Thất Lĩnh (Danlambao) - Tôi sinh ra tại Việt Nam sau năm 1975, và chưa từng một lần đặt chân đến Hoa Kỳ hay Châu Âu. Vì vậy, hầu như không am hiểu về những diễn biến của đời sống đồng bào Việt kiều hải ngoại. Một lần tình cờ, thông qua một người bạn, tôi vô tình biết được Phobolsatv. Lần đó, kênh truyền hình này thực hiện phóng sự về chuyến viếng thăm nhà cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết của nhóm nhà báo Việt kiều Mỹ. Cái cách truyền thông của kênh truyền hình này làm tôi rất ngạc nhiên, vì một đài hải ngoại mà tâng bốc đảng cộng sản tha thiết hơn cả truyền hình nhà nước. Gần đây nhất, tôi xem Phobolsatv phỏng vấn nghị viên thành phố Houston Hoàng Duy Hùng sau chuyến viếng thăm Việt Nam. Tôi nhận ra Phobolsatv và Hoàng Duy Hùng chính là tuyên truyền viên hải ngoại của đảng cộng sản Việt Nam.
Buổi phỏng vấn nghị viên Hoàng Duy Hùng khá dài nhưng trọng tâm xoáy vào vấn đề dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Hoàng Duy Hùng cho rằng Việt Nam không nên đa đảng vì đa nguyên đa đảng như kiểu Campuchia và các nước Châu Phi không thực sự mang đến dân chủ. Ông đưa ra giải pháp đối thoại với đảng cộng sản để nâng cao ý thức dân chủ trong toàn dân.
Đầu tiên, tôi muốn hỏi ông Hoàng Duy Hùng là trên thế giới này có hàng trăm quốc gia đa đảng đang có nền dân chủ rất trưởng thành, tại sao ông lại lấy ví dụ ở những thiểu số quốc gia đa đảng đang thiếu dân chủ như Campuchia? Việt Nam vì một đảng độc tài mà tình trạng nhân quyền mới tệ hại như hiện tại, cho nên việc đa đảng có thế nào tình hình dân chủ chắc chắn tốt hơn bây giờ. Ở những quốc gia đa đảng, các ông bà dân biểu sẵn sàng và thẳng thắn công kích sai lầm của đảng khác. Nhờ vậy, mà đảng cầm quyền luôn cẩn trọng và dè chừng trong mọi hành động vì nếu làm sai sẽ bị soi và ném đá tơi bời. Xấu nhất là tiêu tan sự nghiệp làm chính trị. Ông Hùng không ủng hộ đa đảng tại Việt Nam nghĩa là chủ xướng vẫn giữ một đảng lãnh đạo là đảng cộng sản. Vậy thì ông Hùng và người dân yêu dân chủ trong và ngoài nước lấy tư cách gì để đối thoại với họ. Việc không có một đảng đối lập có tư cách pháp lý thì những đối thoại của ông Hùng liệu có tác dụng?
Ông Hùng cho rằng những người đang đấu tranh dân chủ tại hải ngoại vì ý thức hệ quốc gia và cộng sản mà đấu tranh chứ không đấu tranh như mong muốn của người yêu dân chủ trong nước. Trong phỏng vấn ông Hùng khẳng định ông không gặp bất cứ một người bất đồng chính kiến nào trong nước, thế thì cơ sở nào để ông Hùng kết luận cuộc đấu tranh của đồng bào hải ngoại không đáp ứng nguyện vọng của người dân trong nước. Thực tế những chiến sĩ đấu tranh vì dân chủ trong nước có sự phối hợp và hỗ trợ rất tốt từ đồng bào hải ngoại. Ví dụ tiêu biểu như đài truyền hình SBTN đã thực hiện chiến dịch kêu gọi quốc tế can thiệp vào sự bắt bớ vi phạm nhân quyền của Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Việt Khang. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, bác sĩ Võ Văn Ái đã điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ và sắp tới trước hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc về vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của chính quyền cộng sản Việt Nam.
Thực tế, cách nghĩ đấu tranh dân chủ vì ý thức hệ quốc cộng là một ý kiến chủ quan của ông Hùng. Đất nước Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản chà đạp nhân quyền khiến người dân rên xiết. Mọi người từ hải ngoại đến quốc nội đang đấu tranh để giành lấy dân chủ chứ không phải vì điều gì khác. Những người trẻ trong nước và hải ngoại sinh ra sau 1975 đang dấn thân vào con đường giành lấy quyền con người chắc chắn không căm tức vì cảm giác thất bại. Họ chỉ muốn một tương lai tốt đẹp hơn. Trong số đó, những người đã từng phục vụ cho cộng sản như ông Hoàng Minh Chính, chị Tạ Phong Tần hay gia đình cách mạng như Nguyễn Tiến Trung còn cảm thấy bất bình trước bản chất lừa dối của đảng cộng sản mà bất chấp nguy hiểm đấu tranh vì lẽ phải.
Cuối cùng, ông Hùng khen ông cựu chủ tịch Nguyễn Minh Triết là người giản dị và mộc mạc. Ông nói căn nhà của ông Nguyễn Minh Triết đang ở tầm 200 m2, có nhà nuôi yến, có ao nuôi cá, và vườn cây ăn trái. Đối với người Việt Nam căn nhà 200 m2 là một vila. Giá trị của nó chắc cũng hơn chục tỷ. Nhà nuôi yến ít nhất có giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ. Thiết nghĩ một quan chức dù là cao cấp nếu sống đúng với đồng lương thì đủ tiền để tậu một cơ nghiệp mơ ước của bao con người không. Xin nhớ rằng công nhân Việt Nam đang sống trong những căn phòng trọ ọp ẹp với với đồng lương chết đói.
Đúng ra tôi không viết bài viết này. Bởi vì, đối tượng mà ông Hoàng Duy Hùng và Phobolsatv nhắm đến là người Việt hải ngoại đấu tranh vì dân chủ. Tuy nhiên, vấn đề mà kênh truyền hình này đề cập và phát biểu của ông Hoàng Duy Hùng ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình dân chủ của đất nước. Trong một thế giới phẳng như hiện nay hầu như truyền thông không còn ranh giới quốc gia và lãnh thổ, vì vậy, tôi tin có nhiều người trong nước đã nghe những gì ông nói nên tôi muốn phản biện.
Các chiến sĩ đấu tranh vì dân chủ trong và ngoài nước cũng đang chọn con đường bất bạo động. Công cụ đấu tranh của họ báo lề Dân và mạng xã hội chứ không phải vũ khí. Nhưng mục đích mà họ muốn vươn tới là sự đa nguyên đa đảng cho Việt Nam. Bởi vì, đó là cách tốt nhất đem lại công bằng bác ái cho xã hội. Nếu chúng ta chỉ đối thoại suông và vẫn để cộng sản một mình một sân ung dung cai quản đất nước, chúng ta đừng mơ giấc mơ dân chủ. Nhóm lợi ích lãnh đạo vẫn làm giàu trên xương máu người dân qua tham nhũng, oan sai vẫn sẽ bao trùm lên mọi ngõ ngách cuộc sống.
Người dân Việt Nam đang hiểu quá rõ sự mất dân chủ của đảng cộng sản và đang đấu tranh chống lại nó. Vì vậy, người Việt Nam đủ trưởng thành để đối phó với tình trạng đa đảng nhưng thiếu dân chủ. Vì vậy, luận điệu tuyên truyền theo ý đảng cộng sản của ông Hoàng Duy Hùng là một luận điệu phản động ngăn cản tiến trình dân chủ của đất nước.