Mặt trước và sau của hòn đá đặt tại đền Thượng (đền Hùng, Phú Thọ) có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu. Nhiều người đồn thổi, đây là một dạng bùa yểm không tốt.
Gần đây, dân mạng xôn xao về một hòn đá cao khoảng 50
cm, bề rộng nhất 35 cm, hình cánh buồm đặt trên bệ được gia cố khá đẹp,
đặt trong đền Thượng. Mặt trước và sau của hòn đá có ký tự cổ, dấu ấn
vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu. Nhiều người đồn thổi rằng, hòn đá lạ
này là một dạng bùa yểm không tốt.
Hòn đá lạ ở đền Hùng thu hút sự chú ý của người dân. Ảnh: Tiền Phong. |
Sáng 10/4 (tức 1/3 âm lịch) người đi lễ Đền đầu tháng
đang vây quanh hòn đá lạ. Người xì xào bàn tán, người chụp ảnh, chạm sờ,
người lại thận trọng đứng cách vài mét quan sát hòn đá khá lâu.
Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích
lịch sử Đền Hùng nói, hòn đá này do một người tên Khảm ở Hà Nội cung
tiến năm 2009, khi di tích tôn tạo, tu sửa. Do đồng ý cho người cung
tiến đặt hòn đá lạ này mà ông Nguyễn Văn Khôi (người tiền nhiệm của ông
Các) đã phải làm giải trình lên UBND tỉnh Phú Thọ.
Theo ông Các, hiện chưa thể nhận định viên đá này tốt,
hay xấu. Lãnh đạo tỉnh đồng ý sẽ lập hội đồng khoa học để "nghiên cứu"
và đưa ra kết luận khoa học cũng như hướng đề xuất xử lý hòn đá lạ sau
lễ hội năm nay.
Theo Tiền Phong
"Hình thức bên ngoài cho thấy hòn đá là đạo bùa cát,
cầu giải tai ương, thỉnh cầu phúc đức. Tuy nhiên, các chi tiết mà chúng
ta chưa biết có thể phản lại ý nghĩa trên", TS Nguyễn Xuân Diện, Viện
nghiên cứu Hán nôm trao đổi về hòn đá lạ ở đền Hùng.
>Hòn đá lạ ở đền Hùng
- Ông đánh giá như thế nào khi thấy hòn đá có nhiều văn tự lạ ở đền Hùng?
- Sau Tết, một người thân của tôi đi đền Hùng thấy hòn
đá này và chụp những tấm ảnh đưa cho tôi. Cảm giác ban đầu là vô cùng
bất ngờ, sững sờ khi thấy các chi tiết của hòn đá.
Tục thờ đá là tín ngưỡng nguyên thủy không chỉ ở Việt
Nam mà phổ biến trên khắp thế giới. Chúng ta từng thấy có những tảng đá
thiêng được đặt ở một số đền chùa như chùa Thầy, khu vực Yên Tử hoặc nơi
này nơi kia và bao giờ cũng gắn với sự tích, truyền thuyết, huyền thoại
nào đó được người dân truyền tụng.
Nhưng trong những sự tích, huyền thoại về đền Hùng và
khu vực lân cận, tôi chưa từng bao giờ nghe hoặc đọc thấy về một hòn đá
như thế, mặc dù khu vực đền Hùng có tín ngưỡng thờ sơn thần.
Như báo chí thông tin thì viên đá này ở đền Hùng không
phải có từ trước, mà được một người dân cung tiến, đưa về và đặt tại
đền Thượng từ năm 2009.
Mặt trước viên đá. |
- Những văn tự lạ trên hòn đá có ý nghĩa gì?
- Hòn đá có hai mặt, mặt trước phía trên có dấu ấn
hình vuông "Tổ Vương Tứ Phúc" chữ nghĩa cũng giống như hình dấu trên tờ
ghi công đức tu bổ đền Hùng; bên trái là dòng chữ Phạn - là câu thần chú
của Phật giáo Mật tông, dòng chữ Hán là “Bách giải tiêu tai phù” nói
lên rằng đây là một đạo bùa giải hết mọi tai ách. Còn chữ lớn ở giữa tôi
chưa giải thích được. Mặt sau là các hình tinh tú, bên dưới là vòng
tròn nhỏ giống bát trận đồ của Khổng Minh thời Tam Quốc. Chân của hòn đá
là hình bát quái, quẻ càn.
Như vậy, hòn đá là đạo bùa có sự pha trộn giữa Phật
giáo Mật tông, Đạo giáo, phù thủy, trận đồ bát quái của Khổng Minh, cho
thấy là một đạo bùa tổng hợp.
Quan sát hình thức bên ngoài một số nhà nghiên cứu cho
rằng nó là đạo bùa cát (lành), mong cầu giải tai ương, nhằm thỉnh cầu
phúc đức cho một cá nhân, tập thể nào đó, chứ không phải là bùa độc,
hoặc bùa trấn yểm, triệt hạ long mạch, linh khí. Tuy nhiên, các chi tiết
khác của hòn đá mà chúng ta chưa biết có thể làm phản lại ý nghĩa trên
nếu xem xét lại vị trí đặt hòn đá. Nếu đặt không đúng chỗ thì nó cũng là
một cách trấn yểm để triệt hạ linh khí.
- Theo ông, việc đặt viên đá tại đền Hùng có phù hợp?
- Theo tôi, trên viên đã có những hình thù, văn tự xa
lạ với tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt, có thể tiềm ẩn những phù
thuật sâu xa.
Tín ngưỡng thờ vua Hùng là tín ngưỡng quốc gia nên bất
kể vật nào đó được cung tiến vào đều phải tuân thủ tín ngưỡng thuần
Việt. Đây là nơi thờ quốc tổ nên từng tự khí (đồ thờ) dâng lên đều phải
thể hiện ý chí của con Lạc cháu Hồng và bày tỏ ngưỡng vọng của tổ tiên,
chứ không phải là nơi để bày đặt các đồ thờ chỉ đề cầu lợi ích phúc lộc
cho cá nhân, tổ chức hoặc dòng họ.
Mặt sau viên đá. |
- Tại nhiều nơi thờ tự hiện có rất nhiều hiện vật của cá nhân, tổ chức cung tiến. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Ngày xưa, tất cả nơi cúng tế, những ai cung tiến vật
gì, từ hoành phi đối liễn, mâm bồng, cờ quạt, kiệu, tàn tán… đều phải
được hội đồng chức sắc địa phương sở tại duyệt chứ không phải ai muốn
đem đến cái gì cũng có thể treo hay đặt tùy tiện. Đơn giản như một cuộc
tế lễ, khi bắt đầu vào tế, bao giờ cũng có người xướng tế "Củ soát tế
vật", có nghĩa là kiểm soát các đồ lễ dâng lên, có phải đồ tinh khiết,
sạch sẽ và thành tâm thì mới được dâng lên thượng điện.
Theo tôi, không phải cái gì tổ chức, cá nhân dâng lên
đều có thể chấp nhận đưa vào đền chùa được. Nếu không sẽ xảy ra thảm họa
về tâm linh, như một gia đình cung tiến chùa ở Trà Vinh đáng lẽ chỗ đặt
tượng Phật thì lại đặt ảnh gia đình. Những hiện vật cung tiến như đôi
sư tử đá, cánh cổng theo kiểu Tử Cấm Thành, hay những chiếc đèn, tượng
Phật của Trung Quốc, rất xa lạ với Việt Nam thấy nhan nhản ở các chùa
đền khắp nơi.
- Theo ông, hướng xử lý với hòn đá lạ ở đền Hùng nên như thế nào?
- Có ý kiến cho rằng phải tổ chức hội thảo để nghiên
cứu thảo luận về hòn đá lạ ấy. Đâu cần phải vậy! Chúng ta không nên và
không cần tổ chức hội thảo nghiên cứu cho một vật thể lạ bỗng dưng lạc
vào đền Hùng như thế. Bởi các hiện vật như thế này rõ ràng không được
phép đưa vào đền Hùng. Hòn đá do cá nhân cung tiến, tốt nhất là gọi chủ
nhân của nó đến yêu cầu di dời ngay lập tức ra khỏi khu vực đền Hùng để
tránh những tác dụng xấu tới khu di tích linh thiêng này.
Đền Hùng là quần thể kiến trúc giản đơn, thuần Việt,
không cần thêm bớt gì mà vẫn trang trọng, không cần có hòn đá thì người
dân vẫn đến thắp hương. Bản thân mỗi cây cổ thụ, nét mái cong cổ kính và
màu xanh rì của tán cây trên khắp các khu đồi đều là cảnh quan đẹp,
thấp thoáng dáng hình của tiền nhân thuở trước. Đến đây, người dân có
thể gửi gắm tâm linh, suy tưởng về công đức của vua Hùng đâu cần phải
thêm vật gì nữa.
Trao đổi với VnExpress ngày 15/4, ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức lễ hội đền Hùng, cho biết sau lễ hội, tỉnh Phú Thọ sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia đánh giá về việc đặt hòn đá tại khu du tích. Đề cập việc tạm đưa hòn đá vào kho, ông San cho biết, hiện tỉnh chưa quyết định việc này và sẽ xin ý kiến của Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. |
Đoàn Loan