THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 November 2010

Bó tay với chợ tự phát?


 
28/11/2010 1:14 
Chợ tự phát nằm dọc hai bên đường Lam Sơn, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Minh Nam
UBND TP.HCM vừa yêu cầu các quận, huyện không để phát sinh chợ tự phát trên địa bàn. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc giải tỏa các chợ tự phát ở đô thị lớn nhất nước như "bắt cóc bỏ đĩa"...

Chỉ đạo này không phải mới. Cách đây 10 năm, trước sự nở rộ chợ tự phát, UBND TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo và đề ra các biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Cứ mỗi lần chỉ đạo, các cơ quan chức năng lại tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa, song sau đó đâu vẫn vào đấy.

Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện trên địa bàn TP vẫn còn 174 chợ - khu vực mua bán tự phát, tập trung nhiều ở các quận, huyện có KCX-KCN, đông dân nhập cư, như quận 7, 9, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp; huyện Bình Chánh...

Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền cần kiên quyết dẹp chợ tự phát, nhưng hầu như bó tay! - Ông Huỳnh Minh Hải, Trưởng ban Quản lý chợ Ba Đình, Q.8

Ngoài đông, trong vắng

Trong vai người lao động nghèo cần tìm chỗ mua bán trái cây, chúng tôi đến chợ "chạy" ở hai bên lề đường Lam Sơn, thuộc P.2, Q.Tân Bình. Bà K., bán cá ở chợ này, cho biết chợ hoạt động từ sáng sớm đến 10 giờ, chủ yếu phục vụ cho cư dân sống ở các khu vực gần đó. "Em cứ bày bán thoải mái, khỏi đóng thuế gì cả, khi nào công an và đô thị tới thì… bỏ chạy thôi!", bà K. chỉ dẫn.

Tại một chợ tự phát khác trên đường Ba Đình, P.10, Q.8 (đối diện chợ Ba Đình), sau một hồi kể khổ về tìm kế sinh nhai, một số "tiểu thương" bán dạo tại đây sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho chúng tôi. Một chị bán thịt heo chỉ dẫn: "Em muốn ra bán hả? Dễ ợt! Cứ kiếm cái xe đẩy, chất hàng lên đó bán là lưu động nhất". "Chị bán ở đây có thường bị đuổi không?", chúng tôi tò mò. Chị này liền trấn an: "Thỉnh thoảng có đợt truy quét thôi, qua đợt thì mình lại bán tiếp (!?)".

Một tiểu thương khác mách: "Nếu muốn an toàn thì nên thuê chỗ của các hộ dân ở mặt tiền đường này, giá dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/ngày. Để khi công an, trật tự tới thì cứ quăng hàng vào nhà, khỏi sợ bị hốt!".

Trong khi chợ "đuổi" phía trước mặt tiền đường buôn bán sôi động, tấp nập từ sáng sớm đến trưa mỗi ngày, thì bên trong chợ Ba Đình cảnh buôn bán thưa thớt. Tình trạng ngoài đông trong vắng cũng diễn ra tại nhiều chợ trên địa bàn TP, như: Tân Sơn Nhất, Văn Thánh, Nguyễn Đình Chiểu… Nếu trong các nhà lồng, nhiều tiểu thương chỉ họp chợ vào buổi sáng thì các con đường ở xung quanh chợ nhộn nhịp từ sáng đến tối, vừa nhếch nhác mất vệ sinh, vừa gây tắc nghẽn giao thông, người dân sống ở khu vực này chỉ còn biết kêu trời.

Điểm sáng

Trong khi một số địa phương bó tay với chợ tự phát thì tại Q.12 đã lập Ban Chỉ đạo dẹp chợ tự phát và ban này đã dẹp được một số chợ. Ông Nguyễn Tương Minh, Phó chủ tịch UBND Q.12, nhìn nhận: "Chúng tôi vừa cương quyết vừa hướng dẫn cho bà con đi xin giấy phép kinh doanh, những mặt hàng được bán và không được bán, trước nửa tháng. Sau đó quận sẽ mạnh tay xử lý những trường hợp không chấp hành. Đây là việc nhạy cảm vì đụng chạm đến đời sống của bà con bởi có những gia đình hàng tháng tổn thất từ 10 đến 25 triệu đồng tiền cho thuê mặt bằng, thuê vỉa hè trái phép nên bà con sẽ không ủng hộ chủ trương của quận. Ở địa bàn Q.12 có 5 chợ tự phát nhức nhối nhất cần xóa sổ ngay là chợ trên đường TCH21 (P.Tân Chánh Hiệp), chợ ở giao lộ Vườn Lài với QL1A (P.An Phú Đông), chợ Giãn Dân (P.Hiệp Thành), chợ trên đường Trường Chinh và đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận và Tân Hưng Thuận). Đến nay, chúng tôi đã dẹp dứt điểm hai chợ tự phát trên đường TCH21 và giao lộ Vườn Lài - QL1A. Trong thời gian tới, chúng tôi kiên quyết dẹp các chợ tự phát còn lại".

Anh Linh

Xe cộ phải tránh tụi tui chớ!

Đáng lo ngại nhất là những chợ tự phát hoạt động dọc theo các tuyến quốc lộ, chủ yếu phục vụ cho công nhân tại các KCN, KCX, nhất là vào giờ tan ca.

Chúng tôi có mặt tại chợ tự phát trên Xa lộ Đại Hàn trước mặt cụm kho Sacombank (thuộc P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân). Nhìn cảnh tượng người bán bày hàng hóa buôn bán kéo dài gần cả cây số và lấn ra nửa lòng đường, người mua vô tư dạo dưới lòng đường, chúng tôi không khỏi thót tim khi thấy cảnh các loại xe gắn máy, ô tô nhiều lần nháy đèn, bấm còi inh ỏi khi đi qua chợ đông đúc người. Sau khi né một chiếc xe ba gác chở đầy bắp cải đậu chình ình giữa xa lộ, tài xế chiếc xe tải nhoài người ra cabin hét lớn: "Muốn chết hả?". Bỏ mặc ngoài tai những tiếng la hét của cánh tài xế, chợ vẫn hoạt động nhộn nhịp. Chúng tôi nói vẻ như đùa với người đàn ông đẩy xe ba gác bán bắp cải: "Xe chạy ào ào vậy mà anh vẫn bán tỉnh bơ. Anh không sợ chết à?". Người đàn ông cười khì: "Xe cộ phải tránh tụi tui chớ. Quen rồi chú ơi!".

Theo người dân địa phương, chợ tự phát đã gây nên nhiều vụ va quệt, tai nạn giao thông mà nạn nhân chủ yếu là công nhân. Hồi tháng 5.2010, sau giờ tan ca, một nữ công nhân trong khi đi chợ tự phát ngay dưới chân cầu vượt Linh Xuân (Thủ Đức) bị chiếc xe tải cán nát chân. Đó là chưa kể các vụ va quệt, gây kẹt xe kéo dài do chợ tự phát gây ra chưa được cơ quan chức năng thống kê hết.

Chính quyền bó tay

Trao đổi với chúng tôi về việc giải tỏa chợ tự phát trên địa bàn, những người có trách nhiệm ở các quận, huyện đều lắc đầu ngao ngán, đổ thừa do khó khăn về nguồn kinh phí và nhân lực nên công tác giải tỏa các chợ "chạy" vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, công tác duy trì trật tự đô thị và giải tỏa chợ tự phát chỉ diễn ra theo từng đợt nên ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh buôn bán chưa cao và xuất hiện dấu hiệu "lờn luật".

Ông Trần Tường Thụy, Phó chủ tịch UBND P.2, Q.Tân Bình, nhìn nhận hiện trên địa bàn phường "nóng" nhất là chợ ăn theo chợ Phạm Văn Hai, chợ tự phát dọc hai bên đường Lam Sơn… "Chẳng lẽ, phường bó tay với chợ tự phát?", chúng tôi hỏi. Ông Thụy thừa nhận dù phường đẩy đuổi liên tục nhưng không hiệu quả do hàng hóa tịch thu được có giá trị thấp, trong khi mức phạt theo quy định mới (Nghị định 34) khó khả thi vì quá cao, nên những người buôn gánh bán bưng khó đóng phạt nổi!

Ông Huỳnh Minh Hải, Trưởng ban quản lý chợ Ba Đình, bức xúc nói: "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền cần kiên quyết dẹp chợ tự phát, nhưng hầu như bó tay!".

Dù biết rằng, đằng sau các chợ tự phát là cuộc sống của hàng ngàn người từ những nơi khác về TP mưu sinh… Thế nhưng, mặt trái của chợ tự phát đã trở thành lực cản lớn trong quá trình xây dựng TP hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại.

Minh Nam - Lê Nga