THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 September 2013

2 chế độ trong một bệnh viện

Sáng qua, Ủy ban TVQH đã thảo luận Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tếgiai đoạn 2009-2012. Nhiều ý kiến cho rằng bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm còn bị phân biệt đối xử, và đề nghị phải phân tích rõ thực trạng này để có biện pháp chấn chỉnh.
2 chế độ trong một bệnh viện
Phải tạo dịch vụ khám chữa bệnh hấp dẫn mới thu hút được người dân tham gia BHYT - Ảnh: Diệp Đức Minh
Đại diện cơ quan chủ trì giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho hay, trong giai đoạn 2009-2012, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã tăng từ 58,2% năm 2009 lên 66,8% năm 2012. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2012 vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%; một số nhóm đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT nhưng tỷ lệ đạt thấp...
Một trong những nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà là do hoạt động khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại bệnh viện chưa thực sự hấp dẫn. Theo bà Mai, hiện nay, đa số các bệnh viện đều hoạt động theo cơ chế tự chủ và mở rộng xã hội hóa, qua đó sử dụng khá nhiều thiết bị kỹ thuật y tế theo mô hình góp vốn, dành 5-10% số giường làm dịch vụ để thu phí cao. Bệnh nhân BHYT chỉ được hưởng những dịch vụ cơ bản do BHYT chi trả, khi sử dụng dịch vụ xã hội hóa họ phải trả thêm phần tiền chênh lệch.
“Xã hội hóa công tác KCB tuy đạt nhiều thành tựu, có nhiều điểm tích cực, song cũng hình thành 2 chế độ trong một bệnh viện nhà nước, bệnh nhân BHYT với 2-3 người/giường và bệnh nhân KCB theo yêu cầu với 1 người/phòng với đầy đủ thiết bị. Sự tương phản này cùng với yêu cầu về y đức chưa được cải thiện nhiều làm cho BHYT thiếu hấp dẫn, gặp khó khăn trong việc mở rộng”, bà Mai phân tích.
Nếu đi khám mà câu đầu tiên bác sĩ hỏi có bảo hiểm hay không, bệnh nhân đã nảy sinh tâm lý sợ bị phân biệt đối xử. Bác sĩ không nên yêu cầu bệnh nhân phải khai. Việc của anh là cứ khám, bệnh nhân khám xong thì sẽ xuống khu vực khác để nộp tiền
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc
Bỏ tiền túi để tránh phiền toái
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận, việc tham gia BHYT giúp cho người dân hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là với những bệnh nhân nghèo, nhưng thực tế thì vẫn có rất nhiều người dân chưa mặn mà do bị phân biệt. “Cái chính là phải tạo dịch vụ hấp dẫn thì chính sách mới bền vững được. Nếu đi khám mà câu đầu tiên bác sĩ hỏi có bảo hiểm hay không, bệnh nhân đã nảy sinh tâm lý sợ bị phân biệt đối xử. Bác sĩ không nên yêu cầu bệnh nhân phải khai. Việc của anh là cứ khám, bệnh nhân khám xong thì sẽ xuống khu vực khác để nộp tiền”, ông Phúc đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cảnh báo: “Vừa rồi xảy ra trường hợp hai mẹ con sản phụ bị tử vong do khi gặp sự cố bệnh viện cấp huyện vẫn cố giữ lại vì nếu cho chuyển lên tuyến trên thì BHYT cũng sẽ bị cắt đi theo. Cho nên nếu BHYT sử dụng không đúng sẽ ảnh hưởng đến cả tính mạng của người dân”.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng đề nghị phải phân tích tại sao ở miền núi, Tây nguyên, điều kiện sống khó khăn hơn mà tỷ lệ tham gia BHYT lại cao hơn, trong khi những tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển thì tỷ lệ tham gia của dân lại thấp. Theo ông Lưu, vấn đề là phải cải cách thủ tục hành chính vì trên thực tế, thủ tục phức tạp, rườm rà, phải chờ đợi lâu, bị gây khó dễ… khiến cho bệnh nhân rất ngại dùng thẻ BHYT khi đến cơ sở KCB. Những người có tiền sẵn sàng bỏ tiền túi để KCB theo dịch vụ yêu cầu để tránh các phiền toái.
Phát biểu sau đó, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhìn nhận báo cáo mới chỉ dừng lại ở mô tả về tình hình sử dụng BHYT, tình hình KCB phục vụ BHYT mà chưa chỉ ra được nơi nào làm tốt, mô hình nào là mô hình tốt, nơi nào thực hiện chưa tốt và cần chỉ ra trách nhiệm đơn vị, cơ quan, địa phương vi phạm. “Ví dụ khiếm khuyết trong KCB, báo cáo nêu chủ yếu tình hình sử dụng kinh phí là chính, rồi chi trả là chính, nhưng còn thực trạng KCB đối với những người có thẻ BHYT hiện nay còn tồn tại mấy vấn đề: Thứ nhất là không được đối xử công bằng như những người có tiền; Hai là địa phương muốn giữ người có BHYT làm cho tình trạng bệnh trầm trọng; Ba là chi trả cho những người BHYT rất lâu và rất khó khăn, thậm chí có nơi chi trả không đủ. Người có thẻ BHYT rất là cực. Chất lượng KCB đối với người có thẻ BHYT thế nào, cần có kết luận sắc nét hơn trong Báo cáo giám sát”, Phó chủ tịch nước đề nghị.
“Ăn của dân không từ một cái gì”
Liên hệ đến những vấn đề khác, Phó chủ tịch nước cho rằng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước rất tốt đẹp nhưng khi triển khai thực hiện ở địa phương thì bị biến dạng đi rất nhiều, như tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỉ đồng, vừa bị khởi tố; tiền của gia đình liệt sĩ, thương binh cũng bị ăn chặn; rồi liều vắc xin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu, xảy ra ngay tại Hà Nội… 
“Tôi càng đi nhiều càng thấy buồn, chỉ vui vì dân vẫn tin tưởng Đảng nhưng buồn nhiều vì chế độ chính sách đến với dân như vậy. Đến tiền liệt sĩ, thương bệnh binh còn ăn được, bây giờ ăn của dân không từ một cái gì. Cho nên QH cần phải có biện pháp thế nào đó để chấn chỉnh tình trạng luật pháp không nghiêm, không ai sợ pháp luật, không ai sợ bị trừng trị”, Phó chủ tịch nước chia sẻ.

“Bắt buộc” để tiến tới BHYT toàn dân
Chiều qua Ủy ban TVQH đã thảo luận xung quanh dự thảo luật BHYT sửa đổi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định việc sửa đổi luật lần này mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Thay vì phải chi trả một phần BHYT, tới đây người nghèo sẽ được nhà nước hỗ trợ 100%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 95%. Ngoài ra người nghèo, cận nghèo còn được hưởng tiền vận chuyển, tiền ăn, tiền đi lại...
Liên quan đến quy định BHYT là bắt buộc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn: “Ban soạn thảo có lường hết được việc mở rộng từ tự nguyện sang bắt buộc có thực hiện được hay không? BHXH bắt buộc còn thu chẳng được, nói gì đến BHYT”. Rất nhiều ý kiến cũng cho rằng việc bắt buộc mua BHYT là chưa hợp lý. Tuy nhiên Bộ trưởng Y tế giải thích BHYT lo hết cho người nghèo và người cận nghèo, nếu không bắt buộc không thể tiến tới BHYT toàn dân.
 Thu Hằng
Cần Thơ: 8 tháng, 5 vụ sai sót nghiêm trọng
Ngày 11.9, UBND TP.Cần Thơ đã triệu tập cuộc họp toàn ngành y tế địa phương để chấn chỉnh chuyên môn và y đức sau hàng loạt những sai sót liên tiếp xảy ra trên địa bàn. Cuộc họp do ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ chủ trì. Có 5 vụ việc sai sót xảy ra trong 8 tháng qua được đưa ra phân tích. Vụ đầu tiên xảy ra vào tháng 1.2013, khi sản phụ Đào Thị Mai tử vong tại Bệnh viện đa khoa Ô Môn do bị băng huyết sau sinh. Sai sót của các y, bác sĩ là theo dõi tình trạng bệnh nhân sau khi sinh không chặt chẽ, khi bệnh của chị Mai trở nặng thì hồi sức cấp cứu không còn hiệu quả và bệnh nhân tử vong. Đến ngày 24.5.2013, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ "căng thẳng" khi người nhà một bệnh nhi tử vong bức xúc và không chịu đưa thi thể cháu về nhà. Theo kết quả kiểm thảo tử vong, bệnh nhi này tử vong do sốc nhiễm trùng huyết từ tiêu hóa vì nhiễm khuẩn Escherichia Coli. Một phần trách nhiệm thuộc về các y bác sĩ vì đã không nắm bắt được diễn biến bệnh và xử lý không kịp khi bệnh trở nặng. Cũng tại bệnh viện này, ngày 13.8, còn xảy vụ việc điều dưỡng cấp thuốc Hydrite đã quá hạn sử dụng cho bệnh nhân. Theo lý giải của lãnh đạo bệnh viện thì do sai sót trong quản lý dược. Một bác sĩ đã đem 90 gói  Hydrite dùng để cho từ thiện đã hết hạn sử dụng vào bệnh viện cất và điều dưỡng đã lấy thuốc này để phát cho bệnh nhân. Tháng 7.2013, xảy ra vụ việc điều dưỡng của Bệnh viện Phụ sản quốc tế Phương Châu tiêm nhầm khí dung (ventolin 1,5mg+Natri Chlorua 9%0 dùng để phun qua đường mũi) vào tĩnh mạch cho bệnh nhi qua bơm tiêm tự động. Sau đó bệnh nhi bị biến chứng nặng và may mắn được cấp cứu kịp thời. Mới đây nhất là vụ bệnh nhân bị tràn khí màng phổi trái nhưng bác sĩ lại mổ đặt ống dẫn lưu màng phổi phải xảy ra tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi TP.Cần Thơ hôm 30.8.
Sau 5 vụ sai sót trên có 16 cán bộ, y bác sĩ bị kỷ luật. Tuy nhiên hình thức kỷ luật cũng chỉ là khiển trách, hạ bậc thi đua tháng, nhắc nhở rút kinh nghiệm. Ông Lê Hùng Dũng cho rằng những vụ việc xảy ra cho thấy sai sót do trình độ chuyên môn kém cũng có mà do sự tắc trách cũng có. Tuy nhiên, cách xử lý sai phạm của các đơn vị là chưa tới nơi, tới chốn.
Đình Tuyển
Bảo Cầm