THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 March 2013

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là nguồn gốc đẻ ra khủng hoảng thị trường bất động sản



Điều 17 Hiến pháp năm 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Điều 1 Luật đất đai năm 1993 quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.”
Việc Nhà nước không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai mà chỉ thừa nhận một hình thức duy nhất là “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” là nguồn gốc đẻ ra khủng hoảng thị trường bất động sản và hàng loạt các khủng hoảng chính trị, kinh tế, văn hóa, bất công xã hội.
Do sở hữu toàn dân về đất đai làm cho nguồn cung về đất đai cho nhu cầu của xã hội bị hạn chế. Kinh tế tăng trưởng kéo theo nhu cầu đất đai cho sản xuất, xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất, xây dựng nhà ở… có nhu cầu rất lớn. Nhưng nguồn đất đai thuộc sở hữu phi Nhà nước để cung cấp cho thị trường lại là “con số không” vì không ai được quyền tư hữu về đất đai, mọi giao dịch mua bán về đất đai không được pháp luật thừa nhận. Quy luật có “cầu” ắt có “cung”, cộng với sự không minh bạch của thị trường đã đẩy giá đất lên rất cao so với giá trị thực của nó. Đất đai đã được mua bán “trá hình” dưới tên gọi “chuyển nhượng quyền sử dụng đất” với điều kiện đất có các quyết định hành chính công nhận là đất đã được Nhà nước quy hoạch, được Nhà nước giao, được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). “Giá đất” chuyển nhượng trên thị trường được đẩy lên rất cao, trong khi người dân chỉ có quyền sử dụng, quyền chiếm hữu (không có quyền định đoạt, tức không có quyền sở hữu) nếu bị Nhà nước thu hồi thì giá bồi thường rất rẻ mạt, thấp hàng chục lần so với sau khi đã được “phù phép” để có thể chuyển nhượng hợp pháp. Lợi nhuận, hay chênh lệch giữa chi phí bồi thường, đền bù cho người dân và giá đất sau thu hồi trên thị trường chuyển nhượng là rất lớn. Khoản chênh lệch này Doanh nghiệp đầu tư bất động sản và quan chức Nhà nước ăn chia trong từng dự án được tính theo giá đất của thị trường. “Công thức làm giàu” này đã phổ biến, phát triển nhanh chóng trên khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc. Trong khoảng 20 năm đã sinh ra hàng trăm, hàng nghìn đại gia triệu đô, tỷ đô kinh doanh bất động sản là do ăn cướp tài nguyên của toàn dân mà có và tương ứng sinh ra hàng vạn, hàng triệu người dân mất đất, mất ruộng bị rơi vào cảnh thất nghiệp, bần hàn; hàng vạn ha đất trên toàn quốc bị bỏ hoang hóa; tệ nạn xã hội, bất công, nghịch lý, mâu thuẫn trong xã hội tràn lan, không sao kể hết.
Chukỳ đầu tư hàng hóa bất động sản thường nếu ngắn 2-3 năm, dài 5-10 năm. Nhưng phí phải chi cho quan chức Nhà nước thì doanh nghiệp phải thanh toán trước, thanh toán ngay khi có quyết định phê duyệt. Thị trường bất động sản do bị lũng đoạn bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính nên không phản ánh thực mối quan hệ cung – cầu. Cơn sốt của thị trường bất động sản tất yếu đến lúc quá sức chịu đựng của nền kinh tế thì “bong bóng” thị trường  về “cầu” phải vỡ khi đó các doanh nghiệp chết cứng không thể rút chân ra khỏi thị trường được vì phí “hành chính” đã chi rồi. Hậu quả là các ngân hàng, các nhà đầu tư thứ cấp, các ngành cung cấp khác ăn theo bị phá sản, nguy cơ đẩy toàn xã hội rơi vào thời kỳ đại khủng hoảng không có lối thoát.
Nếu thừa nhận quyền sở hữu đất đai của nhân dân thì khi xã hội có nhu cầu về đất đai đến đâu thì nó sẽ được đáp ứng ngay đến đó; giá cả, “cung – cầu” sẽ được điều chỉnh theo thị trường như các loại hàng hóa khác. Khi đó sẽ không có chuyện thi nhau thu hồi đất đai như ăn cướp để hưởng lợi chia nhau, và sẽ không có khủng hoảng thừa.
Chỉ những kẻ được hưởng lợi bất chính do cơ chế “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” đem lại mới ủng hộ chế định pháp luật này. Thế nhưng Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 của Quốc hội vẫn không thừa nhận quyền tư hữu đất đai của người dân, tức không trả cho người dân quyền định đoạt về đất đai của cha, ông họ từ ngàn đời để lại mà vẫn ghi ở Điều 57 “Đất đai… thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” là đạo lý ở đâu? Không cần phải dẫn ra nhiều hơn, việc bất chấp quy luật về sở hữu đất đai không sớm thì muộn sẽ kéo sụp cả cái thể chế xã hội cưỡng lại nó.
Hà Nội, 15/03/2013
Theo Bauxit Việt Nam