Thanh Quang, phóng viên RFA2012-03-10Hôm 27 tháng Hai vừa rồi, tất cả ủy viên thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN tham dự 3 ngày hội nghị nhằm "cấp bách chỉnh đốn, xây dựng" lại Đảng. Câu hỏi được nêu lên là liệu nỗ lực đó có mang lại kết quả không khi đa số người dân bất bình phần lớn vì Đảng chỉ lo "xây dựng Đảng" mà thiếu " xây dựng tự do tôn giáo" cho người dân? Mời quý vị nghe Thanh Quang trình bày vấn đề này sau đây: Giữa lúc "Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11" diễn ra nhằm lấy lại lòng tin của người dân, thì - nói theo lời LS lão thành Trần Lâm từ Hà Nội – "lòng tin của nhân dân lung lay đã từ lâu rồi… Mất lòng tin vào Đảng, mất lòng tin đảng viên…" từ lâu rồi. Điều đáng nói là trong 3 ngày hội nghị "cấp bách chỉnh đốn đảng", người ta không thấy Đảng "cấp bách" ứng phó với một trong nhiều vấn đề có lẽ cũng "cấp bách" không kém, đó là tình trạng thất nhân tâm liên quan việc đàn áp tôn giáo. Múa tay trong bị Ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người VN trụ sở tại Paris, Pháp Quốc, cho biết:"Tôi thấy nếu lấy lại được lòng dân, mà lòng dân luôn luôn có tín ngưỡng, thì điều trước nhất là phải tôn trọng tôn giáo, tôn trọng nhân quyền và mở ra một thời đại dân chủ đa nguyên. Lúc đó lòng dân mới có thể tin tưởng. Còn nếu như chỉ họp đại hội Đảng để quyết định chỉnh đốn Đảng thì tôi nghe dư luận trong nước nói Đảng CS chỉ có thể "đốn" chứ không thể nào "chỉnh" được." Theo MS Nguyễn Hồng Quang từ Sàigòn thì rắc rối lâu nay là ở chỗ lời nói và hành động của "guồng máy" cai trị không đi đôi với nhau khiến góp phần làm mất lòng dân:
"Không phải chỉ mới đây mà ngay từ khi ông Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn hồi mùng 2 tháng 9 năm 1945 thì cũng hứa hẹn cho người dân có nhiều quyền. Trong tất cả các Hiến pháp cũng đều có những điều khoản rõ ràng về quyền tự do tín ngưỡng. Nhưng vấn đề ở đây là lời nói và thực hiện. Đây là vấn nạn của guồng máy nhân lực thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước VN." Theo MS Thân Văn Trường thì việc chỉnh đốn Đảng thực ra là chuyện các nhà lãnh đạo CSVN cũng chỉ "múa tay trong bị mà thôi" trong khi "dưới ánh sáng chủ nghĩa Mắc-Lê" mà VN tôn sùng, tôn giáo bị xem là "thuốc phiện" nguy hiểm: "Điều bao trùm mà ai cũng biết là ngay trong Hiến pháp, rồi trong phần mở đầu của Hiến Pháp VN đều nhấn mạnh đến "dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mắc-Lê Nin". Cho nên tôi nghĩ vấn đề vẫn lẩn quẩn trong cái vòng đó thôi chứ không có gì thay đổi. Mà với chủ nghĩa Mắc-LêNin, việc đàn áp tôn giáo là điều tất nhiên rồi vì quan niệm tôn giáo là thuốc phiện cho dân chúng. Do đó, tôi nghĩ diễn tiến vừa rồi chẳng có giá trị gì cho xã hội, nhất là cho những người có niềm tin tôn giáo." Chiêu bài Từ Huế, LM Phan Văn Lợi cho biết hội nghị chỉnh đốn, xây dựng đảng vừa rồi chỉ là chiêu bài để làm cho người dân tưởng rằng đảng có thiện chí, đảng muốn phục vụ nhân dân. Nhưng thực sự không phải như vậy. Vì sao? LM Phan Văn Lợi phân tích:"Vì qua hành động trấn áp tôn giáo cùng nhiều người dân trong thời gian gần đây thì chúng ta thấy rằng đảng không hề thực tâm muốn đổi mới, không hề thực tâm muốn thu phục lòng dân và không hề thực tâm muốn cho đất nước tiến lên trong tự do, dân chủ. Nếu đảng thực sự muốn chỉnh đốn hàng ngũ, tức làm cho mình có khả năng lèo lái quốc gia và thu phục lòng dân, thì đảng phải trả các quyền lại cho người dân, mà trong đó có quyền tự do tôn giáo." Tu sĩ PGHH Võ Văn Diêm ở Miền Tây bày tỏ hoài nghi về hội nghị "chỉnh đốn Đảng" vừa rồi: "Tôi không có tin. Bởi vì Đảng CSVN nhiều lần nói một đường mà làm một ngã, thành ra mất lòng tin của người dân. Chừng nào họ thực hiện lời nói thì tôi mới có thể tin được. Nhưng lời nói của Đảng CS lúc nào tôi cũng không tin tưởng." Từ hải ngoại, giáo hữu Thượng Trung Thanh thuộc Giáo hội Cao Đài Đại Đạo trụ sở tại California, Hoa Kỳ lưu ý vấn đề tôn giáo đối với giới cầm quyền trong nước là "cái gai nhọn" nên khó có thể có tự do tôn giáo thật sự tại VN: "Vấn đề gọi là chỉnh đốn lại để nới rộng cho tôn giáo hoạt động thì tôi nghĩ đó chỉ là hình thức để nhà cầm quyền CS dối gian với thế giới thôi. Chứ thật ra, tôi thấy tôn giáo là cái gai nhọn của CSVN bây giờ. Nói thì họ nói chỉnh đốn, nới rộng chứ thực ra không có tự do tôn giáo ở VN." Tiếp tục đàn áp Theo ông Võ Văn Ái thì tự do tôn giáo là nền tảng của tất cả các tự do khác, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước VN, dân tộc VN rất sùng đạo, trong đó có những tôn giáo lớn như Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành… Ông Võ Văn Ái lưu ý:"Nếu nhà cầm quyền CS thay đổi chính sách đối với tự do tôn giáo và đặc biệt tôn trọng nhân quyền thì chắc chắn điều đó mới đem lại lòng tin cho người dân. Chứ còn hiện nay tôi thấy vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điều ông Phạm Dũng, trung tướng công an, làm Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ thì điều đó khiến chúng tôi thấy VN khó có sự tôn trọng tôn giáo. Chúng tôi thấy Đảng CS chỉ có thể lấy lại lòng dân bằng việc chấp nhận tự do tôn giáo, nghĩa là chính quyền, Đảng CS, Mặt trận Tổ quốc không xen vào những vấn đề của các tôn giáo." Nếu hồi tháng 12 năm ngoái, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách Á Châu, mạnh mẽ cảnh báo rằng ở VN, tình trạng đàn áp các tôn giáo không được chính quyền công nhận xảy ra một cách có hệ thống và nghiêm trọng, thì tình trạng đàn áp trước hết là Công Giáo hiện tiếp diễn đáng ngại, như LM Phan Văn Lợi mô tả: "Chúng ta thấy sau hội nghị "chỉnh đốn đảng", đã xảy ra nhiều sự kiện liên can tới các tôn giáo trong chiều hướng tiêu cực. Đó là vụ hành hung LM Nguyễn Quang Hoa ở Giáo phận Kontum. Qua việc này, mọi người đều nhận thấy đó là một sự dằn mặt đối với Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh vốn là Bề Trên của Cha Nguyễn Quang Hoa. Rồi mới đây, nhà cầm quyền lại xử tù, kết án chị Võ Thị Thu Thủy và anh Nguyễn Văn Thành, hai giáo dân của Giáo Phận Vinh từng là cộng sự của Cha Nguyễn Văn Lý. Và tội mà người ta gán cho họ là "tuyên truyền chống chế độ", "rải truyền đơn". Nhưng chúng ta đều biết rằng chuyện rải truyền đơn hay cách nào đó để phê phán Nhà nước là quyền của con người, quyền của người dân. Chúng tôi cũng nghĩ rằng chuyện kết án chị Võ Thị Thu Thủy cũng là một lối dằn mặt các tín hữu của Giáo Phận Vinh, giống như việc họ đang giam giữ 16 thanh niên thuộc Giáo Phận Vinh và một thanh niên thuộc Thanh Hóa, thì cũng là cách để trấn áp tinh thần của các tín hữu Công Giáo Vinh – Giáo phận có tinh thần bất khuất." Quyết tâm tiêu diệt Và LM Phan Văn Lợi nhân tiện đề cập tới tình cảnh của PGHH như sau:"Sự kiện thứ hai là vụ xử phúc thẩm ông Nguyễn Văn Lía và ông Trần Hoài Ân của PGHH với bản án như cũ. Điều này chứng tỏ nhà cầm quyền CS vẫn coi PGHH là một thứ cần phải triệt hạ." Nhận định vừa rồi của LM Phan Văn Lợi khiến người ta liên tưởng tới lời báo động cách nay chưa lâu về tình cảnh của PGHH trong nước, khi tu sĩ Huệ Thọ thuộc Đạo Tràng PGHH ở Ô Môn, Cần Thơ cho biết rằng sau năm 1975, "cái tạm gọi là 'giải phóng dân tộc' đối xử với Phật Giáo Hòa Hảo thật nghiệt ngã. Và những cán bộ sau năm 75 tuyên bố thẳng với người PGHH là nếu không diệt được người PGHH thì họ nghỉ việc. Từ đó họ thẳng tay đánh dẹp những người để tóc, mặc đồ đạo; những am, những cốc họ đều dỡ hết. Và từ năm 1975 tới 2009, vì tinh thần PGHH quá kiên cường: Thà chết chớ không bỏ Đạo, nên sau cùng họ đi lại cái thế nhu, cho thành lập Ban Trị Sự PGHH năm 1999 để đồng hóa tín đồ PGHH, cho rằng PGHH được tự do tín ngưỡng. Nhưng những nhân sự trong Ban Trị Sự lại không được tín đồ PGHH bầu ra mà toàn là do đảng CS đưa ra". Từ An Giang, tu sĩ Võ Văn Diêm nhận xét: "Đảng CS lúc nào cũng vẫn đàn áp PGHH khiến không thể cất đầu lên được. Tuy giới cầm quyền nói là mở rộng, nhưng cái tinh vi của Đảng CS là cho người của Đảng vô PGHH qua Ban Trị Sự để lôi kéo tín đồ PGHH. Họ như chứng nhận PGHH, nhưng thực ra Đạo PGHH bị chế độ cầm quyền cầm đầu, điều khiển, khiến không thể theo Giáo Lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ vốn Khai Sáng Nền Đạo." Cùng với PGHH, Đạo Cao Đài cũng bị bách hại đáng ngại trong nước, như giáo hữu Cao Đài Thượng Trung Thanh cư ngụ tại tiểu bang Virginia, Hoa kỳ mô tả:
"Theo tôi biết, tất cả tôn giáo còn nằm trong quốc nội thì những tôn giáo nào dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Tôn giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc, các tôn giáo đó có quyền hoạt động tự do, nhưng tự do trong sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Còn những tôn giáo nào không có phép, không có pháp nhân thì những tôn giáo đó vẫn bị đàn áp, khống chế và bị công an hoặc Mặt trận theo dõi chứ không được tự do tôn giáo." Trong khi đó, những Hội Thánh Tin Lành Tư Gia cũng tiếp tục bị đàn áp, không được tự do hành đạo, thập chí có tín đồ bị ép bỏ đạo, bị hành hung… dù những Hội Thánh được nhà nước công nhận góp phần tạo một "bộ mặt tiến bộ" tôn giáo ở trong nước, như MS Thân Văn Trường nhận xét: "Theo tôi thì về phương diện nào đó, mặt tích cực cũng có. Chẳng hạn như việc tự do thờ phượng Chúa đối với những Hội Thánh được Nhà nước công nhận. Rồi Nhà nước cũng cho sửa sang, xây mới Nhà Thờ, sửa sang những Nhà Thờ lớn ở TP lớn… khiến dưới con mắt quan sát của quốc tế cũng có mặt tiến bộ. Nhưng trên phương diện những Hội Thánh Tư Gia thì tình hình không có gì cải thiện, vẫn gặp khó khăn từ trước tới nay. Anh em nhóm lại thờ phượng Chúa cũng không có được tự do gì. Một điều nữa là chúng tôi thấy qua việc Nhà nước bổ nhiệm một trung tướng công an vào chức vụ Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ chứng tỏ nhà nước muốn siết chặt hơn lãnh vực tôn giáo, nhất là đối với Đạo Tin Lành. Chúng tôi là những người theo Đạo Tin Lành, nhận thấy không có gì cởi mở hơn đâu." Biến thành mê tín Trong khi Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất tiếp tục lâm nạn trong nước, thì ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế lưu ý tình trạng Đạo Phật là Đạo Cứu Khổ xã hội lại bị khai thác cho mục tiêu trục lợi, phục vụ cho việc "thăng quan tiến chức":"Một mặt họ cho tất cả tôn giáo bề ngoài được sinh hoạt. Ví dụ các chùa được tân trang đẹp đẽ, rộng rãi, các tượng Phật được tạc ra, cho người ta đi chùa, giáo đường… nhưng chính sách lớn tôn giáo của đảng CS là biến các tôn giáo trở thành mê tín dị đoan. Thí dụ Phật Giáo là Đạo Cứu Khổ, có khả năng đóng góp vào việc phát triển quốc gia và đặc biệt giúp tiêu trừ tất cả tệ nạn xã hội. Nhưng bây giờ Phật Giáo chỉ bị thu gọn lại thành một tôn giáo cúng kiến, cầu khẩn. Ngay cả các đảng viên CS hay các nhà lãnh đạo cũng đi chùa, cũng quy y Đạo Phật. Nhưng họ đi chùa để xin Phật cho họ được thăng quan tiến chức, chứ không phải đi chùa để thực hiện giáo lý cứu khổ xã hội cho những người dân thấp hèn, đặc biệt đa số nông dân VN. Do đó, hình thức đàn áp tôn giáo rất tinh vi hiện nay của nhà cầm quyền VN là biến các tôn giáo trở thành những tín ngưỡng mê tín dị đoan, chứ không phải để cho các tôn giáo thực hiện lòng bác ái, từ bi và cứu khổ như trường hợp Đạo Phật của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất. Đặc biệt là GHPGVNTN hiện nay bị đàn áp, không cho hoạt động." Giữa lúc tôn giáo tiếp tục bị bách hại, thì nhiều nhân sĩ, trí thức trong nước lưu ý rằng cho dù hội nghị "chỉnh đốn Đảng" có những tuyên bố hùng hồn, lạc quan như thế nào đi chăng nữa, nhưng hội nghị khó có thể thu phục sự tin tưởng của người dân ở Đảng. |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog