THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 July 2013

Bước đi mới ngang ngược của TQ ở Hoàng Sa, Việt Nam

Bước đi mới ngang ngược của TQ ở Hoàng Sa, Việt Nam

(Quốc phòng) - Trung Quốc vừa có thêm một bước đi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi ngang nhiên tổ chức lễ cấp phát giấy chứng minh nhân dân và giấy cư trú đợt đầu cho người dân ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" mà thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
 


Theo mạng Nhân dân, buổi lễ diễn ra ngày 17/7 tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc tự gọi là Vĩnh Hưng và coi đây là thủ phủ của Tam Sa vốn được thành lập trái phép.

Trong đợt cấp phát lần này có 10 giấy chứng minh cho cư dân sống tại đây và 68 giấy cư trú dành cho nhân khẩu lưu động.

Phó Thị trưởng thành phố Phùng Văn Hải ngang ngược tuyên bố sau đợt cấp phát này sẽ đẩy nhanh tiến độ, từng bước tiến tới cấp phát cho các điểm dân cư khác trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trụ sở hành chính của “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm của Việt Nam - Ảnh: Asiatoday.co.kr
Trụ sở hành chính của “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm của Việt Nam - Ảnh: Asiatoday.co.kr

Trung Quốc đơn phương thành lập "thành phố Tam Sa" bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 6/2012, gây nên sự phản đối kịch liệt của Việt Nam và các nước láng giềng trong khối ASEAN.

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế, thậm chí cả dư luận bên trong Trung Quốc, Bắc Kinh đã lần lượt thực hiện các hành động leo thang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên cái gọi là thành phố Tam Sa.

Ngày 17/7/2012 Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam đã thông qua quyết định thành lập “Hội đồng Nhân dân Tam Sa. Sau đó, vào ngày 20/7/2012, truyền thông Trung Quốc loan tin Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập Bộ chỉ huy quân đồn trú tại Tam Sa.

Ngày 21/7/2012, Trung Quốc tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”. Hai ngày sau đó, phiên họp đầu tiên của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa” đã bầu một nhân vật tên Tiêu Kiệt làm thị trưởng. Và đến hôm nay, Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Từ ngày 24/11/2012 Trung Quốc lần đầu tiên xuất bản và phát hành trái phép bản đồ về cái gọi là thành phố Tam Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bản đồ còn cụ thể, chi tiết và đầy đủ đến mức phản ánh cả các vị trí địa lý, địa chất vùng biển, các nguồn tài nguyên, đường bộ và đường thủy, hải cảng và sân bay, địa giới hành chính… ngoài ra bản đồ này được phát hành rộng rãi tại các hiệu sách lớn trên toàn Trung Quốc bắt đầu từ ngày 24/11/2012.

Hãng thông tấn bán chính thức Trung Tân ngày 3/11/2012 đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/11 đánh dấu kỷ niệm 100 ngày kể từ khi Bắc Kinh thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, người phát ngôn chính quyền thành phố Tam Sa Trần Tế Dương đã công bố các kế hoạch biến đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thành một trung tâm ngư nghiệp, du lịch và hỗ trợ quân sự.

Tháng 12/2012, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư 1,6 tỉ USD để xây dựng sân bay, bến tàu và các cơ sở hạ tầng khác trên cái gọi là thành phố Tam Sa.

Trang Bloomberg trích lời Tưởng Định Chi, Chủ tịch tỉnh Hải Nam, cho biết việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới là cần thiết cho nền tảng phát triển của cái gọi là thành phố Tam Sa. Ông Tưởng nói: “Việc cần làm ngay trên thành phố Tam Sa là xây dựng sân bay, bến cảng và một số cơ sở hạ tầng quan trọng khác, cũng như những con tàu thực thi pháp luật, tàu cung ứng và các dự án khác”.

Chính phủ Trung Quốc cũng dự định xây dựng một hải cảng mới, một nhà máy khử muối có khả năng xử lý 1.000 tấn nước biển mỗi ngày, một trạm phát điện năng lượng mặt trời có công suất 500 KW, cũng như là các cơ sở xử lý rác và xử lý nước thải “thân thiện với môi trường.”

Hiện nay Bắc Kinh đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng (trái phép) ở khu vực này. Ngày 14/3/2013, báo chí Trung Quốc đưa tin Chu Thành Hổ, một viên Thiếu tướng được liệt vào "phái diều hâu" hùng hồn tuyên bố điều này, một biên đội 3 tàu 1 trực thăng Hải tuần Trung Quốc đã thả hoa tiêu trái phép ngoài khu vực Đá Tư Nghĩa, quần đảo Trường Sa. Nghiêm trọng hơn, giới chức nước này còn tuyên bố sẽ tiếp tục thả "hoa tiêu hàng hải" trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, một động thái leo thang nguy hiểm mới của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tờ China Daily ngày 19/3/2013 dẫn lời giới chức tỉnh Hải Nam, Trung Quốc cho biết năm nay sẽ mở một kênh truyền hình vệ tinh chuyên đưa tin về Biển Đông phủ sóng trên toàn bộ khu vực cái gọi là thành phố Tam Sa và khoảng 90% diện tích Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp.
Ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Mới đây nhất, Nhà xuất bản sách Nhân dân của Trung Quốc vừa cho ra một cuốn sách với tựa đề Thành phố Tam Sa Trung Quốc về “lịch sử, nguồn tài nguyên và vai trò quốc phòng” của cái gọi là TP.Tam Sa, chứa các bản đồ chi tiết về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, và vô giá trị.

Trong khi đó, báo chí Philippines ngày 17/7 đưa tin, hội đồng trọng tài Liên hợp quốc (LHQ) ở The Hague đã bắt đầu xem xét đơn kiện của Philippines về tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez tuyên bố với các phóng viên rằng Manila hài lòng về sự kiện chính thức thành lập Hội đồng trọng tài và tiến trình xem xét đơn kiện đã bắt đầu. Tòa án này là cơ quan hành pháp được thành lập thể theo Phụ Lục VII của Công ước LHQ về Luật biển.

Hành động của Manila đã khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc không đồng ý với với hành động đi ngược lại với thỏa thuận trước đó”. Tuy nhiên, Philippines lại được ủng hộ của nhiều nước như Mỹ, châu Âu và các nước láng giềng trong ASEAN vốn trông chờ một giải pháp lâu dài cho tranh chấp Biển Đông.
  • An Khanh (Tổng hợp từ TTXVN, Phunutoday)