Hiện nay, BVH (Bảo Việt), GAS (PVGas), MSN (Masan) và VNM (Vinamilk) là những CP tác động mạnh nhất đến cục diện của VN Index. “bộ tứ” blue chip này là tác nhân chính gây ra hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng” hay “bóp méo VN Index” trong một số phiên giao dịch. Đâu là quyền lực đứng sau “bộ tứ”? Bạo tay mới dám mua
Nhiều người cho rằng, 4 CP nêu trên là “hàng hiệu” dành cho đại gia, tức các quỹ đầu tư hoặc CTCK lớn, chứ không phổ biến với các NĐT cá nhân. Điều này có thể bắt nguồn từ thị giá cao, MSN hay VNM đều có giá trên 10.0 nên phải có tiền khủng mới có thể mua hoặc nắm giữ, hoặc suy nghĩ không thích chơi “blue” do CP vốn hóa lớn nên chạy chậmHiện nay, các quan điểm nêu trên vẫn có những mặt hợp lý, nhưng cũng cần lưu ý những sự thay đổi mang tính bước ngoặt.
Đơn cử như trường hợp của BVH, theo một nhân viên môi giới kỳ cựu, CP này hiện không còn là blue chip “hàng hiệu” nữa mà đã trở thành “hàng nóng” hoặc “hàng chợ”. Tham gia lướt BVH giờ đây không chỉ có các ETF như 2-3 năm trước mà còn rất nhiều NĐT cá nhân.
Có những thời điểm các giao dịch tại BVH mang nặng tính đầu cơ chứ không phải đầu tư giá trị hay dài hạn. Khoảng 1 năm gần đây, BVH mới bắt đầu có những động thái cởi mở hơn trong việc công bố thông tin ra thị trường như củng cố chất lượng báo cáo thường niên, gặp gỡ báo giới, các tổ chức tài chính… Nhưng vẫn cần có nhiều thời gian hơn nữa để thị trường “ngấm” được những thông tin về BVH.Sẽ có người mua vào BVH không cần biết hoạt động như thế nào, lãi ở mảng nào, minh bạch ra sao, mà chỉ cần nhận thấy CP này vẫn có khả năng tăng giá mạnh. Chuyện đúng/sai, an toàn/rủi ro ở đây không bàn đến vì nó thuộc về quan điểm cá nhân.
Có tin đồn rằng, một nhóm NĐT cá nhân tại CTCK có thị phần lớn trong thời gian qua đã “thắng đậm” khi BVH tăng từ 3.0 (tháng 12-2012) lên 6.0 (tháng 2-2013). Cán cân NĐT nội/ngoại tại BVH giờ đây là cân bằng, thậm chí có nhiều phiên giao dịch của NĐT trong nước còn lấn át cả khối ngoại. Ngày 4-4, GAS khớp hơn 1,3 triệu CP, giảm 2.500 đồng/CP còn 52.500 đồng/CP.
Trong phiên này NĐTNN mua vào gần 105.000 CP và bán ra 285.000 CP, tổng lượng mua và bán xấp xỉ 400.000 CP, chiếm khoảng 30% tổng KLGD. Ở đây có thể nhận định rằng, do khối ngoại chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch, nên khi “xả hàng” là GAS giảm giá.
Nhưng ở góc độ khác, cũng có thể nói khối ngoại “xả” như vậy mà NĐT trong nước vẫn mua vào cả triệu CP cho thấy sự chủ động nhất định. Thanh khoản của GAS hiện đang đạt mức cao và với biến động như vậy khả năng sẽ thu hút NĐT cá nhân là khả thi.
Ai đứng đằng sau?
Có thể nói, NĐT cá nhân ngày càng chịu chơi và chịu chi hơn với các blue chip “hạng nhất” của thị trường. Nhưng một vấn đề cũng cần mổ xẻ thêm ở đây là tính chủ động của “người chơi” bởi nó là yếu tố quan trọng để tạo nên ảnh hưởng. Hiện nay, có những NĐT sẵn sàng bỏ ra từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng để mua VNM và nắm giữ để hưởng cổ tức và chênh lệch giá, xem đó như khoản tiền gửi tiết kiệm.
Ý định này đã thành công trong những năm gần đây bởi giá của VNM vẫn đang tăng theo sự phát triển của công ty. Đây là thí dụ cho thấy sự chủ động của NĐT trong chiến lược giao dịch. Nhưng VNM vốn không phải là CP có biến động mạnh hay mang tính đầu cơ để có thể thường xuyên tác động trực tiếp đến diễn biến của VN Index.
MSN mặc dù vốn hóa lớn, nhưng thanh khoản lại khá thấp, một số phiên gần đây khối lượng khớp lệnh chỉ trên dưới 50.000 CP mỗi phiên và cũng không thường xuyên nổi sóng. Cả MSN lẫn VNM vẫn sẽ có vai trò ở một thời điểm nhất định nào đó nên dòng tiền của NĐT cá nhân cũng sẽ lựa thời điểm để tham gia.
Như vậy, trận địa chính hiện giờ nằm ở BVH và GAS. Nếu thống kê chi tiết tại một số thời điểm sẽ thấy được không phải lúc nào khối ngoại nói chung hay ETF nói riêng “đánh” BVH cũng có lãi, thua lỗ là chuyện bình thường. Vấn đề ở đây là một số quỹ vẫn sẵn sàng chấp nhận lỗ, nếu CP giảm quá thì xả hàng cắt lỗ, hoặc lỗ đợt này sẽ kiếm đợt khác bù đắp lại.
Vốn lớn là một trong những nguyên nhân tạo nên sự chủ động này. Nhưng với NĐT cá nhân lại là câu chuyện khác. Một CP tầm trung hoặc nhỏ, việc một nhóm các NĐT bỏ ra chục tỷ đồng để đánh lên đánh xuống không phải là chuyện hiếm. Nhưng cũng số tiền đó, bảo các NĐT cá nhân “ăn thua đủ” với BVH và GAS, chưa nói đến chuyện “đấu” với khối ngoại, thì phải xem lại.
Giả sử một đại gia bỏ khoảng 6 tỷ đồng để mua 100.000 CP GAS với giá hiện nay (gần 6.0), thì chỉ cần 2 phiên “nằm sàn” (giảm 7% mỗi phiên) cũng “bay hơi” ngót nghét 1 tỷ đồng, trường hợp sử dụng margin thì còn nặng hơn. Liệu rằng các NĐT cá nhân có đủ bình tĩnh và tự tin đợi khi CP giảm về đáy, gom hàng lại rồi đánh lên không?
Sự chủ động của NĐT là có, nhưng chỉ phát huy tối đa tại những thời điểm TTCK thuận lợi. Tức là tin vĩ mô tốt, kỳ vọng lên cao, tất nhiên thị trường cũng sẽ diễn biến tích cực nên có cơ sở để tự tin. Nhưng với những thời điểm thị trường diễn biến theo kiểu “hên xui” hay “5 ăn 5 thua”, việc NĐT không trường vốn lại cố giữ giá CP hay kìm hãm đà giảm chẳng khác nào tự sát.
Sự chủ động lại thuộc về bên nhiều tiền hơn. Vai trò của NĐT trong nước, đặc biệt là NĐT cá nhân với những CP có vốn hóa lớn nhất đang ngày một rõ nét, qua đó cũng gia tăng ảnh hưởng với diễn biến của VN Index. Nhưng để giành được sự chủ động thực sự với các quỹ ngoại nhiều tiền vẫn cần có thêm một khoảng thời gian.
Theo Thái Ca – Sài Gòn đầu tư tài chính