THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 September 2013

Sửa Luật để tránh lợi dụng quyền của Nhà nước


‘Luật Đất đai 2003 đã cụ thể hóa được nội dung, trong đó xác định rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và quyền của người sử dụng đất, để tránh đi cách hiểu lệch lạc nhằm lợi dụng quyền của Nhà nước’- GS Đặng Hùng Võ.


 LTS: Con số 70% các vụ kiện tụng liên quan đến đất đai, và nhiều vụ tranh chấp, gây mất ổn định an ninh xã hội cũng bắt nguồn từ lý do này. Có thể nói, hệ thống quản lý đất đai tốt sẽ là một chìa khóa tháo gỡ những bất ổn xã hội hiện nay.
Nhằm huy động người dân tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật đất đai sửa đổi sẽ được đưa ra xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội khóa tới, VietnamNet phối hợp với Liên minh Đất đai tổ chức thăm dò ý kiến nhân dân về lấy ý kiến đồng thuận và tỷ lệ đồng thuận của người dân đối với các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của quận,huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trong khuôn khổ chương trình, Tuần Việt Nam giới thiệu phác thảo chung từ góc nhìn của GS Đặng Hùng Võ.
Bài 1: Sửa Luật để tránh lợi dụng quyền của Nhà nước?
Ông có thể đưa ra một cái nhìn tổng quan về Luật đất đai cũ, trong đó những vấn đề chính nào cần tập trung sửa đổi ngay trong Dự thảo Luật đất đai lần này
Nhìn lại toàn bộ vấn đề pháp luật đất đai ở Việt Nam, có thể nói Luật Đất đai 2003 đã đạt được một bước tiến quan trọng trong đổi mới pháp luật tại Việt Nam, nhưng một nhược điểm cũng rất quan trọng là chưa vượt qua được một số rào cản mang tính tư duy khi chuyển đổi cơ chế kinh tế từ bao cấp sang thị trường.
Luật Đất đai 2003 đã cụ thể hóa được nội dung của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, trong đó xác định rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và quyền của người sử dụng đất, để tránh đi cách hiểu lệch lạc nhằm lợi dụng quyền của Nhà nước. Từ đó, Luật đã hạn chế lại quyền thu hồi đất của Nhà nước đối với các dự án vì mục tiêu lợi nhuận kinh tế trên nguyên tắc chỉ áp dụng cho các dự án mang ý nghĩa lợi ích chung hoặc khuyến khích đầu tư. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nuớc thu hồi đất đã hướng tới bảo đảm quyền lợi của người mất đất.
Luật này cũng đã đưa ra cơ chế cụ thể để giải quyết những tồn tại lịch sử phức tạp về đất đai. Việc quản lý đất đai và quyết định của Nhà nước về đất đai được phân cấp hoàn toàn cho địa phương.
20130903134330-20121113154825-danghungvo
GS Đặng Hùng Võ trong buổi đối thoại với người dân bị thu hồi đất ở Văn Giang ngày 8/11/2012
Đổi mới quan trọng là Luật đã công nhận giá đất hình thành trên thị trường chuyển nhượng và giá đất củaNhà nước phải tương đương với giá đất trên thị trường. Thị trường quyền sử dụng đất được xác lập và là một thành phần của thị trường BĐS. Các tổ chức kinh tế có quyền giao dịch về đất đai và tạo cơ chế bình đẳng hơn về quyền và nghĩa vụ giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Luật này có những quy định cụ thể về tăng cường sự tham gia của người dân vào quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận và lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các thủ tục hành chính về đất đai được cải cách triệt để trên cơ sở tăng cường công khai và minh bạch.
Bên cạnh các cái được, Luật Đất đai 2003 cũng chưa quy định được hoặc quy định không hợp lý về cơ chế giải quyết được một số bức xúc quan trọng. Thứ nhất, hoàn toàn chưa có đổi mới trong thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp nhằm tạo động lực mới cho tam nông. Thứ hai, chưa có những chính sách đất đai hữu hiệu cho các nhóm yếu thế trong xã hội như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ ba, chưa chuyển được phương pháp luận quy hoạch sử dụng đất từ dự trữ tổng diện tích sang phân bổ không gian sử dụng đất. Thứ tư, chưa thể chế hóa được đầy đủ các yếu tố của một hệ thống quản trị tốt trên cơ sở thực hiện đầy đủ cơ chế minh bạch trong quản lý, trách nhiệm giải trình bắt buộc của cán bộ quản lý và sự tham gia của người dân. Thứ năm, chưa có cơ chế hiệu quả nhằm bảo đảm thực thi pháp luật.
Những vấn đề chưa vượt qua được và những thất bại trong triển khai Luật Đất đai 2003 chính là những bất cập chủ yếu cần đề cập trong quá trình xây dựng Luật Đất đai sửa đổi hiện nay. Một số thất bại chủ yếu có thể chỉ ra được cụ thể.

Cụ ông Nguyễn Ngọc Bính trên diện tích vườn sanh vừa bị cưỡng chế tại Văn Giang. Phía xa là một phần khu đô thị Ecopark - khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc.
Cụ ông Nguyễn Ngọc Bính trên diện tích vườn sanh vừa bị cưỡng chế tại Văn Giang. Phía xa là một phần khu đô thị Ecopark – khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc.
Thứ nhất, thiếu phù hợp giữa Hiến pháp và Luật Đất đai về cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Theo Hiến pháp, thuật ngữ Nhà nước thu hồi đất chỉ có thể sử dụng vào những trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải thu hồi đất hoặc người sử dụng đất muốn trả lại đất.
Khi quyền sử dụng đất đã là quyền tài sản mà người sử dụng đất bắt buộc phải giao cho Nhà nước thì không dùng thuật ngữ thu hồi. Thuật ngữ hợp lý là: (1) Nhà nước trưng thu quyền sử dụng đất có bồi thường đối với các dự án vì lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh và lợi ích công cộng không gắn với lợi ích của nhà đầu tư; (2) Nhà nước trưng dụng quyền sử dụng đất có bồi thường sau khi đã sử dụng xong đối với trường hợp xẩy ra thiên tai, chiến tranh, tai nạn, dịch bệnh, v.v. mà chính quyền cần đất; (3) Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất đối với các dự án vì lợi ích công cộng gắn với lợi ích của nhà đầu tư. Đây không chỉ là lý luận hay thuật ngữ mà là cách thể hiện cụ thể của một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

Thứ hai, cơ chế Nhà nước thu hồi đất cho các dự án vì lợi ích kinh tế của nhà đầu tư không được người dân tán thành nhưng lại chưa có cơ chế phù hợp để giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư trong cơ chế thỏa thuận với người đang sử dụng đất khi gặp trường hợp bị đòi hỏi phi lý hoặc bất hợp tác.
Thứ ba, cơ chế Nhà nước quyết định giá đất phù hợp thị trường chưa có quy định cụ thể, mỗi địa phương làm một khác, giá đất của Nhà nước quy định và quyết định luôn thấp hơn giá thị trường, khó tránh được các tiêu cực.
Thứ tư, chính sách không cho khiếu nại về đất đai lên trung ương là không hợp lý và làm cho dân bức xúc. Người dân rất cần tới sự can thiệp của Trung ương nhằm bảo đảm tính khách quan.
Thứ năm, pháp luật thường không được thực thi đầy đủ ở nhiều địa phương, cả người sử dụng và người quản lý nhưng không có đủ chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật. Đây chính là môi trường pháp lý sinh ra bệnh “nhờn luật”.
Những bất cập nêu trên gây ra hệ quả tất yếu, nhìn thấy rất rõ trên thực tế là cả tham nhũng về đất đai và khiếu nại của dân về đất đai đều không thuyên giảm, thậm chí có xu hướng tăng lên.
Những bất cập cần giải quyết ngay
Đâu là những vấn đề bất cập nhất trong chính sách đất đai hiện hành, theo ông, đặc biệt trong công tác quản lý sử dụng đất đai và sự đồng thuận của người dân?
Hiện tại đang tồn tại một số bất cập chủ yếu trong chính sách đất đai. Có một số bất cập đã được giải quyết như việc không cho người dân khiếu nại lên Trung ương đã được Luật Tố tụng hành chính cho phép. Một số bất cập khác đang chờ đợi Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi.
Thứ nhất, cần tìm ra cơ chế thật phù hợp để Nhà nước chỉ can thiệp vào chuyển dịch đất đai khi thật cần thiết vì lợi ích chung, và khi cần can thiệp thì có cách để kiểm soát quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, tạo quỹ đất để đầu tư công nghiệp hóa, đô thị hóa phải mang lại lợi ích không chỉ cho nhà đầu tư mà phải mang lại lợi ích lâu dài cho những người mất đất.
Thứ ba, các quyết định về đất đai của Nhà nước và việc quản lý đất đai cần tới sự tham gia của người dân, nhiều trường hợp cần trao quyền quyết định cho cộng đồng địa phương để phù hợp với nguyên tắc sở hữu toàn dân về đất đai. Cơ chế giám sát của người dân cần được cụ thể hóa trên thực tế.
Thứ tư, sự bình đằng về quyền hưởng lợi từ đất đai cần được quy định trong Hiến pháp như quyền của mỗi người, trong đó những chính sách đất đai đặc thù cho nhóm yếu thế gồm phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân cần được hoạch định hợp lý. Tam nông đang cần một môi trường sử dụng đất ổn định, lâu dài để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.
Thứ năm, minh bạch trong quản lý và trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý không chỉ được quy định cụ thể trong văn pháp pháp luật mà cần được thực thi triệt để trong thực tế, đó cũng chính là cơ sở để giám sát trong quản lý đất đai.
Thứ sáu, làm gì để pháp luật đất đai được thực thi nghiêm túc kể cả từ phía người sử dụng đất và từ phía cơ quan quản lý, chế tài xử lý đối với người vi phạm pháp luật phải cụ thể, nhất là những vi phạm pháp luật do người dân thực hiện giám sát phát hiện ra.
Những bức xúc nói trên được giải quyết thì tự khác tính đồng thuận xã hội sẽ hình thành, bền vững xã hội trong quá trình phát triển được xác lập.
Theo Tuanvietnam