Thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 sáng 3/6, ĐBQH nói có đủ cơ sở khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng – lực lượng lãnh đạo duy nhất đáp ứng các yêu cầu bức thiết từ trước đến nay và cả mai sau.
Không phải là cảm tính một chiều
ĐB Đặng Ngọc Tùng cho rằng, Hiến pháp của bất kỳ một quốc gia nào cũng đều mang hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền, phục vụ cho lợi ích của giai cấp đó. Do đó, dự thảo Hiến pháp sửa đổi giữ nguyên điều 4 cũng để khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan, sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhưng bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tình hình mới.
ĐB Huỳnh Thế Kỳ bày tỏ đồng tình quy định điều 4 là thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, là sự kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Khẳng định tính chất lịch sử, tính chất khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bởi lẽ, thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội luôn là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
“Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, thành lập, tham gia các đảng phải chính trị, tiến hành hoạt động chống phá, cần bổ sung chỉnh lý điều 4 theo hướng quy định Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội thay cho quy định như trong dự thảo Hiến pháp hiện hành là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.
ĐB Trương Thị Thu Trang: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử |
ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) thì cho rằng, nhìn vào thực tiễn đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, trở thành quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN, có liên hệ quốc tế rộng mở, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Như vậy, về mặt lý luận và thực tiễn có đủ cơ sở khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng lãnh đạo duy nhất đáp ứng được các yêu cầu bức thiết của nhân dân trong các giai đoạn cách mạng từ trước đến nay và cả mai sau.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng bày tỏ: Tôi tán thành việc tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện tại điều 4, sự tán thành của tôi không phải là cảm tính một chiều mà dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn….
Theo ông Học, qua việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tuyệt đại bộ phận nhân dân khẳng định sự nhất trí tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại điều 4. “Ý kiến không đồng ý chỉ là một số rất ít. Một khi nhân dân đã lựa chọn suy tôn Đảng là lực lượng lãnh đạo duy nhất của mình, nhân dân yêu cầu phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp thì đây là sự lựa chọn suy tôn sáng suốt, đúng đắn của những người làm chủ cần được ghi nhận tôn trọng”.
Đề nghị bổ sung ‘Đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật’
ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, thực tiễn lịch sử có lúc thăng trầm, Đảng cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, có khó khăn từ bên ngoài, có khó khăn từ chính nội tại nhưng Đảng luôn là đại biểu duy nhất đóng vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của cả dân tộc Việt Nam, luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
ĐB Đinh Thị Phương Lan |
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đánh giá trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn mà nhân dân đạt được trên tất cả các lĩnh vực do sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng qua tiếp xúc cử tri cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn về những thiếu sót, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
“Trên thực tiễn, nghị quyết của Đảng có hiệu lực và vị thế cao nhất đối với nhà nước và xã hội, cán bộ đảng viên và nhân dân ai cũng phải chấp hành. Nhưng nếu chủ trương, nghị quyết đó có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến thiệt hại cho đất nước, làm hao tổn đến tiền của nhân dân thì chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với chủ thể ban hành trước pháp luật.
ĐB Trương Thị Huệ đề nghị bổ sung nội dung Đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật |
Như vậy, nếu chỉ quy trách nhiệm trước nhân dân mà không chịu trách nhiệm trước pháp luật thì rất không cụ thể. Chúng ta được biết trong Đảng có Điều lệ, có quy định, có quy chế để điều chỉnh, xem xét, xử lý các vấn đề trên. Nhưng đó là việc nội bộ của Đảng, vì vậy người dân khó có ý kiến vào công việc nội bộ của Đảng.
Do đó tôi đề nghị bổ sung nội dung Đảng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vào điều 4 để thể hiện trách nhiệm của Đảng trước những quyết định của mình, đồng thời làm cơ sở để nhân dân giám sát” – bà Huệ phát biểu.
Theo VietNamNet