THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 November 2011

“Mua căn hộ cao cấp có thể “rửa” một triệu đô”


15/11/2011 12:51:56

- Phần lớn các giao dịch tài sản trực tiếp, tiền mặt nhằm che giấu hành vi tham nhũng chưa được dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền đề cập, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Phòng, chống rửa tiền bỏ sót "mảnh đất mầu mỡ"

Thảo luận tại hội trường sáng 15/11, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) băn khoăn: Ban hành Luật phòng, chống rửa tiền, nhu cầu số một là quan hệ quốc tế hay xuất phát từ thực tế trong nước?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long (ĐB Đắk Nông) có câu trả lời, "dự luật mới chủ yếu nội luật hóa công ước Việt Nam tham gia hoặc ký kết", "lắp ghép các điều khoản của công ước vào luật nên rất lẫn lộn", "chưa xuất phát từ yêu cầu thực tế trong nước"…

Ông dẫn chứng: Với 5 chương, 53 điều, đối tượng áp dụng của dự luật chủ yếu là giao dịch thông qua tổ chức tài chính, phi tài chính, còn các giao dịch khác rửa tiền rất dễ dãi, như mua bán chuyển nhượng tài sản …

a
Các giao dịch khác rửa tiền rất dễ dãi, như mua bán chuyển nhượng tài sản.. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lấy ví dụ: Mua căn hộ cao cấp có thể "rửa" một triệu đô, trong khi thuế nhà không ai kiểm soát, kỷ luật giao dịch tài chính lỏng lẻo…

"Ở nước ngoài, móc đô la trả tiền đã bị nghi ngờ, Việt Nam vác cả bao tải tiền cũng không sao", đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), bổ sung.

Trước thực tế đó, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đánh giá: Phần lớn các giao dịch tài sản trực tiếp, tiền mặt nhằm che giấu hành vi tham nhũng không được dự luật đề cập là "bỏ sót mảnh đất mầu mỡ cho rửa tiền".

TIN LIÊN QUAN
Còn theo đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên), thời gian qua, chúng ta quan tâm thu hút đầu tư, ít quan tâm đến nguồn gốc đồng tiền, dẫn đến khó kiểm soát tiền tệ, tỷ giá, lãi suất tăng …

"Minh bạch về thu nhập, tài sản cá nhân, kiểm soát giao dịch tiền mặt phải là nhiệm vụ hàng đầu trong phòng chống tham nhũng, rửa tiền. Nếu không khắc phục được điều này thì hiệu quả phòng, chống rửa tiền sẽ rất thấp", ông góp ý.

Phòng, chống rửa tiền: "Vừa đá bóng, vừa thổi còi"?

Vì rửa tiền không chỉ thông qua tổ chức tín dụng, một số nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành với dự thảo luật để cơ quan đầu mối phòng, chống rửa tiền (có thể lấy tên là Cục phòng, chống rửa tiền) thuộc Ngân hàng Nhà nước như lâu nay.

Thực tế, theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), từ khi có Nghị định 74/2005 về phòng, chống rửa tiền, 6 năm qua Trung tâm về phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước "chưa phát hiện được vụ nào", điều này "không có nghĩa là không có rửa tiền"…

Hạn chế của mô hình này, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) lý giải, ngoài thói quen sử dụng tiền mặt không bị kiểm soát, còn do cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước không có nghiệp vụ điều tra, xác minh trong khi tội phạm rửa tiền có trình độ cao, ngày càng tinh vi, xảo quyệt…

Thậm chí, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, để cơ quan phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng là "vừa đá bóng, vừa thổi còi", "là con dao hai lưỡi" vì trên thế giới, không thiếu những vụ ngân hàng được thuê để rửa tiền…

"Cơ quan phòng, chống rửa tiền phải nằm ngoài hệ thống ngân hàng để giám sát ngân hàng", ông Quốc đề nghị.

Còn theo đại biểu Trần Hồng Hà, mô hình quốc tế, cơ quan phòng chống rửa tiền trong ngân hàng chỉ là tổ chức tình báo, nhưng ở ta không có truyền thống như vậy.

Do đó, cơ quan đầu mối phòng, chống rửa tiền nên thuộc Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần thành lập Trung tâm làm nhiệm vụ cung cấp thông tin về các giao dịch đáng ngờ…

Chưa thật yên tâm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị, cơ quan phòng, chống rửa tiền nên trực thuộc Chính phủ, do một Phó Thủ tướng phụ trách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý các vụ việc liên quan…

Luật phòng, chống rửa tiền sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 đầu năm 2012, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2013.

Văn Tiến