Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-04-30
Người Rục, một nhóm dân tộc ít người còn sót lại hiếm hoi trên thế giới, luôn còn những điều bí ẩn. Hiện tại, người Rục ở nước ta chỉ còn khoảng vài trăm hộ và đang sinh sống tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình.
Đời sống săn bắn hái lượm
Có những đồn đoán cho rằng họ thường xuyên ăn cả lá cây và chuột để sống. Mời quý vị theo dõi cuộc trò chuyện giữa Quỳnh Chi và anh Trần Nam Trung, một người thuộc một tổ chức thiện nguyện vừa đến thăm người Rục tại xã Thượng Hóa. Câu chuyện được chia sẻ với quý vị sau khi Quỳnh Chi đã tìm hiểu tính hư thực qua trao đổi với vị phó chủ tịch xã cùng ba vị trưởng bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ - là nơi mà người Rục đang sinh sống.
Sắn, ngô cũng giống như thức ăn chính của họ. Còn cơm thì cũng giống như xôi của người Kinh vậy. Nhưng mà tôi vào nhà nào cũng không thấy một hạt gạo nào cả.Ô. Trần Nam Trung
Trần Nam Trung: "Họ nghèo quá. Tôi có phỏng vấn một vài người Rục, trong đó có một bác tên Hồ Kiếu. Ông cho biết về đời sống ở đó. Chủ yếu họ trồng sắn, ngô. Họ cũng trồng lúa nhưng diện tích trồng lúa ít quá nên họ không đủ gạo để ăn. Họ chỉ có thể ăn sắn và ngô. Mùa mưa thì có thể đi đặt bẫy để có thêm thức ăn nhưng tôi đi quanh các bản thì tôi thấy nhà nào cũng ăn sắn với ngô thôi."
Quỳnh Chi: Qua một số bài báo tôi tìm hiểu thì người Rục rất thèm cơm bởi vì họ không có cơm ăn. Anh đã quan sát thì thấy như thế nào?
Trần Nam Trung: "Nhu cầu con người là ăn ngon mặc đẹp. Họ cũng có ăn cơm nhưng vì cá nghèo đã làm họ làm cho họ quen với sắn, ngô. Sắn, ngô cũng giống như thức ăn chính của họ. Còn cơm thì cũng giống như xôi của người Kinh vậy. Nhưng mà tôi vào nhà nào cũng không thấy một hạt gạo nào cả."
Quỳnh Chi: Một số người đã đến với người Rục và cho biết là một số thứ của người Kinh rất xa lạ đối với họ. Chẳng hạn như nhiều người Rục rất hiếm nếu không muốn nói là không biết đến sữa bò. Anh thấy như thế nào?
Trần Nam Trung: "Trẻ con không được uống sữa là một điều thôi thúc làm tôi phải vào thăm người Rục. Tôi muốn xem họ lạc hậu đến cỡ nào. Khi tôi vào thì nói chuyện với người Rục, mới thấy là họ không đến nỗi lạc hậu lắm. Họ nói là 'Sữa thì rất ngon, nhưng không có để uống'."
Quỳnh Chi: Vấn đề nước sạch tại đây ra sao?
Trần Nam Trung: "Bản Mò O Ồ Ồ là bản sâu nhất tính từ ủy ba xã. Đó là bản duy nhất có nguồn nước tương đối sạch để dùng. Bởi vì bản này gần với đồn công an biên phòng tại biên giới cho nên họ có một dự án hỗ trợ dẫn nước từ trên núi về.
Quỳnh Chi: Đường đi vào bản có khó khăn hay không?
Trần Nam Trung: "Đường vào với người Rục rất khó khăn. Xe tải vào không được. Dốc thì đứng, cao mà đường thì nhỏ và xấu, chỉ loại xa chạy địa hình thì mới có thể vào được."
Quỳnh Chi: Tôi đã trao đổi với ba vị trưởng bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ thì được cho biết là đời sống y tế người Rục rất kém. Thậm chí có thể nói rằng nhiều người Rục cả đời không biết đến viên thuốc. Anh thấy thế nào?
Trần Nam Trung: "Chắn chắn thuốc men là điều họ không bao giờ được biết đến. Nếu có bệnh thì họ chữa theo kiểu dân gian. Chẳng hạn như bệnh thì họ uống nước lá, đắp lá cây. Họ còn rất nhiều hủ tục. Ví dụ người phụ nữ đến ngày sinh nở thì phải tự vào trong rừng sinh. Ba ngày sau khi sinh mới được về nhà. Người phụ nữ đó phải tự sinh con, tự cắt rốn cho con, sau đó mới trở về làng. Họ đã quen sống như thế."
Quỳnh Chi: Tập quán của người Rục là săn bắn hái lượm hay chủ yếu lao động sản xuất?
Ánh mắt của họ cho thấy họ cần một điều gì đó cho thấy họ lúc nào họ cũng thiếu, lúc nào cũng đói. Nhìn ánh mắt họ thê thảm lắm.Ô. Trần Nam Trung
Trần Nam Trung: "Họ săn bắn hái lượm là chủ yếu. Nói về trồng trọt thì họ không có đủ công cụ để sản xuất, họ cũng không có đất đai để làm."
Quỳnh Chi: Người Rục có bỏ chạy khi thấy người Kinh?
Trần Nam Trung: "Một vài năm trước, nếu thấy người Kinh là người Rục từ người lớn đến trẻ con đều bỏ chạy. Vừa rồi lên Rục thì tôi có gặp một người Hà Tĩnh đi buôn trong khắp các làng của người dân tộc. Người này nói rằng cách đây mấy năm, nếu thấy người Kinh là người Rục chạy như thú hoang. Sau này thì đỡ hơn nhưng họ còn nghèo lắm."
Lúc nào cũng thiếu, cũng đói
Quỳnh Chi: Một số bài báo tìm hiểu về đời sống người Rục cho biết là người Rục phải ăn lá cây, ăn chuột để sống. Anh đã tìm hiểu, anh thấy việc này thực hư thế nào?
Trần Nam Trung: "Đó là việc bình thường. Đó là một vùng trũng trong một vùng núi. Nếu mùa lũ về thì đó là một trong những vùng bị cô lập. Chuyện ăn lá cây, ăn cả gỗ là chuyện bình thường của người Rục."
Quỳnh Chi: Trong năm thì mùa nào người Rục đói nhiều nhất?
Trần Nam Trung: "Vào mưa mưa, mùa lũ thì họ rất khó kiếm thức ăn, cho nên rất đói. Mùa giáp hạt cũng vậy. Họ đói vì không trồng trọt được nhiều."
Quỳnh Chi: Tập quán của người Rục là kiếm ăn trong ngày và không dự trữ. Vậy họ tồn tại như thế nào trong mùa lũ và mùa giáp hạt?
Trần Nam Trung: "Họ phải đi đào củ sắn, củ mài, hái lượm, bắt tất cả con gì họ có thể ăn được.
Nên nếu mà cho họ 10 kg gạo thì chưa chắn là họ để ăn mà có thể họ nấu rượu uống. Họ chỉ có thể làm những điều họ thấy trước mắt thôi, họ không nghĩ xa hơn được."
Quỳnh Chi: Qua chuyến đi thực tế này, anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau khi tiếp xúc và tìm hiểu người Rục?
Trần Nam Trung: "Cái ánh mắt của người dân tộc luôn làm tôi thấy xót xa và luôn làm cho tôi muốn trở lại với người dân tộc. Ánh mắt của họ cho thấy họ cần một điều gì đó cho thấy họ lúc nào họ cũng thiếu, lúc nào cũng đói. Nhìn ánh mắt họ thê thảm lắm.
Ánh mắt trẻ con của người dân tộc khác ánh mắt trẻ con thành thị. Trẻ con thành thị luôn có vẻ trong sáng, thơ ngây. Nhưng ánh mắt của trẻ em dân tộc là một ánh mắt rất bản năng. Khi tôi chụp ảnh, hai đứa trẻ người Rục trần truồng chạy băng qua rào. Lúc đó tôi nghĩ là nếu trẻ con thành phố thì nó không thể làm như thế. Người Rục sống rất bản năng. Người Rục quá già, họ có thể nhìn già gấp đôi số tuổi họ đang có vì họ khổ quá. Có những thứ rác rưỡi, cũ kỹ. Có những thứ mà tôi không thể nghĩ là có thể mặc nhưng họ lại mặc trên người."
Quỳnh Chi: Anh và nhóm của mình đã đến với nhiều đồng bào dân tộc và nhiều vùng trên cả nước. Anh có nghĩ người Rục là một trong những đồng bào khổ nhất?
Trần Nam Trung: "Cái khổ thì nó muôn màu muôn vẻ. Ở Việt Nam thì không có cái khổ nhất. Bởi vì tất cả đều khổ nhất. Những người khổ là khổ giống nhau, chỉ sướng là sướng không giống nhau mà thôi."
Người Rục không nằm trong 54 dân tộc của Việt Nam. Nhóm người này chỉ là một nhóm thuộc dân tộc Chút. Trong nhóm này thì người Rục và người A Rem là hai nhóm ít người nhất và cũng lạc hậu, nghèo khổ nhất. Tập quán của người Rục là sống theo bản năng, sống trong hang núi và rừng sâu cách ly với thế giới. Đã có lúc người ta cho rằng người Rục có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện tại, tại Việt Nam người Rục chỉ được tìm thấy ở Quảng Bình. Người Rục được phát hiện đầu tiên tại Việt Nam năm 1960 nhưng còn rất nhút nhát. Cuộc sống của họ cho đến bây giờ vẫn còn đói khổ, thiếu thốn và lạc hậu. Và có lẽ cho đến bây giờ câu chuyện về nhóm người này vẫn chưa hết bí ẩn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, họ cũng là những con người cần được sống đầy đủ.