Diễn đàn Đông Á (East Asia Forum) mới đây có giới thiệu bài viết của học giả Lê Hồng Hiệp mang tựa đề “The rise of Chinese contractors in Vietnam” (Sự trỗi dậy của các nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam). Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị.
Các nhà thầu TQ thích sử dụng lao động Trung Quốc với lý do rào cản ngôn ngữ
Đến cuối năm 2009 các công ty kỹ thuật của Trung Quốc đã tham gia vào các dự án trị giá 15,4 tỷ USD tại Việt Nam, đưa thị trường Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Đôi khi các nhà thầu Trung Quốc thậm chí còn chiếm tới 90% các hợp đồng Kỹ thuật, Thuê mua, Xây dựng, gọi tắt là EPC (Engineering / Procurement /Construction) cho các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam.
Hai yếu tố chính dẫn tới mức gia tăng đáng kể các nhà thầu kỹ thuật của Trung Quốc tại Việt Nam, đó là: các điều kiện đi kèm với các khoản vay ưu đãi và các khoản tín dụng xuất khẩu ưu đãi của bên mua mà Trung Quốc dành cho Việt Nam, và các chiến lược kinh doanh ‘linh hoạt’ của các nhà thầu Trung Quốc.
Trong khi các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho Việt Nam đã bị hạn chế từ năm 1991, thì các khoản cho vay ưu đãi lại lên tới 500 triệu đô la Mỹ tính tới cuối năm 2010.
Các khoản tín dụng xuất khẩu ưu đãi từ bên mua của Trung Quốc dành cho Việt Nam cũng tăng lên, đạt 1 tỷ USD vào cuối năm 2008.
Nhưng để Việt Nam được nhận các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc, cũng như các khoản tín dụng xuất khẩu ưu đãi của người mua, thì họ phải sử dụng các nhà thầu, công nghệ và thiết bị cũng như dịch vụ Trung Quốc cho các dự án có liên quan.
Những điều kiện như vậy chắc chắn đã góp phần dẫn tới sự gia tăng các công ty kỹ thuật Trung Quốc tại Việt Nam.
Kẽ hở trong luật
Nhà thầu TQ tham gia nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam
Trong khi đó, đối với các dự án tài trợ theo những cách khác và mở ra cho cả các nhà thầu quốc tế, thì lại có những kẽ hở trong Luật Đấu thầu của Việt Nam mà theo đó giá thành thấp sẽ được lợi hơn so với các khía cạnh kỹ thuật.
Trong khi các nhà thầu Trung Quốc có thể đưa ra mức giá thấp hơn đáng kể so với các nhà thầu khác nên họ được hưởng một lợi thế khi cạnh tranh.
Vấn đề là sau khi được nhận đồng các công ty Trung Quốc thường cố tìm cách tiết kiệm chi phí bằng cách thuyết phục các chủ dự án thay đổi các điều khoản ban đầu của hợp đồng, hoặc thậm chí không đếm xỉa gì tới chúng.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự thống trị của các công ty Trung Quốc đã sản sinh ra một loạt các vấn đề nghiêm trọng cho Việt Nam.
Trước hết là có nhiều tin tức trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam viết về hoạt động yếu kém của các nhà thầu Trung Quốc.
Vấn đề phổ biến nhất là việc các nhà thầu đã không đảm bảo được chất lượng, không có khả năng làm theo đúng thời hạn hoặc vi phạm các điều khoản và điều kiện của hợp đồng.
Những chi phí phụ trội cho các chủ dự án Việt Nam đã cản trở sự phát triển bền vững cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
Thứ hai là chính điều kiện đòi hỏi các dự án được tài trợ bởi các khoản vay ưu đãi và các khoản tín dụng xuất khẩu của người mua từ Trung Quốc thì phải nhập khẩu công nghệ, thiết bị và dịch vụ từ Trung Quốc nên điều này đã góp phần vào thâm hụt thương mại kéo dài của Việt Nam với Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, ví dụ, tăng từ 9 tỷ USD năm 2007 lên thành 16,4 tỷ USD vào năm 2012.
Và cuối cùng là các nhà thầu Trung Quốc muốn sử dụng lao động Trung Quốc, và nó cũng có nghĩa là người lao động Việt Nam bị thiệt.
Các nhà thầu Trung Quốc giải thích việc chọn công nhân Trung Quốc là vì rào cản ngôn ngữ, thiếu tin tưởng vào lao động Việt Nam, và công nhân Trung Quốc có kỹ năng tiên tiến hơn.
Phụ thuộc lẫn nhau
Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã gây nhiều phản ứng tại Việt Nam
Những vấn đề này có ảnh hưởng quan trọng đối với quan hệ kinh tế và chính trị của Việt Nam với Trung Quốc.
Trước hết là việc Việt Nam phụ thuộc vào các nhà thầu Trung Quốc đã gây ra quan ngại về an ninh quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là an ninh năng lượng.
Tình trạng chậm trễ và chất lượng kém của các nhà máy điện do các nhà thầu Trung Quốc xây dựng đã tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện tại Việt Nam.
Kế đến là sự hiện diện của công nhân Trung Quốc, dù hợp pháp hay bất hợp pháp, đã gây ra tâm lý bất mãn trong dân chúng ở Việt Nam.
Ngoài việc thổi bùng thêm cách nhìn nhận rằng người lao động địa phương bị đặt vào thế bất lợi, thì sự hiện diện của công nhân Trung Quốc còn gây ra các quan ngại về an ninh.
Đã có tin tức về việc công nhân Trung Quốc vi phạm luật, gây rối trật tự xã hội, hoặc thậm chí dính dáng vào các cuộc đối đầu bạo lực với cộng đồng dân cư địa phương.
Sự hiện diện của hàng trăm công nhân Trung Quốc làm việc cho nhà thầu Chalieco tại nhà máy nhôm ở Tây Nguyên đã dẫn tới những phản đối từ các nhân vật cao cấp tại Việt Nam – trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người lập luận rằng một số lượng lớn lao động Trung Quốc ở Tây nguyên sẽ tạo một chỗ đứng cho Trung Quốc trong lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam.
Lập luận của Tướng Giáp là một trong những lý do cơ bản đằng sau những phản đối mạnh mẽ được xã hội dân sự tại Việt Nam lên tiếng nhằm chống lại việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Và thứ ba là chất lượng kém của một loạt các dự án của Trung Quốc họ đã tạo ra nhận thức tiêu cực trong một bộ phận lớn dân chúng ở Việt Nam về các nhà thầu Trung Quốc và khiến nảy sinh phản ứng chính thức từ các tổ chức và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.
Giải pháp
“Việc các nhà thầu Trung Quốc áp đảo tại Việt Nam đã tạo ra tâm lý thù địch trong công chúng nước này và tiếp tục làm sâu sắc thêm mối ngờ vực của người Việt đối với Trung Quốc”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang sửa đổi Luật Đấu thầu để cho phép các chủ dự án loại bỏ các nhà thầu không đủ điều kiện, những người đưa ra mức giá thấp nhưng dường như không có khả năng cung cấp một dịch vụ có chất lượng.
Luật được sửa đổi cũng quy định rằng các nhà thầu đã trúng thầu không được phép sử dụng lao động nước ngoài cho công việc mà công nhân Việt Nam có thể làm được. Luật cũng đặt ra các giới hạn về nhập khẩu hàng hóa và thiết bị nào đã sẵn có tại địa phương.
Những quy định như vậy, một khi được thông qua, sẽ làm yếu đi khả năng cạnh tranh của các nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam.
Kể từ khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được bình thường hóa, có thể thấy tình trạng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa hai nước gia tăng [4], và đây là nền tảng quan trọng cho một mối quan hệ hòa bình và ổn định giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, phải trả giá cho sự phụ thuộc lẫn nhau này. Việc các nhà thầu Trung Quốc áp đảo tại Việt Nam đã tạo ra tâm lý thù địch trong công chúng nước này và tiếp tục làm sâu sắc thêm mối ngờ vực của người Việt đối với Trung Quốc.
Lê Hồng Hiệp là giảng viên tại Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh và làm bằng tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, tại Canberra, Úc.
Theo BBC