THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 September 2012

Nước lũ bao vây miền Trung



Sau 4 ngày mưa to, nước lũ trên các sông suối ở miền Trung dâng cao khiến nhiều làng bản, khu dân cư ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị cô lập. Nhiều người chết và bị thương, hoa màu, nhà cửa chìm trong nước.

Nằm ở miền Tây xứ Nghệ, huyện miền núi Tương Dương là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ. Gần một tuần qua, huyện này có mưa to khiến nước từ các khe suối đổ về cô lập nhiều làng bản. Nhiều điểm trường, trụ sở UBND xã Yên Tĩnh cũng bị nước đổ về gây ngập. Hàng trăm hộ dân sống trong các bản làng ở những xã này đang sống trong cảnh ngập lụt.
Quốc lộ 48 bị nước lũ chia cắt. Ảnh: T.L
Quốc lộ 48 bị nước lũ chia cắt. Ảnh: T.L
Mưa lớn kéo dài cũng khiến quốc lộ 7A, con đường huyết mạch lên miền Tây xứ Nghệ bị sạt lở nhiều đoạn. Từ huyện Con Cuông, Tương Dương lên huyện biên giới Kỳ Sơn có nhiều đoạn lở đất, sạt núi khiến giao thông bị tắc nghẽn.
Tại điểm sạt lở ở Dốc Chó (xã Lạng Khê) hàng trăm xe cộ đang bị mắc kẹt do đất đá đổ ập xuống choán gần hết làn đường. Tại các xã Thạch Giám (huyện Tương Dương), hiện tượng sạt lở núi vẫn tiếp tục diễn ra, xe cộ vẫn bị ách tắc. Ở khu vực bản Cây Me, hiện tượng sạt lở đang uy hiếp cột điện 500KV nằm trên sườn núi.
Ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, những ngày qua huyện phải cử một đội quân thường trực để giải tỏa, thông tuyến quốc lộ ở những đoạn bị sạt lở. Huyện đang di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân ở các xã Mai Sơn, Yên Tĩnh đến nơi an toàn.
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về cũng khiến các xã vùng hạ lưu sông Lam bị ngập sâu. Tại huyện Thanh Chương, các xã Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Mai đã bị nước lũ cô lập. Nhiều cánh đồng trồng lạc, đậu cũng ngập trong nước.
Hàng trăm hộ dân ở Nghệ An đã bị cô lập vì lũ. Ảnh: N.K
Hàng trăm hộ dân ở Nghệ An đã bị cô lập vì lũ, thuyền bè là phương tiện đi lại duy nhất. Ảnh: N.K
Tại huyện Hưng Nguyên, nhiều xóm nằm ngoài đê Tả Lam phải đi lại bằng thuyền vì các con đường quanh xóm đã bị ngập nước. Tại xóm 12 xã Hưng Long, từ mấy ngày nay, người dân đã gói ghém đồ đạc, neo sửa lại nhà cửa để sẵn sàng chạy lũ. Những căn nhà nằm ở mép sông Lam tại xóm đã bị ngập, người dân phải vào làng hoặc lên bờ đê sống tạm.
Tất tả chèo đò chở cậu con trai đến trường, chị Nguyễn Thị Thủy (xã Hưng Long) cho biết, năm nào xóm cũng phải chạy lũ nhưng năm nay lũ về sớm, mưa nhiều hơn mọi năm báo hiệu một mùa mưa lũ lớn bất thường. "Xóm tui chỉ có con đường duy nhất để vào đê nhưng đã bị lũ cuốn, toàn bộ lúa hè thu và hoa màu cũng đã ngập sâu trong nước", chị Thủy thở dài.
Mưa lớn cũng khiến các con đường ở thành phố Vinh bị ngập. Nhiều đường ngập hơn nửa mét như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Đại lộ Lênin... Một số khu dân cư ở phường Hồng Sơn, Vinh Tân bị cô lập vì nước không kịp thoát.
Nhiều ngôi nhà ở ven sông Lam ngập đến nóc. Ảnh: N.K
Nhiều ngôi nhà ở ven sông Lam ngập đến gần nóc. Ảnh: N.K.
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn đầu mùa cũng khiến những vùng rốn lũ của huyện Hương Khê, Hương Sơn bị cô lập. Nhiều tuyến đường miền núi ở các huyện này bị sạt lở gây ách tắc kéo dài. Lượng mưa đo được trong đêm 5/9 ở huyện Hương Khê lên tới gần 400 mm. Khoảng 400 nhà dân cùng 1.000 ha lúa, hoa màu bị nước nhấn chìm.
Mưa lũ đầu mùa cũng làm nhiều người chết và bị thương. Sáng 5/9, trên đường đi khai giảng, một học sinh lớp 5 ở Hà Tĩnh bị nước cuốn trôi. Trưa 6/9, ông Trần Ngọc Hanh (53 tuổi, huyện Nghi Xuân) đi bắt cá bị sét đánh chết trên đồng...
Theo dự báo, những ngày tới miền Trung tiếp tục có mưa to đến rất to, nhiều khả năng thủy điện Bản Vẽ sẽ phải xả lũ khiến mực nước vùng hạ lưu Sông Lam dâng cao. Trưa 6/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn gửi các địa phương, ban ngành sớm có biện pháp đề phòng và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Nguyên Khoa