hiện!

 
Hiện nay, nhu cầu đi lại bằng xe buýt của đại bộ phận người dân cũng có phần tăng lên đáng kể.  Nếu thành phố  có chủ trương cho xe lưu thông vào nội thành theo số chẵn, lẻ thì chỉ có 1/2 số  xe buýt hoạt động và 1/2 không hoạt động và xe buýt phải tăng gấp đôi lượng xe phục vụ đi lại cho người dân, kinh phí đầu tư sẽ rất lớn.
 
Một bài toán kinh tế đặt ra: Ai sẽ đầu tư? Và đầu tư như thế nào cho hợp lý?  Xe chạy thì thiếu mà có xe thừa "nằm nghỉ", thừa mà vẫn thiếu. Với người dân phương tiện đi lại bị hạn chế. Và kết quả cuối cùng vẫn có bằng đó cái xe chạy trên đường, không thể giảm được kẹt xe và khí thải ô nhiễm môi trường...
 
Nếu muốn giảm kẹt xe, phải là một loạt biện pháp đồng bộ như kéo dãn dân, làm thêm tầng đường, hầm ngầm... cho đến ý thức của người dân tham gia giao thông, phải triệt từ cái gốc đó chứ không phải chặn xe số lẻ, số chẵn. 

TS Nguyễn Hữu Hường (trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa TPHCM): Cần một chiến lược lâu dài

 
Để giảm ô tô cá nhân vào thành phố (giảm ách tắc giao thông) thì phương tiện xe khách công cộng (xe buýt, xe khách nhỏ, xe taxi) cần phủ kín mạng lưới giao thông thành phố (từ ven ngoại thành vào đến nội thành) và việc đi lại phải thuận lợi.

Ví dụ, mọi người đi xe công cộng chỉ cần mua vé tháng và có thể lên bất cứ phương tiện công cộng lớn nhỏ nào, bất cứ lúc nào. Khi nào phương tiện xe khách công cộng phủ kín mạng lưới giao thông thành phố thì áp dụng tiếp giải pháp thu tiền vé xe vào tiền học phí đối với học sinh, sinh viên đi học (người nào đăng ký) và phát vé xe tháng cho họ; Trừ lương cán bộ - công nhân viên và cũng phát vé tháng (người đăng ký)... Những người khác đi xe công cộng có thể tự mua vé (vì nhà gần trạm xe chẳng hạn...). 

Tuy nhiên, để mọi người dân có thói quen tham gia giao thông bằng xe công cộng cần cả một chiến lược lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều, dù cơ quan chức năng có đưa ra giải pháp cấm đoán. Đồng thời, nên nhanh chóng cải tạo hệ thống xe buýt cả về chất lượng xe và chất lượng phục vụ.  

Giải pháp nào? 

Nhà báo Nguyễn Văn Sơn (phụ trách mảng giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM): Phải xây dựng hạ tầng giao thông công cộng trước!

 
Xe buýt chính là một trong những đối tượng gây kẹt xe hiện nay. Tuy nhiên, nếu hạn chế cho xe buýt lưu thông theo ngày chẵn, lẻ khó khả thi. Bởi hiện tại thì hạ tầng giao thông công cộng tại TPHCM chưa đủ sức phục vụ.
 
Do đó, nếu theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM cấm ô tô cá nhân lưu thông và bây giờ cấm luôn xe buýt thì sẽ gây ra tình trạng thiếu phương tiện công cộng phục vụ việc đi lại của người dân. Đúng ra thì hiện tại xe buýt ở thành phố không đủ năng lực phục vụ nhu cầu của người dân, có chăng phải đầu tư hạ tầng xe điện, tàu điện ngầm, xe buýt BRT...
 
Giải pháp tốt nhất là phải xây dựng tốt hạ tầng giao thông công cộng mới có thể hạn chế được tai nạn giao thông và nạn kẹt xe. 

Tài xế Lê Hữu Tuấn (HTX Vận tải Hành khách số 4, Trung tâm Quản lý điều hành Vận tải Hành khách Công cộng TPHCM): Cải tiến mẫu mã xe buýt cho nhỏ gọn

 
Nếu thực hiện biển số  chẵn, lẻ đối với ngành xe buýt thì khó khăn cho cả nhà xe lẫn tài xế. Xe thì không đủ lượng xe buýt phục vụ. Kẹt xe hiện tại phải nhìn nhận ở việc phân luồng chồng chéo, cùng một giờ  có quá nhiều tuyến chạy trên đường. Việc thực hiện ngày chẵn lẻ, việc sắp xếp lại xe, tài xế lái cho hài hòa rất phức tạp. Xe phụ thuộc khách. 

Theo kinh nghiệm chạy xe của tôi thường thì ngày chủ nhật, thứ 2 và thứ 7 là đông khách đi xe buýt hơn những ngày khác trong tuần.
 
Ví dụ, tôi đang chạy xe có biển số lẻ, hiện tại tôi chạy 25 ngày/tháng, nếu theo chủ trương này thì tôi chỉ còn chạy 1/2 thời gian trên, vậy những ngày chẵn tôi sẽ làm gì để kiếm sống, trong khi đó ngày nghỉ lại cách nhật? Chủ xe thua lỗ thì bản thân tài xế chúng tôi đâu có lời.
 
Nên chăng, khắc phục tình trạng kẹt xe chung trong nội thành nên giảm chuyến xe buýt, xe vào thành phố nên cải tiến mẫu mã xe nhỏ gọn để lưu thông dễ dàng hơn và sắp xếp các tuyến đường hợp lý không nên để bị trùng tuyến.  
 

Sở Giao GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM đề án đầu tư thêm 1.680 xe buýt mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và từng bước thay thế 3.000 xe buýt cũ đã xuống cấp.

Đề án trên được thực hiện trong thời gian 5 năm (2011 - 2015) với tổng vốn đầu tư 1.878 tỉ đồng.
 
Để khắc phục tình trạng kẹt xe, lần này Sở đề nghị đầu tư số lượng xe buýt loại 40 chỗ ngồi trở xuống nhiều hơn (700 xe). Sở cũng đã kiến nghị UBND TP cho phép đầu tư xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải euro 3 - nghĩa là cao hơn mức đăng kiểm đang áp dụng tiêu chuẩn euro 2, bảo đảm tốt nhất việc xe buýt không gây ô nhiễm môi trường.


Việt Nhân- Quỳnh Hương (Thực hiện)