Washington hôm qua cho biết họ lo ngại vì những căng thẳng do bất đồng xung quanh biên giới trên Biển Đông và kêu gọi một giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng tại đây. |
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (phải) cùng tàu hộ tống thăm cảng Manila, Philippines tháng trước. Ảnh: AP. |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết Mỹ "đang lo ngại vì các thông tin về tình hình" trên Biển Đông.
"Chúng tôi ủng hộ một tiến trình ngoại giao chung và kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền, cả trên đất liền và trên biển, phải tuân theo luật pháp quốc tế", Toner nói
Ông Toner còn nhấn mạnh rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung chia sẻ lợi ích trong việc duy trì an ninh hàng hải trong khu vực Biển Đông, ủng hộ tự do đi lại, phát triển kinh tế và tuân thủ luật pháp quốc tế. "Chúng tôi không ủng hộ bất cứ điều gì làm gia tăng căng thẳng và chúng tôi không nghĩ điều đó là có ích", AFP dẫn lời phát ngôn viên Mỹ nói thêm.
Washington cũng nêu rõ những điều cần cho Biển Đông hiện nay là một tiến trình ngoại giao chung, một tiến trình hoà bình để giải quyết hàng loạt bất đồng về chủ quyền biển và hải đảo. Mỹ cũng cho rằng việc phô trương lực lượng hay những hành động tương tự sẽ chỉ làm tình hình căng thẳng tăng lên.
Trước đó tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo xung đột có thể xảy ra tại Biển Đông nếu các nước cùng tuyên bố chủ quyền không lập ra được một cơ chế để dàn xếp bất đồng một cách hoà bình. Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Foreign Policy nhận định Washington đang chuyển trọng tâm chiến lược sang Đông Nam Á vì tầm quan trọng ngày càng lớn về quân sự, ngoại giao lẫn thương mại của khu vực này.
Đô đốc Robert Willard, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thì tuyên bố tại Malaysia hồi đầu tháng này: "Mỹ không đứng về bên nào trong một cuộc tranh chấp. Đây là một cam kết chắc chắn để cho thấy rằng các bên liên quan tới tranh chấp cần phải cùng nhau giải quyết vấn đề một cách hòa bình và thông qua đối thoại, chứ không phải bằng những va chạm trên biển hoặc trên không".
Nước đang giữ quyền chủ tịch ASEAN là Indonesia cũng kêu gọi các bên tại Biển Đông "hạ nhiệt", hành xử bình tĩnh và nhanh chóng đưa ra bộ quy tắc ứng xử có tình ràng buộc để làm cơ sở giải quyết các bất đồng. "Tình trạng gia tăng các sự cố trên ở Biển Đông cho thấy tầm quan trọng của việc Trung Quốc và ASEAN ngay lập tức đưa ra quy định về việc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC)", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Michael Tene nói.
Bắc Kinh đang muốn dọn đường
Trong khi đó, một mặt Trung Quốc liên tục khẳng định họ cam kết duy trì hoà bình ở Biển Đông, nhưng mặt khác lại tìm mọi cách gây hấn với các nước láng giềng trong khu vực bằng những vụ xâm phạm chủ quyền và phá hoại. Trong nửa tháng qua, các tàu của Trung Quốc liên tiếp gây rối khắp vùng Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng đột ngột với cả Việt Nam và Philippines.
Điển hình là hai vụ Trung Quốc cho tàu hải giám, ngư chính và dùng cả tàu đánh cá dân sự để thâm nhập sâu vào vùng chủ quyền biển 200 hải lý của Việt Nam để tấn công phá hoại hai tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam là Bình Minh 02 ngày 26/5 và Viking II ngày 9/6. Bắc Kinh cũng áp dụng chiêu phá rối tương tự đối với một nước ASEAN khác là Philippines, khiến nước này đưa vấn đề lên Liên Hợp Quốc.
Ngay sau mỗi vụ gây rối và phá hoại, Bắc Kinh lại lên tiếng tố ngược lại Việt Nam và Philippines đã hoạt động trong vùng biển chủ quyền của họ, nhằm đánh lừa dư luận bên ngoài hiểu nhầm về một khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp trên biển. Giới phân tích nhận định tất cả các hành động xâm phạm chủ quyền rõ ràng của phía Trung Quốc đã được tính toán kỹ lưỡng, nhằm dọn đường cho Bắc Kinh nhảy vào khai thác dầu khí tại Biển Đông.
Biển Đông là một khu vực rộng hơn 2 triệu km vuông, được cho là có trữ lượng tài nguyên dồi dào, trong đó dầu mỏ ước tính có đến 17,7 tỷ tấn, đứng thứ tư về trữ lượng trên thế giới. Trung Quốc luôn thể hiện rằng họ đồng ý khai thác dầu chung với các nước có tranh chấp, nhưng quan điểm này được giới quan sát bình luận là cách để Trung Quốc lợi dụng khai thác ở nơi thuộc chủ quyền của nước khác.
Đình Nguyễn