TU LÂM | 28/02/2013 08:30 (GMT + 7)
TT - Sau bài báo “Nhà hàng Bắc Kinh kỳ thị người Nhật, Philippines và VN”, bạn đọc Tu Lâm, một trí thức trẻ Trung Quốc có sáu năm sinh sống tại VN đã lên tiếng. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Những câu như “Không phục vụ người Nhật Bản, người Philippines, người VN và chó” không phải là sự sáng tạo của người Trung Quốc, mà đã có từ hơn 100 năm trước. Đó là tấm biển với dòng chữ “Người Hoa và chó không được vào” treo trước cổng một công viên tại Thượng Hải, nơi mà vào lúc đó đã trở thành thuộc địa của nhiều nước phương Tây.
Đó là một lịch sử nhục nhã đối với người Trung Quốc. Và tấm biển đó cũng được các thế hệ nhà giáo Trung Quốc dùng để dạy học trò. Nhưng bây giờ tấm biển đã sỉ nhục mình lại được một số người Trung Quốc dùng để sỉ nhục người khác.
Thật ra, những hành động như vậy ở Trung Quốc không phải mới. Nếu bạn biết sơ tiếng Hoa và đến Bắc Kinh hoặc một số thành phố lớn của Trung Quốc, thì ở ngoài đường bạn sẽ phát hiện nhiều biểu ngữ mang tính sỉ nhục như cái biển được treo ở nhà hàng đó. Những tấm tem với câu như “Đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc, người Nhật cút đi”, hay “Giết hết người Nhật” được không ít người sở hữu xe hơi yêu thích và dán lên kính xe của mình. Một ví dụ gần đây nhất là dịp tết vừa qua, một trong những mẫu hàng pháo hoa bán chạy nhất ở Bắc Kinh có tên là “Vụ nổ lớn ở Tokyo”!
Vì việc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, mấy năm gần đây ở Trung Quốc đã nhiều lần xảy ra biểu tình chống Nhật. Vào tháng 8-2012, tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, “biểu tình yêu nước” đã biến thành cuộc tấn công bạo lực nhằm vào những cửa hàng Nhật Bản và những người sử dụng sản phẩm Nhật, nhất là những xe hơi hiệu Nhật. Mặc dù chủ của các cửa hàng hay nhà hàng Nhật và những người sở hữu xe hơi Nhật đều là người Trung Quốc.
Tôi không muốn phán xét “yêu nước” là đúng hay sai, hay là cái đảo mà tôi còn không biết nằm ở đâu, thuộc về nước nào, nhưng kiểu “yêu nước” như vậy đã gây phản cảm cho đa số người Trung Quốc. Ở đây tôi dùng từ “đa số” vì thật ra ở Trung Quốc, những người cực đoan như người đã treo biển trước nhà hàng mình luôn luôn là thiểu số.
Tất cả những người tôi gặp ở Bắc Kinh đều bày tỏ sự phản cảm đối với kiểu biểu tình chống Nhật như thế. Khi tôi ngồi trong xe hơi của em họ tôi và thấy một chiếc xe khác dán biểu ngữ chống Nhật, em họ tôi chỉ nói một câu “bị khùng”. Chàng thanh niên bán hàng tại cửa hàng Apple biết tôi sống ở VN, bèn hỏi ở VN người ta có chống Trung Quốc như người Trung Quốc chống Nhật Bản không, và bắt đầu chê những người tham gia biểu tình chống Nhật là người “vô não”. Tôi chỉ trả lời “người VN văn minh hơn nhiều”.
Dù những người cực đoan ở Trung Quốc chỉ là thiểu số, nhưng người cực đoan thường là người thích thể hiện và “lớn tiếng”, còn người ôn hòa thường im lặng, cho nên những người cực đoan dễ được người bên ngoài nhìn thấy hơn là người ôn hòa. Vậy là họ đã tạo nên ngộ nhận người Trung Quốc đều như vậy.
Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng đa số người Trung Quốc không quan tâm mấy đến mấy cái đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản, với Philippines hay với VN cuối cùng là của nước nào, vì hầu hết người Trung Quốc cả đời cũng sẽ không đặt chân tới mấy hòn đảo đó. Và còn nhiều việc trong cuộc sống đáng để quan tâm hơn như nhà ở, việc làm, con cái...
Thật ra tấm biển này chẳng gây ra tổn hại cho người Nhật, người Philippines hay người VN, người bị thiệt hại chính là người Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Bây giờ cả thế giới đều biết họ là những người như thế nào.
_________________________
Ý kiến
"Nhận thức mù lòa về những dân tộc láng giềng xung quanh mình"
"Phải chăng việc giáo dục thanh niên Trung Quốc ngày nay không thành công và họ không rút được kinh nghiệm gì từ lịch sử với tấm biển “Cấm chó và người Trung Quốc” mà người Anh đã từng cắm tại vườn hoa Thượng Hải 100 năm trước kia? Việc phát ngôn và hành động trên ở ngay tại Bắc Kinh - thủ đô của Trung Quốc - như vậy khiến người ta không khỏi suy nghĩ. Chỉ có văn hóa lùn mới nói như vậy. Vì vậy những phát ngôn và hành động từ thủ đô của bất kỳ nước nào cũng cần hết sức thận trọng"
Dịch giả Trần Đình Hiến
(người rất am hiểu văn hóa Trung Quốc và nổi tiếng với các tác phẩm dịch của Mạc Ngôn)
(người rất am hiểu văn hóa Trung Quốc và nổi tiếng với các tác phẩm dịch của Mạc Ngôn)
"Đối với một người VN, điều này là quá xúc phạm, quá vô văn hóa. Hành động không biết có phải là bột phát này của ông chủ nhà hàng Bách Niên Lỗ Chử sẽ khơi thêm những bất đồng, thù hằn giữa các dân tộc đang có mâu thuẫn với Trung Quốc hiện nay. Tôi thật sự rất buồn và hi vọng sẽ có sự can thiệp sớm từ phía chính quyền Bắc Kinh để chấm dứt tình trạng này ngay lập tức".
Dịch giả Trần Trung Hỷ (một dịch giả quen thuộc qua các tác phẩm sau này của Mạc Ngôn)
"Tư duy của người chủ nhà hàng Bách Niên Lỗ Chử cũng là tư duy của kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nó hoàn toàn không phù hợp và không có chỗ đứng trong thế kỷ 21, đáng lên án bởi thế giới ngày nay phải dựa vào nhau để cùng tồn tại và phát triển. Không một cá nhân nào, quốc gia nào tự cho mình cái quyền coi thường và đứng trên các dân tộc khác"
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
(tác giả chuyên viết sách về Hà Nội)
(tác giả chuyên viết sách về Hà Nội)
"Ở đây, chỉ xin nói đến chủ nhà hàng có cái biển cấm này. Thứ nhất, vô văn hóa. Thứ hai, ngu ngốc. Thứ ba, cực đoan vô lối. Vô văn hóa vì chỉ có những kẻ có phông văn hóa rách nát mới cho mình cái quyền ví người với chó. Ngu ngốc vì một kẻ làm kinh doanh không bao giờ lại đi kỳ thị khách hàng của mình như thế. Cực đoan vô lối vì cho rằng như thế sẽ thỏa mãn được lòng tự tôn dân tộc, có quyền thể hiện sự tức tối một cách ti tiện với những dân tộc khác. Ngoài ra, chủ nhà hàng này còn thể hiện một ý thức chính trị suy đồi bởi nhận thức mù lòa về những dân tộc láng giềng xung quanh mình"
Nhà văn Nguyễn Đình Tú