THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 July 2013

“Những trẻ em hạt nhân”: cách lạm dụng trẻ em hợp pháp và rẻ mạt

 “Những trẻ em hạt nhân”: cách lạm dụng trẻ em hợp pháp và rẻ mạt


Thục-Quyên





Network SAVE VIETNAM´s NATURE

“Những trẻ em hạt nhân” không phải là lời dịch mai mỉa của tác giả, cũng không phải chữ dùng trong các báo cáo quốc tế về tình trạng sức khỏe thảm thương của các trẻ em sống gần Chernobyl hay Fukushima, mà là tên chính thức tập đoàn Rosatom dùng để gọi những trẻ em có bố mẹ làm việc trong hệ thống của Rosatom.
Trung tâm khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội quảng cáo trên mạng của họ như sau (1):
Ngày 17 tháng 8 (2011), tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ các cháu thiếu nhi củа Trại hè sáng tạo thiếu nhi quốc tế “Nuckids- 2011” đã trình diễn vở nhạc kịch hiện đại “Boongke của tự do” được tổ chức bởi Tập đoàn quốc gia “Rosatom” trong khuôn khổ hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng nguyên tử. Chương trình văn hóa này là một phần trong sứ mệnh nhân văn do Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia “Rosatom” thực hiện trong quá trình hoạt động quốc tế của mình. Có một điều đặc biệt là Việt Nam là nước đầu tiên được chọn làm nơi thể nghiệm hoạt động biểu diễn hiện đại nhằm phổ biến ý tưởng xây dựng nhà máy điện hạt nhân và đồng thời cho công chúng lưu ý tới yếu tố an toàn trong công nghệ nguyên tử của Nga.
Đội ngũ dàn dựng chương trình nhạc kịch này gồm đạo diễn dàn dựng, đồng thời là ca sỹ và nhạc sỹ Dmitri Bikbaev, đạo diễn dàn nhạc Devid Todua, biên đạo múa Maxim Nhedolechko, ban nhạc nổi tiếng “Prime Minister”, các nghệ sĩ balê, bậc thầy nổi tiếng của ngành công nghiệp thời trang Igor Trapurin. Những vai diễn chính của vở diễn được thực hiện bởi đoàn “Nuckids-2011” gồm 73 các nghệ sĩ thiếu nhi được gọi là “Những trẻ em hạt nhân” bởi bố mẹ chúng làm việc trong hệ thống của “Rosatom”. Tiềm năng sáng tạo của tập thể thiếu nhi cộng với trình độ chuyên môn cao trong quá trình tập luyện đã cho phép thể hiện một cách hoàn hảo mọi ý tưởng nghệ thuật và tạo không khí hứng khởi, thân thiện và lạc quan.
Trong thời gian ở Việt Nam, đoàn “Rosatom” đã tổ chức các buổi gặp mặt tư vấn và giao lưu thân mật Nga-Việt với sự có mặt của Đại diện Cơ quan hợp tác Nga. Mọi hoạt động của “Rosatom” với sự tham gia của hai bên được tiến hành dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Đại Sứ quán Nga. Âm hưởng rộng rãi trong công chúng và những nhận xét tốt đẹp trên các phương tiện thông tin đại chúng cho phép hoàn toàn tin tưởng khi khẳng định rằng nguyên tử phục vụ mục đích hoà bình sẽ là hiện thực ở Việt Nam!

(23/08/2011)
RCNK-Vietnam.org

Trước đó, Rosatom đã có những chương trình tuyên truyền, độc hại và trắng trợn nhất là những chương trình nhằm vào trẻ em tiểu học như tại Ninh Thuận, với sự tiếp tay của nhà nước Việt Nam.(2)



Vẽ tranh là hết e ngại về xây dựng nhà máy điện hạt nhân.


Cả một sự sắp xếp, bóp méo sự thật, nhằm đầu độc những đầu óc non nớt để biến những thế hệ mầm non của Việt Nam thành những con chó Pavlov hay cả những Zombies hành xử theo nút bấm của họ? [Chương trình tuyên truyền điện hạt nhân ngốn 200 tỷ đồng, theo tiết lộ của báo Đất Việt, xem (2) – chú thích của BVN].

Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử

Đầu tháng 10/ 2011 Rosatom và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ký kết bản ghi nhớ về việc cộng tác thành lập Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử (3). Đầu tháng 12/2012 họ làm lễ khai mạc, và từ đó, Rosatom đài thọ phòng ốc, ăn uống, di chuyển, … tóm lại tất cả, còn Bộ Giáo dục & Đào tạo thì tổ chức lớp học, đưa cả những bà mẹ đi cùng với con để đến nghe những nhân viên của Rosatom, dưới danh nghĩa thông tin về năng lượng nguyên tử, cố tình đưa tin hoặc một chiều hoặc sai lầm hoàn toàn, giấu giếm sự thật, chỉ với mục đích đào tạo những khách hàng cũng như những công nhân tương lai mù quáng.

Những loạt hình ảnh Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử đưa ra trên web của họ cho thấy những trẻ em Việt Nam quần áo bảnh bao sinh hoạt trong những phòng ốc sang trọng, gieo vào đầu các em ý niệm của sự tối tân, giàu có, đi cùng với Rosatom và năng lượng nguyên tử. Những bài viết của các em được Rosatom chọn đăng là bằng chứng cho sự gian dối của họ và sự ngây thơ của những con mồi đã bị sập bẫy vì cả dân tộc, họ hàng, gia đình mình đã bất tài bất lực không bảo vệ được mình.

Bài của em Nguyễn Thị Hải Dương, lớp 10A2, trường PTTH Nguyễn Siêu (4):

Chúng em đã được tìm hiểu nhiều điều về nhà máy điện hạt nhân. Những kiến thức tưởng rằng rất phức tạp đó được chuyển tải một cách dễ hiểu qua một bộ phim 3D, những lời bình luận và thuyết minh đặc sắc cùng với nhiều trò chơi giải trí hấp dẫn. Phòng chiếu phim được thiết kế rất ấn tượng, âm thanh vòm y chang như trong các rạp chiếu phim hiện đại. Bởi vậy đã làm cho chúng em bị cuốn theo chủ đề và dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Chỉ sau khoảng 40 phút theo dõi chương trình chúng em đã hiể̉u được một phần năng lượng nguyên tử và các nhà máy điện hạt nhân.[...] Nếu nhà máy nhiệt điện chạy than có nhu cầu một năm 6, 9 triệu tấn thì con số đó đối với một nhà máy điện có công suất tương đương chỉ là 69 tấn nhiên liệu hạt nhân. Sau đó là nhiều những giai đoạn khác mới có thể tạo ra điện. Nhà máy điện hạt nhân không tiêu thụ khí ôxi, không thải ra ngoài các chất độc hại, các chất gây ung thư, cũng như khí gây hiệu ứng nhà kính mà nhà máy nhiệt điện thải ra đến hàng nghìn tấn mỗi năm. Tuy nhiên các chất thải phóng xạ cũng có thể là một mối nguy hiểm không nhỏ. Nhưng các chuyên gia cũng đã áp dụng mọi biện pháp để giảm nó xuống đến mức độ cho phép, và đó là quá trình xử lý chất thải
[ ...] Chúng em còn được biết rằng đây là loại năng lượng khá mới và hiện nay các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đang được xây dựng ngày càng nhiều. Nước tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến Nga – một đất nước có nền khoa học kĩ thuật phát triển hàng đầu thế giới hiện nay. Sau những sự cố về vấn đề rò rỉ hay nổ nhà máy hạt nhân đã khiến không ít người lo ngại về loại năng lượng này. Vì vậy các nhà máy điện hiện nay đã được trang bị các thiết bị hiện đại để có thể sớm phát hiện và kịp thời khắc phục các sự cố có thể xảy ra.

Nhật ký về buổi học chiến dịch Điện Biên Phủ tại Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử của em KIN (5):

Thứ 7 đến rồi, sau cả tuần chờ đợi thì cũng đã đến ngày mình mong ngóng.
Tuần này bọn mình lại tập kết tại Trung tâm TTNLNT. Lúc đầu, cô Lợi cho bọn mình xem phim NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN làm mình cứ tưởng hôm nay là năng lượng nguyên tử cơ. Xong năng lượng nguyên tử thì mới đến chiến dịch Điện Biên Phủ [...]

Lobby điện hạt nhân và các vấn đề nhân quyền, dân quyền, dân trí

Không thể chờ đợi tập đoàn Rosatom (=nhà cầm quyền Nga) lại cho lập trung tâm thông tin về tình trạng sức khoẻ người dân quanh vùng Chernobyl như Hiệp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (IPPNW International Physicians for the Prevention of Nuclear War) và Hội Y sĩ trong Trách nhiệm Xã hội (Ärzte in sozialer Verantwortung) đã khẩn thiết thông báo (6):
Kể từ năm thứ tư (sau thảm hoạ), ung thư tuyến giáp và ung thư máu (Leukämie) lan tràn ở trẻ em và người lớn. Những ước tính cẩn thận cho thấy 6 triệu người trên khắp châu Âu đã qua đời vì hậu quả của bức xạ Chernobyl. Trong số 800.000 người tham gia công tác dọn dẹp tại Chernobyl, hơn 125.000 đã qua đời. Hàng trăm ngàn người bị ốm nặng. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng cao. Dị tật bẩm sinh tăng dần trong mỗi thế hệ tiếp nối.

Chúng tôi hoàn toàn không có bất kỳ thuốc men hay hình thức trợ giúp y tế nào để đối phó với bức xạ khi hữu sự. Cách duy nhất để tránh thảm hoạ là tuyệt đối không xây và đóng cửa những nhà máy ĐHN (IPPNW).

Rosatom còn đang nhắc đi nhắc lại lời rao hàng đầy hứa hẹn phi lý, bảo đảm an toàn ĐHN cho Việt Nam, thản nhiên nói như thuyết cho một lũ ngu-mù-điên-dại, không có chút hiểu biết về tình trạng kỹ nghệ năng lượng hạt nhân hiện đã vào ngõ cụt (7) vì bất lực trước những biến cố thiên tạo, nhân tạo, cũng như không giải quyết được vấn đề quản lý chất thải còn phát phóng xạ vài ngàn năm. Làm sao Rosatom có thể khai ra là không có cách tháo gỡ 11 lò RBMK-1000 trên đất Nga, loại sử dụng tại Chernobyl, với tuổi tương tự hoặc lớn hơn? Làm sao Rosatom dám tiết lộ chỉ trong tháng giêng 2013 một loạt sự cố đã liên tiếp xảy ra tại 5 nhà máy ĐHN trong khi những sự cố khác được ém nhẹm bằng những đàn áp bắt bớ các nhà bảo vệ môi trường?

Ngày 3/05/2013 từ St. Petersburg, Yevgeny Usov và Maria Kaminskaya đã tường thuật về cuộc nổi dậy cuả 120 dân cư các làng Muslyumovo, Brodokalmak, Russkaya Techa, và Nizhne-Petropavlovskoye, tất cả nằm trong vùng lân cận của cơ sở tái chế chất thải hạt nhân Mayak, trong khu vực Chelyabinsk. Nỗi bất bình người dân địa phương đã lên tới cực điểm sau khi hầu như bị bỏ mặc năm mươi năm ròng trong hoàn cảnh tuyệt vọng tại nơi được coi là ô nhiễm nhất trên hành tinh.
Năm bảy chục năm trước không có sự hiểu biết về năng lượng hạt nhân, nhưng bây giờ đã rõ mà còn sa vào bẫy thì một mai dân Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Đaklak, Phú Yên, Bà Rịa, Vũng Tàu, v.v. và ngay cả Sài Gòn sẽ đi đâu, khiếu nại với ai?

Không phải chỉ có ngành kỹ nghệ hạt nhân Nga mới có những hoạt động tắc trách, ô nhiễm môi trường và coi thường nhân mạng. Nhưng trong những nước có các quyền tự do ngôn luận và thể hiện, quyền tự do tín ngưỡng và nhận thức, thì người dân còn có dịp để tìm hiểu và quyết định bảo vệ sức khoẻ cũng như môi trường sống của mình và gia đình mình, chống lại các lobby của ngành này.

Tại nhiều nước, như nước Đức chẳng hạn, chính quyền đã phải lùi bước trước ý dân để giảm thiểu hay ngưng những chương trình kỹ nghệ hạt nhân đồng thời đẩy mạnh những nền kỹ nghệ năng lượng tái tạo. Tại Mỹ, Nhật, hàng trăm hội các phụ huynh đã dấn thân tìm hiểu, học hỏi và cộng tác với các nhà khoa học và giáo dục để hình thành những chương trình chống công nghiệp hạt nhân, bảo vệ sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của trẻ em .Ngay trong cuộc biểu tình mới đây tại Giang Môn (8), những người dân Trung Hoa từ Macao, Hongkong, quen với nếp sống có tự do dân chủ hơn người dân Hoa Lục, đã đem theo các con em để: “nhân dịp này tôi muốn giáo dục con trai tôi và thế hệ sau về sự nguy hại của những dự án hạt nhân cho cuộc sống của con người và sự phát triển của vùng châu thổ Châu Giang.”

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990, nhưng trong nước thì chính Bộ Giáo dục lại cộng tác với một tập đoàn công nghiệp ngoại quốc để phỉnh dụ con trẻ, trước sự lặng yên của xã hội.

Tại hải ngoại cũng vậy, ngoại trừ một thiểu số rất hiếm hoi, đa số cũng giữ thái độ không can dự. Nhưng mức độ ý thức về hiểm hoạ hạt nhân là mức đo dân trí của một dân tộc, cũng như mức độ vô cảm là biểu hiện của một xã hội bệnh hoạn. Thiết nghĩ con số những người thành đạt trong 4 triệu dân Việt Nam tại hải ngoại không phải là nhỏ. Mà dù không tốt nghiệp cao học, đại học, không là bác học, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, v.v. nhưng sống trong thế giới tự do đầy đủ tin tức ai cũng có thể quan tâm tìm hiểu và lên tiếng về chuyện sống chết nơi quê nhà. Không thể lập luận rằng tỏ thái độ là bổn phận và tùy thuộc lòng can đảm của những người đang sống tại chỗ. Trong tình trạng con số những người đòi tự do nhận thức và ngôn luận bị vào tù vẫn đang tăng tại Việt Nam bất kể sự can thiệp của thế giới, và một số đông dân chúng không đủ ăn đủ mặc, thiếu thốn những điều căn bản nhất của đời sống văn minh, thì dân đen là con mồi ngon cho người ngoài sai xử, hà hiếp hoặc mua chuộc bằng giá rẻ mạt. Người dân nghèo không còn chỉ bị bóc lột sức lao động nữa mà ngày nay còn bị cướp mất sự sống, của họ và của con cháu họ.

Cũng không thể lập luận rằng nói cũng bằng thừa, vì không thể thay đổi ý muốn của nhà cầm quyền Việt Nam: họ là những người duy nhất phải chịu trách nhiệm. Đứng trước thế giới, như bất cứ một người Việt Nam nào còn chút tự trọng phải biết lên tiếng chống lại âm mưu xâm lấn Biển Đông của Trung Cộng, thì bất cứ một người Việt Nam nào còn chút tự trọng phải quan tâm và chống lại ý đồ nô lệ hóa tuổi trẻ Việt Nam thành “những trẻ em hạt nhân” của tập đoàn Rosatom.

Dân tộc Việt Nam lặng câm bỏ mặc con em mình cho người ngoài lạm dụng, và chấp nhận sự sỉ nhục tới bao giờ?

Tôi muốn đặt câu hỏi đến mọi người Việt Nam có trái tim để thương yêu và trí óc để suy nghĩ . Dân tộc chúng ta có còn bao giờ rửa được nỗi nhục này nếu chúng ta lặng câm để thế hệ con em chúng ta thành nô lệ cho nước ngoài ngay trên mảnh đất ông cha ta để lại và ngây thơ chôn vùi cả tương lai nòi giống?

Xin mọi người hãy đọc bài này và chuyển tiếp dưới mọi hình thức để một mai đừng ai nại cớ mình không biết.

T. Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN