Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Từ xấp xỉ bốn thập niên qua, cứ mỗi độ Tháng Tư về, trong khi cả nước cả cái hồ hởi phấn khởi chuẩn bị mừng kỷ niệm ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng thì, chẳng những “bên thua cuộc”, mà một bộ phận không nhỏ thuộc bên “thắng cuộc” suy thoái đạo đức làm ngược lại, bày trò chế diễu, gọi ngày đại thắng mùa xuân vẻ vang linh thiêng đó là ngày Miền Nam bị phỏng... con chim cục cù cu. Lại một tháng Tư nữa đang lù lù đến, thiết nghĩ dù chậm còn hơn không, ta cần phải chấm dứt chuyện bôi bác bôi đảng này; hãy trả con chim về chỗ chân chính của nó.
Vấn đề là chấm dứt bằng cách nào. Mặc dù ta vừa có luật cho phép các đầy tớ công an bắn vô tư vào bất cứ ông bà chủ nào dám chống lại đầy tớ, và mặc dù Hiến pháp 1992 sắp được nâng lên một tầm cao mới qua bản dự thảo sửa đổi do QH đề ra trong đó Quân đội Nhân dân từ“trung với Nước” bấy lâu, nay đằng sau quay, thành “trung với Đảng” mà kết quả trưng cầu dân ý thế nào cũng đạt tối thiểu 99,9999% nhờ lá phiếu được cán bộ mang tận tay đến từng nhà, và đầy tớ kiểm chứng tận mắt chủ có ghi vào hai chữ “đồng ý” hay không, nhưng ta không thể dùng lực lượng vũ trang nhân dân vào việc chận đứng cơn dịch phản kách mạng mãn tính kinh niên “phỏng chim” này được, vì khi nước mình đã gia nhập WTO, phải chơi theo luật chung của thế giới.
Đã nhảy tót được vào WTO - Tổ chức Thương mại Thế giới, đã mở đột phá khẩu thành công vào Kinh Tế Thị Trường mặc dầu lủng lẳng cái đuôi định hướng XHCN bị thiên hạ chửi dài dài, chửi lút mặt lút mày, nhưng chó sủa mặc chó, đoàn người (ăn trộm cách làm ăn của bọn Tư bản Chủ nghĩa giãy chết) cứ đi; lại đang vào thời đại In-tờ-nét, trong đó ta chiếm ưu thế vượt trội với 700 cơ quan báo chí, Ra dô Tò Vò (Radio TV), cộng với lực lượng CAM hùng hậu và hàng chục ngàn dư luận viên lý luận sắc bén, tri thức đầy bụng, nên không gì tốt hơn là dùng giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề “phỏng chim...”, như đồng chí Phó Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố Việt Nam ta chỉ dùng giải pháp hòa bình để bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ con chim cục cù cu đến xã hội chủ nghĩa, khoảng cách có là mấy...
Giải pháp hòa bình đó là tái giáo dục quần chúng nhân dân quán triệt thực chất của cuộc kách mạng Giải Phóng (chứ không phải Phỏng Chim) dân tộc vĩ đại, bằng cách nhắc lại những thành quả giải phóng cụ thể. Không phải chỉ thành quả của giải phóng Miền Nam năm 1975, mà của xuyên suốt lịch sử kách mạng được mở màn bằng Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, 1930.
“Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ” đã làm nên cuộc đổi đời đầu tiên cho giai cấp vô học, bần cố. Anh chăn bò được giải phóng khỏi lưng con bò; chị mót lúa được giải phóng khỏi lúa mót; phường ăn mày được giải phóng khỏi bị gậy... để trở thành giai cấp tiên phong, lương đống quốc gia, trụ cột nước nhà.
Đó là cuộc giải phóng tiên khởi làm tiền đề cho những cuộc giải phóng về sau.
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
Lần này, tức CCRĐ 1954-56, giải phóng hơi bị nhiều: con số chính thức của nhà nước thừa nhận là “172.008 người bị quy là địa chủ và phú nông trong CCRĐ trong đó 123.266 bị quy sai, tức là oan”. Oan hồn thì hồn hiện. Hồn hiện nhiều quá, bác Hồ chịu không thấu đành phải ra đứng giữa trời đất khóc sướt mướt trông rất là cảm động. Tuy nhiên 172.008 mới chỉ là con số do đảng ta nhận tội; thực tế, theo lời một số nhà cách mạng lão thành, sau này đã thành thật khai báo là khoảng nửa triệu sinh mạng được giải phóng khỏi cuộc đời ô trọc trên một nửa nước phía bắc vĩ tuyến 17, gọi là nước VNDCCH có ông thủ tướng tên Đồng ký Công hàm lịch sử 19/4/1958 mà mới đây, trong buổi thảo luận về vấn đề tranh chấp tại Biển Đông tại Mỹ ngày 15/3/2913, do Hội châu Á- Asia Society (New York) cùng với Trường Hành chánh công Lý Quang Diệu (Singapore) đồng tổ chức, được Tướng Chu Thành Hổ, Giám đốc Học viện Quốc Phòng, thuộc Trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc dẫn chứng để khẳng định với Phía Việt Nam là bà Nguyễn Thị Lan Anh thuộc Học viện Ngoại giao, và bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Pháp Luật của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, trước sự chứng kiến của nhiều nhà nghiên cứu hay quan chức chính phủ từ 6 nước (Hoa Kỳ, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Úc).
Cuộc Giải phóng kế tiếp là Mậu Thân Huế, 1968. Cuộc giải phóng lần này có đặc điểm riêng là nhờ lực lượng nằm vùng mà trong số những chiến sĩ có công đầu nhất là hai anh em nhà Âm Phủ, Ngọc Phan và Ngọc Tường. Một đặc điểm nữa là “giết, giết, giết nữa...” không bằng súng đạn, mà bằng đập đầu hoặc chôn sống, và không cần Tòa án nhân dân như hồi CCRĐ. Rất tiếc, cuộc giải phóng Mậu Thân Huế quân ta thành công rực.. máu như thế mà vừa rồi, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày này, lại có chị đạo diễn thiên tài Lê Chi Lan dựng cả một cuốn phim để phủ nhận công lao quân ta.
Sau cùng là Giải phóng Miền Nam với đại thắng mùa xuân rực rỡ chiến lợi phẩm chất đầy trên Molotova nườm nượp ngày đêm phóng về Miền Bắc XHCN. Cái độc đáo của cuộc chiến tranh giải phóng thần thánh này là, chiến lợi phẩm mà kách mạng ưu tiên tịch thu không phải là khí tài chiến tranh, nhưng là những tàn dư của Mỹ Ngụy đủ thứ thượng vàng hạ cám từ TV, tủ lạnh, Ôtô con Ôtô bố, Honda, xe đạp... đến cái băng hạ khẩu của phụ nữ... diễn ra trong không khí hớn hở tưng bừng nhộn nhịp hơn bất cứ cuộc trẩy hội nào từ trước đến nay trong lịch sử ăn mừng chiến thắng. “Tinh thần” của cuộc giải phóng lần này thế nào thì mọi người hẳn chưa quên và, ngày nay càng thấm thía ý nghĩa sâu xa hoành tráng của nó.
Viết túm lại, qua quá trình Giải phóng, nhân dân ta đã từ thân phận những kẻ khố rách áo ôm, dốt nát đã vùng lên “đào tận gốc trốc tận rễ” bọn “trí, phú, địa, hào”, đến “giết, giết, bàn tay không phút nghỉ”, rồi chôn ống tập thể, và cuối cùng “Tập trung cai tạo”, “Kinh tế mới”, “Đánh Tư sản”, “Bán bãi vượt biên vượt biển”, để dành lấy quyền làm chủ tập thể tài sản cơ ngơi của chúng.
Ngày xưa, ăn thì cơm gạo mọt độn mì mốc cũng hạn chế, mặt mày vàng võ bốn mùa xuân hạ thu đông; mặc thì quần áo te tua khiến bọn phản động lợi dụng làm thơ nói xấu “mỗi năm ba tấc vải sô, Lấy gì che kín “cụ hồ” em ơi”; ở thì quanh năm nhà bị dột mưa dột nắng; hát thì quanh quẩn tới lui Cô gái vót chông, xe ta bon bon... Học hành thì chưa hết lớp ba trường làng đã phải bỏ nhà vào rừng làm kách mạng chống mỹ cứu nước. Nay thì đổi đời sướng đủ thứ mặt mày. Ăn thì Hamburger, Mac Donald, Cho Cô thoọc léc...; uống thì CoCa Cola, Pepsi Cola...; mặc thì Gin (Jean) dưới Gin trên; hát thì tiếng Mỹ mới oai, nghe nhạc Vàng mới thú... Học hành thì ưu tiên phải là nhà trường Mỹ cút.
Công lao như thế, thành công như thế không gọi “Giải Phóng” thì gọi là gì? Vậy mà ngày nay một bộ phận không nhỏ lão thành kách mạng suy thoái đạo đức, tự diễn biến, quay ra trở giọng: nhưng Việt Nam đã khá hơn nhiều- tệ ra cũng ngang hàng với các nước Thái Lan, Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai, Singapore- nếu như không có những cuộc “chiến tranh thần thánh” quái ác kia.