(ĐVO) - Tác chiến điện tử không
những là sự đối đầu về kỹ thuật mà còn là sự đối đầu về chiến thuật, khí
tài hiện đại là điều cần thiết, nhưng con người vận hành nó còn quan
trọng hơn nhiều.
Trung Quốc tuyên bố vùng cấm đánh bắt
phi pháp, xua tàu cá của họ dưới sự bảo kê của tàu Hải giám đánh bắt
trái phép trên chủ quyền quốc gia khác, đến việc tổ chức các cuộc tập
trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông, phô trương sức mạnh…làm cho các quốc
gia khu vực lo ngại, cảnh giác.
Với Việt Nam, Biển Đông là Hoàng Sa,
Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trung Quốc đã đánh chiếm
Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988, vì vậy,
trong tình hình hiện nay, bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng cho rằng
những thách thức đến an ninh Trường Sa là hiện thực tiềm ẩn là logic
không thể khác được.
Kẻ thù hung hăng đe dọa chiếm đảo theo cách nào?
Chẳng ai muốn chiến tranh, xung đột, nhưng hòa bình không thể quyết đinh được một phía từ Việt Nam.
Nếu địch sử dụng phương án tấn công đánh
chiếm Trường Sa như nước Anh đã từng sử dụng đánh chiếm quần đảo
Manvinas, tức là chiến dịch tấn công sẽ huy động nhiều lực lượng bao gồm
tàu chiến, tàu vận tải đổ bộ, tàu ngầm, tàu sân bay, tàu phục vụ… hình
thành nhiều thê đội trong đội hình tấn công với 2 nhiệm vụ chính là bảo
vệ đội hình trước đòn tấn công của đối phương và lực lượng dọn bãi đổ
bộ, đổ bộ đánh chiếm các đảo.
Có thể nói, địch rất muốn thực hiện theo phương án này vì nó có rất nhiều cái lợi.
Trước hết là nó rất phù hợp với một lực
lượng hải quân mạnh, khả năng răn đe lớn, tấn công tầm xa tốt, cho nên
bảo vệ được đội hình tấn công chính, bao vây, chia cắt, cô lập được mục
tiêu để tiêu diệt.
Tiếp theo là khu vực tác chiến của
phương án này có phạm vi nhỏ, bao gồm vùng trời, vùng biển quanh Trường
Sa, cho nên, tính chất cuộc chiến, do đó, được xem như là một cuộc xung
đột trên biển và đặc biệt sự xung đột này không lan rộng thành một cuộc
chiến tranh lớn khó kiểm soát.
Sau cùng là thời gian tác chiến nhanh, nếu thắng lợi thì tạo ra một “sự đã rồi”, dư luận, thế giới tố cáo thì đã muộn.
Tuy nhiên, muốn là một chuyện, được hay
không lại là chuyện khác. Thực tế từ tình thế khu vực, tương quan lực
lượng, ý chí quyết tâm…của 2 bên không giống như tình hình mà nước Anh
tiến hành chiến dịch đáng chiếm quần đảo Manvinas.
Trường Sa là chủ quyền thiêng liêng của
Việt Nam mà việc bảo vệ chủ quyền, chống xâm lược của dân tộc Việt bao
đời nay đều có ý chí quyết tâm cao hơn núi.
Lực lượng địch chưa có khả năng và đủ
mạnh để thách thức toàn bộ lực lượng phòng thủ biển từ đất liền của Việt
Nam bao gồm không quân, hải quân pháo, tên lửa bờ… được tự do lựa chọn
phương án tấn công. Huống chi, trong khi phương án đó còn quá nhiều lỗ
hổng về chiến thuật, những tử huyệt “bất khả kháng” do không có địa lợi.
Không phải cứ tàu chiến địch có tầm bắn
xa là không có con tàu nào của Việt Nam vào được gần…Chiến tranh không
đơn giản chỉ là phép cộng trừ số học, nó có những nghịch lý riêng. Kiếm
dài, kiếm ngắn không quan trọng, quan trọng là kiếm pháp.
Tên lửa Scud-B của Việt Nam có tầm bắn 500 km và liệu có xa hơn sau khi Viện Công nghệ, Quân chủng Phòng không-Không quân, đã sản xuất thành công một trong những thành phần quan trọng cho các nhiên liệu tên lửa lỏng được sử dụng bởi các tên lửa Scud-B??? Chỉ có câu trả lời khi sử dụng. |
Chắc chắn kẻ địch phải tính và phải hiểu
Việt Nam có bao nhiêu loại tên lửa vươn tới Trường Sa và những chiến
hạm nào của Việt Nam mà tên lửa chưa thể vươn tới Trường Sa thì dựa vào
chiến thuật độc đáo, Việt Nam đều biến nó thành có thể…
Chắc chắn kẻ địch phải tính toán kỹ và
trên bản đồ tác chiến của địch thì không thể thiếu ký hiệu những bãi
thủy lôi xung quanh Trường Sa đang và sẽ hình thành chờ đón, sẵn sàng
kích hoạt mà những tàu siêu đổ bộ bằng sắt cũng chần chừ huống chi loại
tàu đổ bộ đệm khí…
Rốt cuộc, ý chí Việt Nam, khả năng Việt
Nam khiến cho Bộ Tham mưu địch không thể chủ quan, bất chấp như những
học giả quá khích, những viên tướng hiếu chiến đã về hưu hô hào…mà liều
lĩnh sử dụng phương án trên.
Sử dụng phương án này chẳng khác nào một
đội bóng cậy hàng phòng thủ mạnh, thủ môn giỏi lui về phòng thủ ở vòng
16m50, nhường sân cho một đối thủ đang hừng hực ý chí quyết tâm với một
tinh thần không còn gì để mất thì thủng lưới là vấn đề thời gian.
Chính vì lẽ đó, đánh chiếm đảo chỉ có
thể thực hiện theo phương án khác, đó là, dùng tên lửa tầm xa, tầm trung
từ tàu ngầm, khu trục tấn công vào đất liền nơi sân bay, hải cảng khu
vực miền Trung Việt Nam làm tê liệt hoạt động của Hải quân, không quân
Việt Nam, cắt đứt sự chi viện của đất liền cho Trường Sa. Đòn tấn công
này trước hoặc cùng lúc với chiến dịch tấn công đánh chiếm Trường Sa.
Phương án này về mặt quân sự có tính khả thi cao, nhưng có những hệ lụy, “phản ứng phụ” không thuận lợi, nguy hiểm.
Đó là nó biến cuộc tấn công chiếm đảo
thành một cuộc chiến tranh không thể kiểm soát. Phạm vi chiến trường lan
rộng không giới hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng không những đến tình hình
kinh tế, an ninh của 2 quốc gia đối đầu mà còn cả khu vực và thế giới.
Về mặt chính trị, phương án này đã lộ rõ
tính phi nghĩa của địch làm cho thế giới lên án, cô lập và ủng hộ mạnh
mẽ cho Việt Nam về chính trị và có thể không loại trừ quân sự (vũ khí
trang bị).
Những hệ lụy này gắn chặt với khả năng
đương đầu của Việt Nam. Việt Nam đủ sức đương đầu, buộc địch phải trả
giá thì những hệ lụy này càng bộ lộ và sẽ là một trong những nguyên nhân
chính gây nên sự thảm bại của phương án.
Như vậy, trong tình hình hiện nay, với ý
chí và lực lượng hiện tại của Việt Nam thì tấn công đánh chiếm đảo như
phương án đầu là không khả thi, bởi nó chỉ giải quyết được phần ngọn,
trong khi chiến dịch sẽ kéo dài, hao người tốn của khiến cho địch sẽ
không chịu đựng nổi. Và, phương án sau là sự lựa chọn duy nhất để đạt
được mục tiêu chiến dịch (quân sự).
Bảo vệ Trường Sa, trước hết là bảo vệ
các căn cứ không quân, hải quân, hệ thống chỉ huy, quan sát, TTLL trước
đòn tấn công phủ đầu của địch, tổ chức phản công giáng trả kịp thời buộc
địch phải trả giá, trong đó vấn đề đầu tiên là Việt Nam phải bẻ gãy
được đòn tấn công bằng tên lửa tầm xa, tầm trung hiện đại, độ chính xác
cao, sức hủy diệt lớn của địch từ tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay tàng
hình ở ngoài tầm bắn của các phương tiện phòng thủ biển Việt Nam.
Sư đoàn Phòng không 377 bảo vệ Trường Sa |
Radar thụ động Kolchuga của Ukraine cung cấp cho Việt Nam |
Bẻ gãy đòn tấn công bằng tên lửa, máy bay tàng hình địch, bảo vệ Trường Sa
Bờ có vững thì đảo mới yên. Trường Sa
của Việt Nam khác với Manvinas, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam, khi
Trường Sa bị xâm chiếm thì chỉ khi không còn một “tấc sắt trong tay”,
đất liền Việt Nam mới nghiến răng, nén căm hận vào tim chờ đến lúc rửa
hận, còn khi dù chỉ có một “tấc sắt trong tay” thì Việt Nam quyết không
chịu để yên.
Nguyên lý đó, tâm lý này của người Việt,
dân tộc Việt, kẻ địch quá hiểu, cho nên, chỉ đụng vào Trường Sa, giải
quyết “êm gọn” trong tình thế Việt Nam đã và đang chuẩn bị rất bài bản
(vũ khí trang bị, chiến thuật, bố trí lực lượng) là hoang tưởng.
Nếu như xác định rằng, trong chiến tranh
hiện đại với VKCNC thì tên lửa tầm xa, tầm trung đóng vai trò quan
trọng trên chiến trường thì tác chiến điện tử đóng vai trò quyết định sự
thành bại. Đây chính là nguyên tắc, phương châm, tư tưởng, quan điểm,
bảo vệ Tổ quốc nói chung và Trường Sa nói riêng trong tình hình hiện
nay.
Đương nhiên, sẽ có nhiều sách lược, biện
pháp, hoạt động tác chiến khác để đối phó tấn công địch, nhưng điều
chúng ta quan tâm ở đây là tác chiến điện tử, hoạt động quan trọng quyết
định thành bại của cuộc chiến này như thế nào và ra sao mà thôi.
Thực ra, tác chiến điện tử là một nhiệm
vụ thường xuyên của bất kỳ một đơn vị nào trong thời bình cũng như trong
chiến tranh của QĐND Việt Nam ngay cả khi chưa có Cục tác chiến điện
tử-Bộ TTM.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, hơn ai
hết Việt Nam đã quá hiểu vai trò lợi hại và cái giá phải trả khi hoạt
động tác chiến điện tử của Mỹ khi có nền khoa học công nghệ vượt trội,
và năm ấy, 1972, điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam không bắn rơi được B-52
Mỹ?
Trong chiến tranh VKCNC, tác chiến điện
tử tốt sẽ làm cho vũ khí công nghệ cao (VKCNC) của quân địch thành kẻ
“mù và ngu dốt”, hạn chế sức hủy diệt của chúng. Tác chiến điện tử tốt
giúp cho hải quân, không quân có điều kiện tiếp cận mục tiêu, phát hiện
mục tiêu để phản công bằng lối đánh sở trường hay đối kháng.
Vấn đề là tác chiến điện tử để bẻ gãy
đòn tần công bằng tên lửa tầm xa, tầm trung hiện đại của địch, bảo vệ
Trường Sa như thế nào.
Trước hết là trinh sát phát hiện mục tiêu, hành động của địch, quyết không để bị bất ngờ.
Chuẩn bị một cuộc tấn công trong chiến
tranh hiện đại không dễ dàng, nhanh gọn như lấy đồ chơi trong túi. Phát
hiện ra âm mưu, ý đồ của địch để tổ chức, bố trí, cơ động lực lượng đến
vị trí xuất phát tấn công có lợi. Đây cũng là chiêu hạn chế ưu thế tầm
bắn xa của chiến hạm địch.
Mục tiêu cố định như sân bay, bến
cảng…dễ bị đánh phá nhất, đều bị địch xác định tọa độ chính xác cho tên
lửa, bom thông minh. Vì vậy phải làm mù các thiết bị định vị mục tiêu
của địch, buộc địch phải tác chiến ở tầm gần, tạo điều kiện cho lực
lượng phòng thủ phát huy hỏa lực. Trong đó, ngụy trang và gây nhiễu là
hai biện pháp chính để đối phó với sự định vị và dẫn đường cho tên lửa
của hệ thống định vị toàn cầu.
Rõ ràng là với sự phát triển của vệ tinh
quân sự hiện nay thì một cái kim ngọn cỏ trên mặt đất vẫn bị phát hiện.
Tuy nhiên bản thân hệ thống này không có khả năng nhận biết đâu là thật
là giả, nó dể dàng bị đánh lừa bởi các biện pháp ngụy trang.
Sương mù, khói, thời tiết xấu, các thiết
bị điện tử làm nhiễu tín hiệu khiến cho việc xác định tọa độ cũng như
dẫn đường cho tên lửa trở nên kém chính xác, cho nên tên lửa “thông
minh” giá hàng đống tiền của địch bay vào mục tiêu giả mà “thật hơn cả
thật”, bởi khả năng cơ động, tính năng điện từ, tính năng nhiệt còn “bắt
mắt” hơn đồ thật là điều dễ xảy ra. Bộ đội ta trên đường Trường Sơn đã
từng “lái” không quân Mỹ đổ hàng vạn tấn bom vào chỗ không người theo
phương cách đó.
Trong chiến tranh hiện đại, thiết bị gây
nhiễu tích cực, định hướng có thể được coi như một vũ khí nguy hiểm của
những nước có nền kinh tế thấp do giá thành rẻ, thời gian nghiên cứu
chế tạo nhanh nhưng có uy lực rất mạnh đối với các thiết bị điện tử có
điều khiển. Hệ thống gây nhiễu hiện đại SPN-30 của Việt Nam có khả năng
không chỉ gây nhiều GPS mà có thể gây nhiẽu tất cả các thiết bị điện tử
trong khu vực bảo vệ mục tiêu.
Nếu như đã tìm ra vị trí phù hợp trên bờ
biển để đặt trạm phát sóng, phủ gần như toàn bộ vùng biển Việt Nam với
bán kính cách bờ 100km, điều mà chỉ có trên lý thuyết chứ chưa có công
ty nào trên thế giới làm được, thì với Cục tác chiến điện tử, vấn đề còn
lại chỉ là chiến thuật.
Vô hiệu hóa đòn tấn công bằng các loại
tên lửa chống bức xạ hay tên lửa chống radar của địch hòng làm mù hệ
thống radar, chỉ dẫn mục tiêu của ta bằng cách di chuyển liên tục của
các đài phát sóng và sự lẫn lộn giữa các đài giả và đài thật trong một
hệ thống mạng nội bộ của các đài radar ở nhiệu cụm tác chiến, nhiều vị
trí khác nhau trên một khu vực tác chiến rộng lớn sẽ làm suy giảm rõ rệt
khả năng tấn công của tên lửa chống bức xạ.
Sử dụng phương pháp phát hiện mục tiêu
thụ động, không chủ động phát sóng radar mà sử dụng các thiết bị thu
sóng điện từ để theo dõi sự di chuyển của đối phương (Radar VERA cùng
với Kolchuga của Việt Nam) và bằng phương pháp giao hội (3 phương vị) là
“tóm gọn” dễ dàng máy bay tàng hình (máy bay tàng hình nhìn thấy nó khó
khăn bao nhiêu thì khi nhìn thấy diệt nó dễ dàng bấy nhiêu), đồng thời
định vị các mục tiêu trên không trên biển, tạo điều kiện cho radar điều
khiển tên lửa (radar ngắm bắn) chỉ mở khi có thông số xác định về mục
tiêu…vân vân và vân vân.
Tác chiến điện tử không những là sự đối
đầu về kỹ thuật mà còn là sự đối đầu về chiến thuật, khí tài hiện đại là
điều cần thiết, nhưng con người vận hành nó còn quan trọng hơn nhiều.
Đó là sự kết hợp giữa ý chí sức mạnh của con người, sự thông minh sáng
tạo và ứng dụng khoa học công nghệ hoàn hảo các trang thiết bị đang khai
thác sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Con người vẫn là nhân tố quyết
định cho mọi sự thành bại trên chiến trường.
Con người Việt Nam, khả năng Việt Nam nếu kẻ thù đụng đến Trường Sa thì nhất định chúng sẽ trả giá đắt.
Kì trước: Tác chiến điện tử-sự thành bại của chiến tranh công nghệ cao |