Thứ Tư, 10/04/2013 21:36
Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ban hành Chỉ thị 02/CT-BTP về việc nghiêm cấm cán bộ, công chức - viên chức (CBCC-VC) trong ngành uống rượu, bia trong ngày làm việc.
Chỉ thị này ra đời trong bối cảnh dù đã tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng “một bộ phận CBCC-VC trong ngành tư pháp chưa nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ; có trường hợp uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác; tác phong và uy tín của CBCC-VC ngành tư pháp”.
Chỉ thị nêu rõ: “Nghiêm cấm CBCC-VC trong ngành uống rượu, bia hoặc các loại đồ uống khác có nồng độ cồn tương đương (gọi chung là rượu, bia) ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách”. Đối với thủ trưởng các đơn vị thì ngoài thực hiện nghĩa vụ “không uống rượu bia” của mình, còn có trách nhiệm chỉ đạo các nhà ăn, căng tin trực thuộc không phục vụ hoặc bán rượu, bia cho các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tiếp khách... có thành phần tham dự là CBCC-VC vào buổi sáng, buổi trưa các ngày làm việc.
Nhiều người cho rằng với chỉ thị này, CBCC-VC ngành tư pháp phải vĩnh biệt bia rượu kể từ đây!
Không “vĩnh biệt” sao được khi chỉ thị còn đề nghị bổ sung quy định này vào quy chế làm việc của đơn vị, tổ chức cho CBCC-VC ký cam kết và đặc biệt, sắp tới sẽ bổ sung tiêu chí bình xét thi đua đối với tập thể, cá nhân và đánh giá xếp loại CBCC-VC liên quan đến quy định không uống rượu, bia trong ngày làm việc theo chỉ thị này.
Nhiều người dân rất mừng khi chỉ thị này ra đời và mong muốn các ngành khác cũng mạnh dạn đưa ra những chỉ thị như ngành tư pháp để nền hành chính nước nhà thật sự phục vụ nhân dân.
Tuy vậy, cũng có không ít ý kiến băn khoăn. Một cán bộ hưu trí nguyên là cán bộ Sở Tư pháp TPHCM phân tích: Quy định CBCC-VC không được uống rượu bia “ngay trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc” có vẻ như chưa chặt chẽ lắm bởi khoảng thời gian ấy không nằm trong “8 giờ vàng ngọc” của công vụ thì làm sao cấm? “Theo tôi, uống lúc nào không quan trọng, quan trọng là khi làm việc phải bảo đảm 100% trong máu không có cồn, ai vi phạm sẽ bị xử lý!”- vị cán bộ đề xuất.
Đinh Lăng