Quanh năm vay mượn
May lắm thì được ăn thịt khoảng 2 - 3 lần/tháng, mà cũng mua chịu. Cả nhà chỉ trông vào món măng rừng là chính
| ||
Chị Xa Thị Gần
| ||
Cách trung tâm tỉnh chỉ vài chục cây số nhưng vào đến xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình giống như lạc vào một thế giới khác. Xã nằm trải dài theo lòng hồ thủy điện sông Đà, phong cảnh đẹp nhưng buồn với rất nhiều mái nhà tạm bợ, xập xệ. Chúng tôi ghé vào nhà chị Xa Thị Gần. Nhà chị dựng tạm bằng vài phên gỗ, trên dưới gió lùa tứ phía, chỉ một trận mưa to là phải căng bạt trú mưa ngay trong nhà. Chị Gần rụt rè: “Từ ngày nhường đất lòng hồ cho thủy điện Hòa Bình, không còn ruộng, cuộc sống người dân tái định cư nơi đây chỉ trông chờ vào diện tích đất đồi khô cằn, chật hẹp, chủ yếu trồng hoa màu”. Từ năm 1995, nhờ có dự án của PAM (dự án 747), các hộ dân có thêm nghề trồng luồng, trồng keo, nhưng vì đất đai trồng trọt quá ít nên thu nhập chẳng ăn thua.
Cả nhà chị Gần sống nhờ vào một ít hoa màu trồng trên triền đồi cằn cỗi. “Mỗi tháng cả nhà ăn hết gần 60 kg gạo, mình toàn phải đi đong nợ rồi đến mùa thu hoạch ngô khoai, đi làm thuê kiếm thêm để có tiền trả”, chị Gần kể. Hỏi chị mỗi tháng có mấy ngày được ăn thịt, chị ngần ngừ: “May lắm thì được ăn thịt khoảng 2 - 3 lần/tháng, mà cũng mua chịu. Cả nhà chỉ trông vào món măng rừng là chính. Mình cũng không biết ngày mai rồi ra sao, sợ nhất là ốm không có tiền đi viện”.
Chị Bùi Thị Trình, người xóm Doi, cũng quanh năm chạy ăn từng bữa. Nhà có 3 người, con chị năm nay đang học lớp 5 nhưng chị nói: “Không biết sẽ phải cho cháu nghỉ học khi nào, vì đến cái ăn hằng ngày cũng luôn phải ký nợ”. “Nhà tôi được nửa héc ta đất trồng luồng, thi thoảng lấy măng để bán, chặt luồng chẻ tăm kiếm thêm nhưng chẳng đáng là bao. Mỗi tháng cả nhà ăn hết 40 kg gạo, nhưng phải ký nợ suốt mà cũng chỉ đủ ăn ngày hai bữa, không bao giờ được ăn bữa sáng. Cũng định vay nợ để mua trâu rồi khi có nghé bán sẽ trả dần, nhưng lo dịch bệnh mà trâu chết thì không biết lấy đâu tiền trả nợ nên không dám”, chị bộc bạch. Hỏi nếu chính quyền bố trí vùng đất tái định cư mới cho dân, có đất trồng lúa, sản xuất, chị có rời làng xóm để đi không?, chị gật ngay: “Đi chứ, nông dân mà không có đất thì làm sao hết đói?”.
Ngôi nhà tuềnh toàng của mẹ con chị Xa Thị Gần - Ảnh: Nguyệt Minh |
Có ruộng vẫn thích hơn có điện
Trong thời gian lưu lại xã Hiền Lương, chúng tôi được chứng kiến niềm vui của Trưởng thôn Ké, anh Nguyễn Quốc Đệ, khi con đường dốc đứng đi qua nhà anh sau gần 30 năm chịu cảnh lầy lội vừa được nhà nước rót ít kinh phí để bê tông hóa, nhân dân đóng góp ngày công. “Cả xóm Ké có 93 hộ thì có tới 36 hộ nghèo. Chúng tôi chỉ mong nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ bà con để có đất sản xuất, có nghề nghiệp ổn định sinh sống, chứ như hiện nay, nhiều hộ sống bấp bênh lắm”, anh Đệ tha thiết.
|
Chủ tịch xã Xa Văn Chính cho biết toàn xã có 470 hộ thì đã có tới 195 hộ nghèo, 120 hộ cận nghèo (thống kê năm 2011). Các hộ nghèo trong xã đều là do thiếu đất sản xuất, không có kế sinh nhai ổn định, chủ yếu đi làm thuê. Toàn xã Hiền Lương - theo ông Chính - có khoảng 200 ha đất sản xuất, chia cho gần 500 hộ. Đa số là đất đồi cằn cỗi, chủ yếu để trồng luồng, trồng keo. Xã cũng đã đề xuất tỉnh bố trí thêm vùng đất mới để tái định cư cho dân, ổn định đời sống và sản xuất nhưng chưa có kết quả. “Nhà nước đã quan tâm đầu tư điện, đường, trường, trạm nhưng dân có được điện thì lại mất đất sản xuất, mà với người nông dân, không có đất cũng đồng nghĩa với đói nghèo”, ông Chính chia sẻ.
Tại Đà Bắc, các hộ diện nghèo mỗi tháng được nhà nước hỗ trợ 30.000 đồng tiền điện. “Bây giờ có điện thắp sáng thì lại đói hơn khi chưa có điện, mình muốn có đất sản xuất hơn là có điện”, chị Xa Thị Gần nói.
Phải có đất sản xuất
Cách Hiền Lương hơn 10 cây số là xã Vầy Nưa, một trong những xã nghèo của huyện Đà Bắc. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch xã Đinh Thế Hùng giãi bày: Vầy Nưa có 580 hộ, 53,9% là hộ nghèo, 15,8% hộ cận nghèo. “Vì hộ nghèo là chính nên mỗi lần chúng tôi bình xét, khổ lắm. Ai cũng muốn được làm hộ nghèo để được hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ con giống sản xuất. Có hộ khi được bình chọn đã đi khoe là tôi được hộ nghèo”, ông Hùng kể. Cũng theo ông, vùng này rất khó để tìm được mảnh đất bằng phẳng, chủ yếu là đất đồi núi, dùng để trồng luồng, trồng keo và trồng rừng phòng hộ cho thủy điện Sông Đà. “Vì túng quá, cũng có một số bà con đã lén lút chặt phá rừng làm nương. Sắp tới chúng tôi kiến nghị tỉnh cho chuyển bớt một phần diện tích rừng phòng hộ thành đất sản xuất, canh tác cho dân. Dân không có cái ăn thì có rừng phòng hộ cũng không còn sức mà chăm lo”, ông Hùng chép miệng.
“Các hộ dân xã chúng tôi, cũng như những người dân tái định cư nhường đất cho thủy điện ở huyện Đà Bắc này trước đây di dân tự nguyện, không có tiền đền bù, chỉ nhận được hỗ trợ 6 tháng lương thực ban đầu. Chúng tôi mong muốn sắp tới đây, khi nhà nước sửa đổi cơ chế thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng cho dân, cần có quy hoạch thế nào đó để khi bố trí tái định cư cho người dân phải đảm bảo có đủ đất sản xuất”, ông Hùng kiến nghị.
Nguyệt Minh - Thái Sơn