THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 May 2013

Cảnh báo từ nền kinh tế nguội lạnh



“Trong khi chưa giải tỏa được những “cục máu đông” nợ xấu, tồn kho đang chặn dòng lưu thông kinh tế thì lại có ý kiến cho rằng cần phải tính đến tình trạng “tồn kho chính sách, tồn kho thể chế lạc hậu”, hiểu rộng ra – “tồn kho” cả một mô hình tăng trưởng đã lỗi thời. Mà đây chính là những nguy cơ đe dọa lâu dài sự ổn định vĩ mô”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Ông Trần Đình Thiên
LTS: Ngày mai (30/5), các ĐBQH sẽ thảo luận tại Hội trường trong phiên họp được truyền hình trực tiếp để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số góc nhìn của các chuyên gia kinh tế.
Tồn kho chính sách và thể chế
Trên diễn đàn QH vừa qua, nhiều ý kiến đánh giá rằng nền kinh tế hiện đang hết sức khó khăn, thậm chí nhiều người cho rằng gay go lắm rồi? Theo ông, tình hình kinh tế năm 2013 đáng quan ngại đến mức nào?
Ông Trần Đình Thiên: – Tính đến nay đã gần hết quý 2/2013. Vẫn có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng tình hình kinh tế sẽ vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trở ngại trong giai đoạn tới.
Về phương diện tăng trưởng GDP, dễ nhận thấy rằng cả 3 “trụ cột” – tín dụng, ngân sách và lực lượng DN – đều đang rất yếu. Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá thấp, thực lực ngân sách – yếu tố quan trọng nhất để kích thích tăng trưởng trở lại khi nền kinh tế gặp khó khăn nay cũng rất yếu. Lực lượng DN bị tổn thất quá lớn.
Về phương diện ổn định vĩ mô cũng có nhiều khía cạnh đáng lo ngại. Ví dụ như tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, kéo theo sự giảm sút thu nhập lao động. Đây là hệ quả tất yếu của tình trạng DN phải đóng cửa nhiều hoặc phải giảm mạnh công suất hoạt động. Kết cục là sự suy yếu của tổng cầu kéo dài – một trong những tác nhân gây ra tình trạng trì trệ và suy giảm tăng trưởng.
Ngoài ra, còn những “cục máu đông” đang chặn dòng lưu thông kinh tế – nợ xấu, tồn kho bất động sản – chưa giải tỏa được. Có ý kiến cho rằng còn phải tính đến tình trạng “tồn kho chính sách, tồn kho thể chế lạc hậu”, hiểu rộng ra – “tồn kho” cả một mô hình tăng trưởng đã lỗi thời. Mà đây chính là những nguy cơ đe dọa lâu dài sự ổn định vĩ mô.
Tổ hợp những yếu tố trên, dù chưa phải là tất cả những nguyên nhân gây khó khăn cho nền kinh tế, dễ hình dung ra nền kinh tế nước ta đang lâm vào tình thế khó khăn cỡ nào. Phải nói là rất khó. Đó là tình thế vòng xoáy “suy giảm tăng trưởng và bất ổn vĩ mô”.
Cũng có thống kê cho thấy khá nhiều DN được lập mới. Vậy có nên coi đó là tín hiệu khởi sắc?
- Đúng là nhiều DN mới đã được thành lập. Theo báo cáo, thông thường số này còn nhiều hơn số DN đóng cửa. Nhưng đó chỉ là con số đăng ký. Số đăng ký mới được thống kê không nhất thiết là số hoạt động, có đóng góp thực vào tạo việc làm và tăng trưởng.
Nhìn vào tương quan con số giữa số DN mới thành lập và số đóng cửa, dễ gây ra sự ngộ nhận là tình hình vẫn ổn, sức sống DN vẫn tốt. Ngộ nhận như vậy sẽ dẫn tới ảo tưởng chính sách. Rất nguy hiểm.
Hiểu một cách đơn giản và thực tế, muốn biết thực sự số DN mới đi vào hoạt động thế nào thì phải kiểm định ở các thông số khác như mức vay vốn tín dụng có tăng không, tiêu thụ điện tăng hay giảm, hay xa hơn, tăng trưởng GDP sau đó có diễn ra tương ứng không.
Đặc thù DN của ta chủ yếu tay không bắt giặc, dựa vào vốn vay. Nhưng chỉ số tín dụng không tăng, điều đó chứng tỏ con số DN đăng ký thành lập mới không có được bao nhiêu ý nghĩa. Và như vậy, hoặc con số này thực tế không có ý nghĩa, hoặc số DN mới làm ăn rất kém hiệu quả, do đó, ít hoặc không tác động gì đến các biến số liên quan trong nền kinh tế.
Nền kinh tế nguội lạnh sẽ nguy kịch
Thưa ông, thực tế cũng có một điểm sáng nổi lên trong những tháng đầu năm nay là lạm phát đã được kiềm chế?
- Đúng là lạm phát đã giảm như mục tiêu đề ra. Điều này góp phần kéo lãi suất xuống, giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng, giá cả được kiềm chế ổn định.
Tuy nhiên, cũng phải thấy hai mặt của vấn đề. Ta ca ngợi thành tích giảm lạm phát nhưng cũng cần thấy cái giá phải trả cho việc kéo lạm phát giảm xuống.
Trong những năm qua, chính biện pháp thắt chặt tiền tệ là yếu tố ngắn hạn trực tiếp và chủ yếu kéo giảm lạm phát. Nhưng thắt chặt tiền tệ “quá mức” đã khiến nhiều DN lâm vào tình cảnh khó khăn, bi đát. Nói như vậy có nghĩa là chủ trương hạ lạm phát là đúng, chủ trương thắt chặt tiền tệ là đúng. Nhưng cách “thắt chặt” thế nào để ít gây tổn thất thì lại phải thận trọng.
“Thắt” mạnh đột ngột khi nền kinh tế và các DN đang ốm yếu, đang cần tiếp máu thì nhiều DN sẽ phải “ra đi”. Thực tế  trong hơn 2 năm qua, có thể nói ta đã phải trả giá rất đắt để có được sự ổn định, dù đó là sự ổn định không vững chắc.
Suốt giai đoạn 2007 – 2011 nền kinh tế vốn dĩ đang bị yếu sẵn. Sau đó khi chúng ta ban hành chủ trương thắt chặt lại càng khiến cho nền kinh tế yếu thêm. Trong khi đó, nếu chỉ thắt chặt vừa phải thì tốc độ lạm phát có thể giảm chậm mà DN đỡ bị kiệt quệ. Đây là một bài học rất quan trọng.
Tôi cho rằng thành tích giữ ổn định giá cả và giảm lạm phát phải nhìn nhiều mặt, nếu không sẽ càng gây thêm ảo tưởng. Bởi vì lạm phát thấp không hẳn là dấu hiệu của sự ổn định vững chắc. Nhiều DN phải đóng cửa cũng là bất ổn vĩ mô, cầu thị trường thấp cũng là bất ổn. Một khi nền kinh tế nguội lạnh thì đó chính là bất ổn, thậm chí còn mang tính nguy kịch hơn.
Nhưng có một vấn đề khiến nhiều người quan ngại rằng các số liệu và thống kê đưa ra chưa nhất quán, thậm chí không chính xác so với thực tế khiến việc đánh giá tình hình bị sai lệch?
- Rõ ràng với cách cung cấp thông tin như lâu nay thì cơ sở để thiết kế chính sách rất khó chuẩn xác. Rất khó, nếu không nói là không thể xây dựng những chính sách đúng và tốt với một cơ sở thông tin, dữ liệu thiếu, yếu và sai.
Về thực trạng thông tin ở nước ta hiện nay, cứ nhìn vào một lĩnh vực phải cung cấp thông tin công khai và “chuẩn” là thống kê việc làm là thấy sự chưa chính xác. Ai cũng nhìn thấy vài năm qua, số DN phá sản nhiều đến vậy mà thống kê cứ tuyên bố việc làm lại cứ tăng lên mà không có bất kỳ sự giải thích nào.
Tại thời điểm hiện nay, thống kê số việc làm mới được tạo ra vẫn tăng đều đặn, giống như thời nền kinh tế “ào ào” tăng trưởng lúc mới đổi mới. Thông tin việc làm, thất nghiệp, như vậy rõ ràng là không hề có sức thuyết phục, thiếu logic, thậm chí gây ra sự thiếu lòng tin trong dân. Nên nhớ rằng chưa cần đến những bộ số liệu tỷ mỉ, sạch sẽ, tự bản thân logic kinh tế đã cho thấy sự thiếu logic của cách tư duy đó.
Công khai minh bạch là yêu cầu hết sức quan trọng. Xã hội cần các số liệu để kiểm chứng, như thế mới có điều kiện để làm chính sách đúng. Muốn có chính sách đúng thì con số thống kê phải đúng, phải có cơ sở.
Đó là chưa bàn đến tình trạng chính sách thì đúng rồi, ban hành kịp thời rồi nhưng khởi động để đi vào thực tiễn thì lại chậm trễ.
Chính phủ phải ưu tiên trả nợ doanh nghiệp
Ông có gợi ý gì về những trọng tâm cần ưu tiên làm từ nay đến hết năm?
- Có ba vấn đề nên làm.
Thứ nhất là thay đổi cách tiếp cận mục tiêu ưu tiên. Thứ hai là tái cơ cấu và thứ ba là xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế.
Cụ thể là gì thưa ông?
-  Cách tiếp cận logic mục tiêu của mấy năm qua không giúp nền kinh tế tháo gỡ khó khăn. Ngược lại, tình hình còn gay go hơn. Bây giờ, phải có cách tiếp cận mục tiêu khác đi thì mới giải quyết được vấn đề.
Theo tôi, hiện nay, trong cấu trúc mục tiêu, chưa cần tính vội đến mục tiêu tăng trưởng GDP bao nhiêu %. Cái cần ưu tiên hiện nay là giải tỏa các “cục máu đông”, tập trung giải quyết một số “tọa độ” tái cơ cấu trọng điểm – ví dụ chỉ tập trung tái cơ cấu thí điểm 1-2 tập đoàn kinh tế nhà nước.
Nhưng giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu là công việc tốn rất nhiều tiền. Ưu tiên giải quyết chúng trong điều kiện nguồn tài lực cả công lẫn tư của nền kinh tế rất yếu nghĩa là trước hết phải ưu tiên dành nguồn lực cho chúng. Sau đó mới tính xem còn bao nhiêu tiền để đầu tư tăng trưởng. Logic vượt thoát tình trạng “vòng xoáy” lưỡng nan hiện nay là ở đó. Dĩ nhiên, có thể đi vay để đáp ứng “hài hòa” các mục tiêu. Nhưng điều đó không làm thay đổi logic ưu tiên các nhiệm vụ.
Như vậy cách tiếp cận là phải thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực. Tăng trưởng là quan trọng nhưng phải theo logic ưu tiên, tạo ra nguồn lực để đem lại cơ sở cho phục hồi tăng trưởng.
Vậy ứng xử thế nào với cục máu đông nợ xấu?
- Nợ xấu ngoài nguyên nhân do DN vay không có tiền trả còn có một tác nhân khác là nhà nước. Thực chất vấn đề là ở chỗ Chính phủ và chính quyền các địa phương đang nợ các DN tiền thanh toán các dự án, công trình xây dựng cơ bản. Theo thống kê khá chính thức thì số nợ này lên đến gần 100.000 ngàn tỷ đồng.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ phải lo trả món nợ này cho DN. Động thái vừa qua của Chính phủ chưa đủ quyết liệt để giải tỏa vấn đề này.
Việc Chính phủ ưu tiên trả nợ cho DN sẽ giúp giải tỏa cục máu đông, lưu thông kinh tế tăng lên, tạo được lòng tin của DN với Chính phủ. Lòng tin phục hồi. Cơ sở tăng trưởng cũng được phục hồi. Quả thực, nếu xử lý được nợ xấu thì  DN sẽ tiếp cận được vốn, tạo được việc làm, thị trường cũng ấm dần lên.
Ta không nên kỳ vọng việc xóa nợ xấu diễn ra nhanh. Ta chưa hề có kinh nghiệm nào về vấn đề này. Đây là chỗ phải rõ ràng minh bạch. Không ít người nghĩ rằng mọi chuyện sẽ “một phát ăn ngay”. Kinh nghiệm thế giới – không có ngoại lệ, đó là một mong ước – tham vọng có màu sắc hoang tưởng.
Ngoài những giải pháp trên, ông có gợi mở gì về định hướng chính sách dài hạn?
- Nên có một chương trình phục hồi kinh tế tương đối dài hạn hơn là kế hoạch cho từng năm một. Nên đặt ra một kế hoạch phục hồi, chương trình phục hồi kinh tế trong khoảng thời gian 3- 4 năm chứ không nên câu nệ.
Bởi nếu tính theo kế hoạch từng năm thì giải pháp đề ra cũng chưa thể phát huy hết “công suất” được. Mọi chính sách phải có thời gian đủ dài mới phát huy hiệu ứng. Nền kinh tế đang rất yếu. Nếu nó có đến đáy rồi thì phục hồi cũng chậm. Đường phục hồi có lẽ (và tốt nhất là) hình chữ U chứ không thể (và không nên) đi lên ngay.
Kế hoạch phục hồi trong 3 – 4 năm bao gồm cả tăng trưởng, ổn định vĩ mô theo nghĩa ngắn hạn và quan trọng hơn là nối chính sách trước mắt với những chuyện dài hạn, như xóa nợ xấu, tồn kho bất động sản, tái cơ cấu.
Xin nhắc lại là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, niềm tin cho khả năng phục hồi của nền kinh tế có thể không rầm rĩ nhưng cách tiếp cận đó cho thấy một triển vọng chắc chắn và khả thi hơn.
Theo VietNamPlus