- Sau khi VietNamNet cho đăng ý kiến về việc Công viên Thống Nhất, Hà Nội xảy ra tình trạng “thu phí không vé”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc.
Thu phí dựa vào… trang phục?
Một bạn đọc bức xúc: “Tôi cũng rất bức xúc về công viên Thống Nhất này. Cuối tuần tôi thường cùng bố mẹ và các cháu vào đây chơi (nhà tôi gần nên chỉ đi bộ, không phải gửi xe). Ông bà thì đi thể dục, nên mặc đồ ở nhà, và không bị thu phí. Còn tôi thì mặc đồ tươm tất hơn và lần nào cũng bị thu phí, mặc dù là đi cùng nhau. Vậy chả nhẽ lại thu phí hay không chỉ dựa vào đồ mặc là ở nhà hay đồ ra phố?”
Tại sao các cơ quan chức năng không làm biển ghi rõ "Miễn phí khi vào công viên" để tất cả dân chúng đến chơi đều biết và không bị thu phí bất công như vậy. Thiết tưởng, công viên là nơi công cộng để mọi người thư giãn và nghỉ ngơi sau giờ những giờ căng thẳng thì lại mua thêm bực vào mình. Đã thu thì phải thu hết, kể cả người vào tập thể dục. Hoá ra mặc đẹp thì sẽ bị thu phí còn mặc quần đùi, áo may ô vào nơi công cộng thì không mất tiền!”, bạn đọc Thanh Trà cho hay.
Khi tôi mặc đồ thể thao đi chạy thể dục hàng ngày thì không ai hỏi vé. Nhưng khi tôi diện váy hay quần áo đẹp để đi dạo thì họ lại bắt mua vé nếu không sẽ không cho vào. Thử hỏi mỗi ngày (nhất là những ngày hè nóng nực) sẽ có bao nhiều người phải trả tiền vé trong khi hàng loạt người khác không phải trả tiền. Công bằng ở đâu?
Bởi thế, nên nhiều bạn đọc mạnh dạn đề xuất “mẹo” để không mất phí vào cửa: Bạn muốn đi chơi công viên Thống Nhất thì nên mặc quần đùi từ nhà đi, quần dài cho vào túi vào trong rồi mới mặc. Thế là không mất tiền đâu.
Mặc quần đùi, áo may ô vào nơi công viên thì không mất tiền...(ảnh VietNamNet) |
Trả tiền để đi WC công cộng miễn phí
Bạn đọc Hồ Ngọc Bá bức xúc: “Tôi cũng rất bất bình nhưng nếu vì một vài chục ngàn mà gây gổ nơi công cộng thì cũng không hay. Cụ thể là tôi đưa con đi bộ trong công viên có mang theo xe máy mà nhân viên bán vé thu 13.000 đồng trong khi niêm yết giá là vé vào là: trẻ em 2.000 đồng, người lớn 4.000 đồng, trông xe máy 2.000 đồng . Tôi thắc mắc thì nhân viên cười khẩy…”
“Không chỉ vé vào cửa, mà các trò đu quay cũng không hề có vé. Tình trạng này diễn ra lâu rồi.”
Không những bảo vệ công viên thu phí vào công viên không có hóa đơn. Mà trong công viên sử dụng các dịch vụ trò chơi tiền thu đều cao hơn giá được in trên vé. Cụ thể, vé đi tầu hỏa trong công viên (1 vòng trên vé ghi 10.000 đồng. Tuy nhiên bên cạnh đó có đóng thêm chữ số 25.000 đồng, và tiền thu của khách là 25.000 đồng/1 vé khi đi tàu trẻ em và người lớn giá vé như nhau). Vậy 15.000 đồng chênh lệch này ban quản lí công viên có biết?
“Mình cũng đến đây nhiều lần, trung bình một tháng cũng phải 1 - 2 lần, khi mình đi đến gồm 2 người và một xe máy, các nhân viên ở đây thu 12.000 đ, mà không có hóa đơn hay vé gì, chỉ có cái vé xe máy ghi giá 2.000 đồng. Đi vệ sinh ở đây mỗi lần mất 2.000 đồng, trong khi ở cửa nhà vệ sinh ghi rõ là nhà vệ sinh công cộng không thu phí.”, bạn đọc Đinh Sơn còn cho biết thêm.
Ban Bạn đọc