Không hơp lý
Hiện kiến nghị trên được HOREA gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA, hiệp hội kiến nghị cần sửa ngay chính sách lãi suất tiết kiệm thực dương (cao hơn chỉ số lạm phát) và chính sách không đánh thuế trên thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm.
Cụ thể, HOREA đề nghị đánh thuế thu nhập những khoản tiền gửi tiết kiệm từ mức 500 triệu đồng trở lên là nhằm hướng dòng tiền trong dân thay vì gửi ngân hàng đổ vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo HOREA đây cũng được coi là "giải pháp" cấp bách giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản.
|
Trao đổi với Thanh Niên Online chiều 1.3, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM lại không đồng tình với đề xuất trên của HOREA.
Theo TS Ngân, việc đánh thuế vào tiền gửi tiết kiệm không phải là giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Mà muốn kinh doanh phát triển, nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, giảm lãi suất và thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, lý giải của TS Ngân cho thấy người dân gửi tiền tiết kiệm cho ngân hàng và số tiền này sẽ cho doanh nghiệp vay để sản xuất, kinh doanh, như vậy khoản tiền này đã được ngân hàng đưa vào đầu tư một cách gián tiếp.
“Mỗi cơ quan và đơn vị đều có quyền đưa kiến nghị nhưng quan điểm cá nhân tôi không ủng hộ kiến nghị này”, TS Ngân nói.
Gửi nhiều ngân hàng, làm sao kiểm soát?
Ủng hộ việc dần tiến tới phải thu thuế đối khoản tiền gửi tiết kiệm để người dân giảm các khoản thuế khác, từ đó tạo ra công bằng cho xã hội nhưng TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng lại không đồng tình với đề xuất của HOREA như trên nhằm vực dậy thị trường bất động sản.
TS Hiển cho hay ở các nước phát triển sau khi tổng kết thu nhập cả năm thì người dân phải có nghĩa vụ nộp thuế cá nhân. Ở nước ngoài, khoản tiền lãi gửi ngân hàng cũng được coi là khoản thu nhập và người dân phải đóng thuế.
Tuy nhiên ở Việt Nam từ xưa giờ vẫn quan niệm tiền gửi ngân hàng là khoản tiết kiệm và khuyến khích người dân gửi ngân hàng. Từ khuyến khích đó nên nhà nước chưa tiến hành thu thuế.
Việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm sẽ hạn chế việc huy động vốn của ngân hàng và gây thiệt thòi cho nhiều đối tượng không khá giả nhưng gửi tiết kiệm để giữ tiền như cán bộ hưu trí, viên chức nhà nước... - Ảnh Ngọc Thắng |
“Đề xuất thu thuế tiền gửi tiết kiệm đối với khoản gửi từ 500 triệu đồng trở lên của Hiệp hội bất động sản TP.HCM tuy không sai nhưng mục đích thu thuế để kích thích thị trường bất động sản là sai”, TS Hiển nhấn mạnh.
TS Hiển cho hay nếu mục đích việc thu thuế trên để nhà nước có thêm ngân sách để phát triển an sinh xã hội, chăm lo cho đối tượng già neo đơn, phát triển công trình phúc lợi thì đây là điều nên làm.
Bởi ý nghĩa của việc thu thuế tiền gửi tiết kiệm là điều tiết khoản thuế của người có thu nhập cao để đưa vào xây dựng những chương trình an sinh xã hội mà không cần tăng các khoản thu thuế khác như thuế đánh vào hàng hóa, thuế cầu đường, thuế giá trị gia tăng (VAT)…
TS Hiển nói: “Dần dần phải tăng việc thu thuế từ lợi tức của cá nhân lên để từ đó giảm các loại thuế khác xuống. Tất nhiên việc thu thuế tiền gửi tiết kiệm cần phải tính toán và có lộ trình chứ không chỉ phục vụ mục địch kích thích người dân mua nhà. Bởi mục đích như vậy thì việc thu thuế tiền gửi tiết kiệm không hợp lý chút nào”.
Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không phải là "giải pháp" để vực dậy thị trường bất động sản - Ảnh: Đình Quân |
Ở góc độ một người dân, bà Trần Thị Hồng Ngọc (nhà ở quận 1, TP.HCM) cho biết đề xuất trên là không hợp lý. Bởi việc đem tiền gửi ngân hàng cũng là một cách đầu tư an toàn. Có nhiều người dân không có nhiều hiểu biết kinh tế để đem tiền đi kinh doanh, đầu tư nên buộc phải gửi ngân hàng.
Ngoài ra, theo bà Ngọc, hiện việc đầu tư vào bất động sản không phải là kênh đầu tư sinh lời, ngược lại còn chứa đựng nhiều rủi ro. Vậy thì người dân làm sao dám rút tiền ngân hàng mua nhà, mua đất?
Ngược lại, nếu thu thuế tiền gửi tiết kiệm thì người dân lại rút tiền ở ngân hàng mua vàng và USD. Trong tình huống này thì nhà nước cũng thiệt, ngân hàng cũng thiệt mà số tiền đó đâu được đưa vào kinh doanh, đầu tư đâu.
“Một vấn đề khiến nhiều người quan tâm ở đề xuất này là làm cách nào kiểm soát được người dân gửi trên 500 triệu đồng. Giả sử tôi có trên 500 triệu thật nhưng số tiền đó được đem gửi ở nhiều ngân hàng. Chả lẽ nhà nước lại phải đến từng ngân hàng để truy tìm từng người gửi, từng số tài khoản à?”, bà Ngọc nêu câu hỏi.
Chưa kể, việc đánh thuế như trên sẽ hạn chế việc huy động vốn mà các ngân hàng đang nỗ lực thu hút hiện nay. Bên cạnh đó, sẽ gây thiệt thòi cho một số đối tượng không khá giả nhưng gửi tiết kiệm để giữ tiền như cán bộ hưu trí, viên chức nhà nước...
Trung Hiếu