THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 February 2013

Ôm hôn có thể bị phạt 75 triệu đồng

Chưa có một định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục nhưng Bộ LĐ-TB-XH lại “nhanh nhảu” đưa vào dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động (dự thảo) với mức phạt tới 75 triệu đồng

Quấy rối tình dục là hành vi không mới nhưng đáng chú ý bởi lần đầu tiên được cụ thể hóa và đưa vào khoản 2, điều 8 của Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012. Theo đó, quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Dự thảo gồm 7 chương, 187 điều. Tại điều 10, chương II, mục 1 quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng.
 
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Nhiều người bất ngờ
Thế nào là quấy rối? Quy định này đã khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí cho rằng rất buồn cười, thiếu căn cứ và khó khả thi.
Sáng 2-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng trước tiên, Bộ LĐ-TB-XH phải làm rõ được khái niệm thế nào là hành vi quấy rối tình dục, đồng thời phải xác định được cụ thể phạm vi điều chỉnh như thế nào rồi mới tính đến việc quy định chế tài xử phạt. Luật sư Triển băn khoăn: “Hành vi vi phạm phải được cụ thể hóa chứ không thể chung chung được”.
Dự thảo nghị định do Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng hiện chỉ có một mức phạt là từ 50-75 triệu đồng, điều này có nghĩa có thể phạt 50 triệu đồng hoặc hơn thế, cho tới 75 triệu đồng. “Nếu không có mức cụ thể, hành vi cụ thể, bằng chứng cụ thể, không khéo người ta lợi dụng để vụ lợi và trả thù lẫn nhau” - luật sư Triển lo lắng.  Theo ông Triển, khi đưa ra văn bản cần cân nhắc tổng thể cả về phương diện xã hội, phương diện pháp luật lẫn quan hệ đạo đức, nếu không thì sẽ dễ dẫn đến oan sai, làm mất danh dự, uy tín của người bị xử phạt.
Đề cập vấn đề này, PGS-TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), nói rằng không hiểu cơ sở ở đâu để đưa ra mức phạt ấy? Ông Bình lưu ý thời gian gần đây đã có một vài quy định của các nhà làm chính sách, do nghiên cứu chưa đầy đủ nên khi đưa ra áp dụng thì tính khả thi rất hạn chế, điều này vô hình trung gây bất lợi cho quá trình ban hành các chính sách tương tự. “Chúng ta đã có bài học về quy định ngực lép không lái xe, bán thịt trong 8 giờ... tôi cảm thấy một số quyết sách ban hành quá vội vã” - ông Bình nhìn nhận.
Vô căn cứ
Ông Trịnh Hòa Bình đồng tình với việc ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, để xác định được hành vi đó tại nơi làm việc là rất khó. Vì vậy, cần phải nghiên cứu cẩn thận trước khi ban hành. Điều này liên quan đến văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc khác nhau, việc xác định thế nào là quấy rối tình dục ở nước ta là rất mơ hồ. “Người Việt Nam chúng ta không có phong tục ôm hôn. Vậy khi gặp nhau, người ta đụng chạm, ôm hôn mà “đè” ra phạt 50-75 triệu đồng thì buồn cười quá” - ông Bình nói.
ThS Nguyễn Thị Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH), tỏ ra bất ngờ về mức phạt ghi trong dự thảo. Theo bà Hồng, xử phạt hành vi quấy rối tình dục phải được thực hiện từng bước một chứ không thể đột ngột đưa ra mức xử phạt ngay. Bà Hồng cũng khẳng định quy định này không có căn cứ vì chưa đưa ra được định nghĩa về quấy rối tình dục. “Vì vậy, sẽ là quá nặng khi phạt hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói, nhưng 75 triệu đồng lại là quá nhẹ đối với hành vi cưỡng dâm” - bà Hồng lưu ý.
 
Không nên vội vàng
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng Bộ LĐ-TB-XH không nên vội vàng đưa ra mức phạt như hiện nay mà phải biết lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân. Quy định nào không đúng, thiếu khả thi thì phải bỏ. Ngoài ra, phải làm rõ khái niệm thế nào là quấy rối tình dục, phải cụ thể hoá các hành vi vi phạm đó, nếu không thì sẽ dễ bị lạm dụng, gây oan sai cho người khác. Đặc biệt, ông Anh nhấn mạnh: “Bộ LĐ-TB-XH nên tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp, sau khi có sự thẩm định và cho ý kiến mới đưa ra các mức phạt cụ thể”.
VĂN DUẨN