THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 March 2011

Sốt chuyện được mua - bán vàng

Thứ Tư, 2.3.2011 | 08:25 (GMT + 7)

Khái niệm vàng miếng, vàng tự do, vàng trang sức trong mấy ngày qua được quan tâm hơn bao giờ hết.

Bởi tiếp theo thông tin về việc tiến tới sẽ xoá bỏ thị trường vàng miếng tự do như nội dung Nghị định 11 về kiểm soát lạm phát của Chính phủ ngày 24.2 thì trong ngày 28.2, giới kinh doanh và người dân đón nhận thêm thông tin người dân không được mua mà chỉ được bán vàng.

Hiện, chưa có quy định nào giải thích cụ thể, phân biệt vàng miếng và vàng trang sức.    Ảnh: giang huy
Hiện, chưa có quy định nào giải thích cụ thể, phân biệt vàng miếng và vàng trang sức. Ảnh: giang huy

1. Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn ngày 28.2 cho biết, NHNN đã xây dựng Dự thảo về quản lý thị trường vàng và sẽ đưa ra lấy ý kiến trong thời gian tới. Theo thông tin ban đầu, nội dung cơ bản của dự thảo nghị định này tương tự như quản lý ngoại tệ. Tức là các cá nhân có quyền sở hữu, cất giữ, mang đi nhưng khi có nhu cầu phải bán lại cho những đầu mối do NHNN quy định. Hệ thống các đầu mối và giá thu mua vàng miếng sắp tới sẽ được NHNN xây dựng cụ thể. Như vậy, người dân chỉ được mua không hạn chế vàng trang sức. 

Việc phân biệt giữa vàng trang sức và vàng không phải trang sức rất khó khăn, vì chưa quy định nào giải thích cụ thể và cũng chưa có định nghĩa thế nào là vàng trang sức. Trong hai năm qua, tình trạng buôn vàng qua biên giới trở nên ngày càng phức tạp khi giá vàng diễn biến thất thường. Giới kinh doanh đã nghĩ ra cách lách luật là đúc vàng thành các hình khối có dáng dấp giống với kiềng, vòng cổ, vòng tay... để lách quy định không xuất khẩu vàng nguyên liệu. 

Còn ở trong nước, giới kinh doanh quan trọng tuổi vàng, còn nhập theo chính ngạch theo tiểu ngạch rồi cũng để chế tác và dập kèm thương hiệu. Thêm vào đó, việc phân biệt vàng miếng tự do và không phải tự do cũng rất khó bởi DN khi được nhập khẩu vàng đều phải được NHNN cấp phép, cấp hạn ngạch. Còn nếu lấy tiêu chí vàng nhập khẩu có phép và nhập lậu thì khi dập thành miếng kèm theo thương hiệu thì lúc đó việc phân biệt là gần như không thể. 

2. Ngày 1.3, NHNN ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động NH nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, trong số các công việc các TCTD phải thực hiện có việc thực hiện huy động và cho vay bằng vàng theo quy định tại thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29.10.2010: Giảm mạnh huy động và cho vay bằng vàng, phù hợp với chủ trương của NHNN tiếp tục hạn chế việc huy động và cho vay bằng vàng của TCTD trong thời gian tới. 

Cũng theo thông tư 22, TCTD chỉ được huy động vốn bằng vàng thông qua hình thức phát hành giấy tờ có giá, cho vay vốn bằng vàng để chế tác và kinh doanh vàng trang sức (không được cho vay để sản xuất và kinh doanh vàng miếng). Thêm vào đó, các TCTD cũng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành đồng Việt Nam và các hình thức khác. Ngay sau khi thông tư được ban hành, một loạt các NH công bố giảm lãi suất huy động vàng từ mức đỉnh 3% xuống còn cao nhất là 0,3%. 

Nhiều NH duy trì mức lãi suất 0% trong một thời gian dài, thậm chí có NH còn thu thêm phí gửi vàng. Lượng vàng huy động tại các NH đã giảm mạnh. Hiện nay, lãi suất huy động vàng tại các NH hầu hết được niêm yết ở mức 0,01% cho tất cả các kỳ hạn. Và rất nhiều người dân khi không gửi vàng ở NH đã mang về nhà cất giữ, trong khi nhiều dự án, công trình thiếu vốn.

3. Cuối tháng 11.2010, thông tin có khoảng 1.000 tấn vàng và khoảng 5 tỉ USD nằm trong dân gây xôn xao dư luận. Thống đốc NHNN đã đưa ra số liệu về diễn biến xuất nhập khẩu vàng giai đoạn 1998 đến tháng 9.2010 theo số liệu của Tổng cục Hải quan và NHNN: số vàng nhập khẩu là 339,86 tấn và xuất khẩu là 268,86 tấn. Như vậy tức con số nhập ròng vàng khoảng 71 tấn. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con số này chưa bao gồm số vàng mà dân đã tích trữ trước đó, cộng với số vàng nhập lậu mà ngành hải quan không thống kê được. Và có thể lượng vàng dự trữ trong dân đã lên tới vài trăm tấn(?). Thời gian qua, việc quy định mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 5% trên số lãi vàng đã không khuyến khích được người dân gửi tiết kiệm vàng. Trả lời câu hỏi "Làm thế nào huy động vàng trong dân chuyển thành vốn cho nền kinh tế, thay vì cất giữ tại gia mà không sinh lãi?", một chuyên gia lâu năm trong ngành tài chính cho rằng: Người dân mua vàng làm trang sức là nguyên nhân thứ yếu, còn chủ yếu là do lo ngại tài sản của mình bị mất giá. "Người ta mua vàng vì tin rằng vàng sẽ không mất giá như các tài sản khác" - ông này nói. 

Vấn đề hiện nay nếu người dân không chấp nhận bán vàng thì chỉ còn cách vay qua phát hành trái phiếu vàng. Nhưng vay rồi phải trả. Nếu trả bằng VND thì khi đó phải trả theo giá vàng tại thời điểm trả. Nếu vấn đề trên được đảm bảo thì người dân sẵn sàng mua trái phiếu vàng, gửi NH thậm chí không cần lãi. "Phải nghĩ tới quyền lợi của người gửi chứ không thể chỉ nghĩ tới quyền lợi của một phía" - chuyên gia này nói. Trong câu chuyện "Tuần lễ vàng" tháng 9.1945 là một bài học lớn khi chỉ trong 6 ngày đầu, theo ước lượng của Bộ Tài chính đã thu được khoảng 370kg vàng và 20 triệu tiền Đông Dương (trích dẫn các số liệu của Viện Sử học Hà Nội năm 1960).

Theo thông tin từ ngành thuế, từ ngày 12.3 tới, người gửi tiết kiệm vàng cũng đã được miễn thuế thu nhập cá nhân theo thông tư 12/2011/TT-BTC. Tin từ phía ngành NH, trong đợt huy động 200 lượng vàng miếng SJC rồng vàng 99,99 của NH Eximbank đợt 1 từ 6.1 – 6.3 với kỳ hạn từ 1 tháng trở lên trên toàn quốc dành cho khách hàng cá nhân, Eximbank yêu cầu khách hàng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân đối với lãi chứng chỉ huy động vàng theo quy định của pháp luật là 5% trên số lãi vàng tại thời điểm phát sinh lãi.

Lưu Thuỷ