Nhiều lãnh đạo quản lý ở những bệnh viện lớn tại TP.HCM cho biết họ đều trăn trở và không biết làm thế nào để xử phạt những người hút thuốc lá, gián tiếp làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân của mình. Ghi nhận trong ngày hôm nay (2.5) của Thanh Niên Online cho thấy, rất nhiều bệnh viện đều có... khói thuốc
Vô tư hút
Các bệnh viện nhi đồng là nơi nhạy cảm nhất đối với khói thuốc lá. Thế nhưng xem ra vẫn thật khó để có được môi trường “không thuốc lá” tại các địa điểm này.
Ngay từ bãi giữ xe và cổng vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bệnh viện đã giăng hẳn những tấm bảng, băng rôn lớn kêu gọi “không hút thuốc lá” trong bệnh viện. Thế nhưng, nhiều người vẫn vô tư hút thuốc.
Đặc biệt, khoảng sân của Bệnh viện Nhi đồng 2 với các gốc cây, bồn cây làm “gạt tàn”, là nơi nhiều phụ huynh nam tranh thủ “hít vài hơi”, nhả khói thuốc lên trời.
Sáng 2.5, trong khi chờ con đang làm phẫu thuật tại Khoa Ngoại thần kinh, anh N.Đ.K. tranh thủ ra ghế đá trước “làm điếu thuốc”. Anh K. nêu lý do: “Chờ cháu mổ căng thẳng quá nên chạy ra đây hút một tí cho đỡ căng”.
Trong khi đó, bắt gặp chúng tôi chụp hình và hỏi vì sao hút thuốc ngay trong bệnh viện nhi, anh T.C.Đ. ngượng ngùng: “Con nằm viện trong đây, chẳng lẽ trông con mấy ngày thì nhịn thuốc cả mấy ngày. Thèm quá nên ra làm một điếu cho đỡ thèm”.
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để bảng cấm hút thuốc lá từ bãi giữ xe... - Ảnh: Nguyên Mi Và khuyến cáo mức phạt ngay cổng vào bệnh viện - Ảnh: Nguyên Mi Những vẫn có nhiều người bất chấp luật cấm - Ảnh: Nguyên Mi |
Không chỉ người nhà bệnh nhân, tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM), phóng viên Thanh Niên Online còn bắt gặp cả bệnh nhân cũng tranh thủ hút thuốc ngay trong bệnh viện
Hầu như khi được đề cập đến việc hút thuốc có hại cho sức khỏe người hút lẫn người hít khói thuốc, không ít người hút thuốc đều mơ hồ cho rằng là thói quen “ghiền” rồi khó bỏ lắm hay “hút cả chục năm rồi có sao đâu”.
“Hồi đó, làm việc căng thẳng một ngày tôi hút có khi hơn cả gói. Nhưng giờ lớn tuổi, hút vào thấy tức ngực, vợ con cũng nói quá nên tôi bỏ. Không hút thuốc thấy ăn uống cũng được hơn. Mà giờ thấy thanh niên trẻ trẻ hút nhiều quá!”, ông Nguyễn Văn Lâm (ngụ Q.Phú Nhuận) TP.HCM, chăm cháu ở Bệnh viện Nhi đồng 2, lắc đầu nói khi thấy cảnh nhiều phụ huynh hút thuốc.
Người lớn hút, con nít (đang bệnh) hít - Ảnh: Nguyên Mi Các gốc cây trở thành gạt tàn và nơi vứt tàn thuốc - Ảnh: Nguyên Mi |
Bất lực phạt
Mặc dù luật quy định rõ ràng mức phạt đối với các vi phạm hút thuốc lá tại nơi cấm, ở những nơi công cộng thì người quản lý điều hành nơi đó thậm chí sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng nếu để xảy ra tình trạng vô tư... "nhả khói" nhưng đa số những người có trách nhiệm đều "than trời" khi đề cập đến vấn đề này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM nêu vướng mắc: Vì chuyện phạt hành chính còn phải tuân thủ theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính nên bệnh viện không có quyền hạn phạt, thu tiền phạt. Vì vậy chỉ có thể treo bảng “Cấm hút thuốc lá” và có bảo vệ, nhân viên bệnh viện đi loanh quanh, thấy ai hút thuốc lá thì nhắc nhở, dụi thuốc đi chứ cũng không thể áp dụng chế tài phạt nào. Ngoài ra, căn tin bệnh viện cũng không được phép bán thuốc lá.
|
Bác sĩ Châu cho biết thêm, trước khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực vào ngày 1.5 thì đã có nhiều nghị định, quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về các địa điểm cấm hút thuốc lá. Nhưng hầu như tất cả đều mang tính nhắc nhở, tùy vào ý thức của người dân.
Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng chỉ có thể gắn biển cấm và nhắc nhở người dân không vi phạm cũng như không cho căn tin bán thuốc lá chứ trước giờ chưa phạt được ai hút thuốc trong bệnh viện.
Theo BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, mặc dù bệnh viện đã có quy định rõ và ngay từ cổng vào đã thông báo không được hút thuốc lá nhưng người bệnh và thân nhân vẫn ngang nhiên hút thuốc.
“Để bắt quả tang người hút thuốc cũng không dễ vì thời gian xảy ra hành vi quá ngắn, có khi chưa đến một phút. Thậm chí, có người đốt thuốc chỉ cần hít 1-2 hơi rồi bỏ nên khi phát hiện, nếu người vi phạm có chối cũng không dễ gì phạt được”, bác sĩ Dũng bối rối.
Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) áp dụng cách cho bảo vệ đạp xe tuyên truyền, giám sát việc không hút thuốc trong bệnh viện - Ảnh: Nguyên Mi Tuy nhiên vẫn có người lén hút sau phòng bệnh, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: Độc Lập Khu vực công cộng, nhiều người qua lại vẫn vô tư hút thuốc cho dù có bảng cấm. Ảnh chụp tại căn tin Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: Độc Lập Thậm chí, một bệnh nhân cũng bất chấp luật cấm và cả sức khỏe của mình tranh thủ ra hành lang hút thuốc, tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) - Ảnh: Độc Lập Tại Bệnh viện Nhân dân 115, nuôi người nhà nằm viện, nhiều thân nhân của bệnh nhân tranh thủ ra hành lang hút thuốc ngay kế phòng bệnh - Ảnh: Độc Lập Giữa trưa, tranh thủ hút thuốc ngay trước cửa phòng bệnh, tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Độc Lập |
Mỗi năm, người VN mất 22.000 tỉ đồng để mua thuốc lá. VN là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh gây tử vong hàng đầu. Nạn dịch thuốc lá toàn cầu giết chết gần 6 triệu người mỗi năm, trong đó có 10% (hơn 600.000 người hút thuốc lá thụ động).
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày Việt Nam có trên 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, nhiều gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.
Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2030, có gần 10% dân số Việt Nam sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
Các nhà khoa học tính toán và cho biết rằng tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm.
Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phế quản), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch. (Số liệu của Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khoẻ TP.HCM)
|
Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định:
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không bố trí treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; để xảy ra hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá do mình quản lý, điều hành...
|
Nguyên Mi