THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 April 2013

'Muốn đổi tên nước phải nhận diện toàn cục' ??



"Để có một Quốc hiệu mới phải nhận diện lại toàn bộ vấn đề của đất nước chứ không đơn giản là hôm nay đặt tên này, mai đặt tên khác. Tuy nhiên, nếu nhân dân đặt vấn đề về tên nước thì phải nghiêm túc xem xét lại".
>'Đổi lại tên nước là trở về đúng bản chất chế độ'

GS.TSKH Phan Xuân Sơn, nguyên Phó viện trưởng Viện Chính trị học, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương trao đổi với VnExpress xung quanh vấn đề có nên đặt lại tên nước.
- Ông nghĩ gì về việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra hai phương án về tên nước?
- Tôi cảm thấy khá đột ngột khi nội dung này được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề cập tới. Điều đó có nghĩa việc đổi tên nước đã được nhiều người dân quan tâm. Tôi tham gia nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về tổng kết Hiến pháp 1992, góp nhiều ý kiến về bản Dự thảo Hiến pháp mới. Nhưng trong các cuộc góp ý, đây là vấn đề chưa được đặt ra như là một nội dung chính của sửa đổi Hiến pháp lần này. Chúng ta cũng thấy vấn đề này ít được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Tôi cảm nhận rằng, lúc này ta chưa chuẩn bị đầy đủ lập luận, cơ sở dữ liệu, đặc biệt là về tâm lý, thông tin, các văn bản liên quan đến tên nước. Vì vậy, vẫn nên sử dụng tên nước hiện tại: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tên nước là vấn đề thiêng liêng, liên quan đến mọi người dân. Phải làm sao để mọi người đều có cơ hội suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn, nói lên tiếng nói của mình. Vì vậy, nếu đặt vấn đề đổi tên nước, phải có tổ chức thảo luận chu đáo, bàn bạc kỹ, đồng thời phải chuẩn bị tốt công tác tư tưởng, thông tin, tránh đảo lộn tâm lý.
Giáo sư Phan Xuân Sơn:
Giáo sư Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh): "Vấn đề đặt ra không phải là sử dụng tính từ xã hội chủ nghĩa trong tên nước nữa hay không mà chính là việc giải quyết, tìm ra một mô hình CNXH của Việt Nam thực sự tốt đẹp như kỳ vọng ban đầu". Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Ông nghĩ sao trước ý kiến tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không còn phù hợp với thực tế ?
- Tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định bởi Quốc hội khóa VI (Quốc hội Việt Nam thống nhất) ngày 2/7/1976. Trong tên này có hai thành tố quan trọng: Thứ nhất là Việt Nam, ta tạm goi là “tên nước lịch sử”, chỉ quốc gia của người Việt phương Nam (so với Trung Quốc); thứ hai Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, là hình thức chính thể.
Tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau đó được đưa vào Hiến pháp 1980, nhưng chưa được trưng cầu dân ý. Cũng chính vì chưa trưng cầu dân ý nên bây giờ có bàn tán này nọ. Quan điểm của tôi là phải trưng cầu dân ý về Hiến pháp. Việc này phải làm trung thực, vì vận mệnh đất nước là do nhân dân quyết định. Như thế thì Hiến pháp mới bền vững, có sức sống lâu dài.
Cho đến cuối thế kỷ 20 có khoảng 100 nước hoặc tuyên bố phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, hoặc tự nhận là đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, hoặc gắn tính từ xã hội chủ nghĩa vào tên nước lịch sử. Chúng ta biết rằng xu hướng đó gắn liền với sự lớn mạnh cũng như những thành tựu phát triển của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ, mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô, Đông Âu không còn hấp dẫn nữa. Đây không phải lỗi ở định hướng XHCN và khái niệm CNXH mà lỗi ở sự vận dụng và xây dựng một mô hình cực đoan về CNXH, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Điều này khiến không ít người muốn chối bỏ danh từ CNXH, thậm chí sợ hãi, nghi ngờ nó. Hiện nay, trên thế giới chỉ còn Sri Lanka và Việt Nam là còn tính từ xã hội chủ nghĩa trong tên nước.
Cũng cần khẳng định rằng, tính từ xã hội chủ nghĩa trong tên nước không cản trở sự phát triển của một đất nước. Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước được công nhận trên trường quốc tế. Thế giới công nhận chính thể này, vai trò và bản sắc dân tộc này, trách nhiệm của dân tộc này với cộng đồng quốc tế. Sự hội nhập thành công của Việt Nam dù chưa đạt được hoàn toàn như mong muốn, nhưng đã chứng tỏ được khả năng hòa đồng với thế giới. Tên nước hiện tại vì thế không cản trở, không mâu thuẫn với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vấn đề đặt ra có chăng là vấn đề xây dựng CNXH thì phải giàu mạnh hơn, phải dân chủ hơn, công bằng hơn các mô hình xã hội khác. Theo tinh thần đó, Đảng phải lãnh đạo như thế nào, Nhà nước quản lý như thế nào và nhân dân làm chủ như thế nào. Các nước Bắc Âu dù không công khai phô trương nhưng cũng đang xây dựng một mô hình CNXH của họ. Họ không coi tên nước “Vương quốc” của họ đe dọa đến sự phát triển, văn minh. Vậy, vấn đề cốt lõi là chúng ta ứng xử với bản thân và cộng đồng quốc tế như thế nào. Chúng ta đặt ra mục tiêu và phát triển đất nước ra sao.
"Khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ, mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô, Đông Âu không còn hấp dẫn nữa. Đây không phải lỗi ở định hướng XHCN và khái niệm CNXH mà lỗi ở sự vận dụng và xây dựng một mô hình cực đoan về CNXH, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Điều này khiến không ít người muốn chối bỏ danh từ CNXH, thậm chí sợ hãi, nghi ngờ nó".
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể, đã bị biến tướng thành chủ nghĩa xã hội quan liêu. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa có từ rất sớm trong lịch sử nhân loại và nó vẫn đồng hành cùng nhân loại trong quá trình tìm kiếm một mô hình nhà nước có thể đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân các nước và cộng đồng nhân loại về một xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, bình đẳng, bác ái, văn minh. Như vậy, vấn đề đặt ra không phải là sử dụng tính từ XHCN trong tên nước nữa hay không, mà chính là việc giải quyết, tìm ra một mô hình CNXH của Việt Nam thực sự tốt đẹp như sự kỳ vọng ban đầu.
- Việc thay đổi cụm từ “xã hội chủ nghĩa” có thể làm cho nhiều người suy nghĩ rằng Việt Nam đã thay đổi mục tiêu, đường lối phát triển. Là người nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực chính trị, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Nhiều người cho rằng tên Cộng hòa XHCN Việt Nam quá khác với thế giới và muốn đặt tên khác. Theo tôi vấn đề đó cũng đáng để suy nghĩ. Chúng ta có quá “khác” với thế giới hay không? Trên kia chúng ta đã nói về sự chấp nhận của cộng đồng quốc tế, của khả năng hội nhập. Nhưng để có một tên nước mới thì cần được bàn bạc một cách nghiêm túc, công phu, có thời gian. Phải nhận diện lại toàn bộ các vấn đề của đất nước chứ không đơn giản là hôm nay đặt tên này, mai đặt tên khác. Tuy nhiên, nếu nhân dân muốn xem xét lại tên nước thì phải nghiêm túc xem lại. Tất cả đều phải phục tùng ý chí của nhân dân.
- Thời gian lấy ý kiến rộng rãi cho bản dự thảo Hiến pháp còn kéo dài tới hết tháng 9. Với vấn đề trọng đại này thì cần làm những gì?
- Trước hết về chủ trương, cần phải đưa vấn đề này ra thảo luận ngay bây giờ. Phân tích vấn đề đổi tên nước cũng không kém gì so với phân tích những vấn đề lớn khác của Hiến pháp từng được thảo luận. Truyền thông phải vào cuộc, các địa phương tổ chức lấy ý kiến, để người dân nói lên suy nghĩ, lựa chọn.
Vấn đề này chỉ nhạy cảm ở yếu tố tâm lý chứ không liên quan đến định hướng phát triển đất nước, đến vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân. Về lý luận lẫn thực tế, để xác định được đầy đủ nội dung trong mục tiêu xây dựng CNXH và một mô hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là việc rất khó, nhưng rất cần thiết.
Kết quả thăm dò ý kiến bạn đọc VnExpress trong 2 ngày (16-17/4).
- Hiện có nhiều ý kiến muốn lấy lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Theo ý kiến GS thì thế nào?
- Tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” rất hay, rất Việt Nam, thể hiện sự tiến bộ của đất nước là đã lật đổ chế độ nhà nước phong kiến chuyên chế. Tuy nhiên nó từng tồn tại trong thời kỳ trên dải đất hình chữ “S”, dù tính chính danh rất khác nhau, nhưng có tới 4 tên “nước”: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại vùng tạm chiếm), Việt Nam cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam (vùng giải phóng ở miền Nam). Trên bản đồ chính trị thế giới lúc bấy giờ, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là miền Bắc Việt Nam. Lấy lại tên đó, không tránh khỏi sự hình dung, sự liên tưởng về miền Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam.
Theo tôi, về thực chất, bây giờ xã hội ta đã vượt qua thời kỳ đó. Mặc dù có nhiều chiến công hào hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại gắn liền với thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp với nhiều khuyết điểm nóng vội, duy ý chí. Bản thân tôi không muốn quay trở lại tên này, mặc dù thời kỳ “Việt nam dân chủ cộng hòa” gắn liền với nhiều kỷ niệm đẹp đẽ của thế hệ chúng tôi.
Nếu buộc phải đổi tên nước, theo tôi nên lấy tên là “Cộng hòa dân chủ Việt Nam”.
Nguyễn Hưng thực hiện