>> Hà Nội: Pháo vẫn nổ
>> Pháo vẫn nổ như chưa hề cấm
Đầu tháng 11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1878/CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh thành, các bộ ngành tập trung ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo. Công điện nêu rõ: “... kiên quyết không để tái diễn việc sản xuất; hạn chế tới mức thấp nhất việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép... Địa phương nào buông lỏng chỉ đạo, không kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm về pháo thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”. (Ảnh hiện trường vụ đốt dàn pháo hoa khủng ở khu vực Km 6 xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, Lào Cai, chụp hồi 7 giờ ngày mùng 2 Tết).
Thế nhưng, ở rất nhiều địa phương trên cả nước, trong đêm Giao thừa Tết Quý Tỵ, tình trạng đốt pháo lại gia tăng tới mức “bùng phát”. (Hình ảnh pháo hoa nổ trái phép ở khu vực đầu cầu Phố Mới, phía ga Lào Cai).
Không khó để bắt gặp hình ảnh pháo rợp trời và xác pháo đầy đường ở nhiều nơi (Hình ảnh xác pháo tràn lan ở thị trấn Ninh Giang, Hải Dương, ảnh chụp sáng mùng 2 Tết).
Sáng mồng 1 Tết (10/2), đi dọc các tuyến đường quốc lộ và liên tỉnh, liên huyện (từ Kẻ Sặt huyện Bình Giang – Hải Dương) tới thị trấn huyện Thanh Miện) bắt gặp cảnh xác pháo rải rợp đường, đủ sắc màu đỏ, trắng, xanh. Tại các khu vực như ngã ba Quán Gỏi, Kẻ Sặt, xã Thanh Tùng… xác pháo đỏ rực nhiều đoạn đường, ngay trên vỉa hè và lòng đường trước cửa nhà dân. Đặc biệt, tại huyện Bình Giang, tuyến đường ngay trước trụ sở UBND huyện, xác pháo rải san sát ngay trước hiên nhiều nhà dân, nhiều cửa hàng…
Đặc biệt là vào đêm giao thừa, pháo nổ, pháo trứng, pháo giàn nổ rất nhiều. Hình ảnh một dân chơi khoe quả pháo tự chế trước giao thừa (người dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Kim Thành, Hải Dương).
Đúng thời khắc giao thừa, các loại pháo được người dân sử dụng phổ biến, bất chấp lệnh cấm sản xuất, mua bán và sử dụng pháo được nhà nước quy định từ lâu (ảnh chụp trên địa bàn huyện Xuân Trường, Nam Định).
Ngay sau thời khắc giao thừa, pháo nổ liên hồi, sáng rực cả bầu trời. Hình ảnh quả pháo được mồi lửa, chuẩn bị nổ (ảnh chụp ở các làng quê Xuân Ngọc, Xuân Bắc, Xuân Kiên, Xuân Tiến… trên địa bàn Xuân Trường, Nam Định).
Hai quả pháo vừa được sử dụng. Theo các tay chơi, mỗi quả pháo có giá trên dưới 400.000 đồng, nhưng không khó mua (xã Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định).
Nhiều nạn nhân đã phải nhập viện vì pháo. Tại H.Thanh Hà (Hải Dương), anh Nguyễn Quang Chỉnh, 29 tuổi, ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc đã phải cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh do pháo nổ làm chấn thương vùng ngực, tràn máu màng phổi, dập nát bàn tay trái, phải cắt bỏ các ngón tay (ảnh). Theo một lãnh đạo bệnh viện này, từ tối ngày 9 đến trưa ngày 10/2, có 5 trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì pháo nổ.
Bất chấp mọi hiểm nguy rình rập, tình trạng đốt pháo đang tái diễn ở nhiều nơi và có xu hướng gia tăng cả về địa bàn lẫn mức độ vi phạm (ảnh chụp khu vực Xuân Bắc, Xuân Trường, Nam Định).
Và với Công điện của Thủ tướng nêu rõ, nơi nào để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ...(hình ảnh một quả pháo trứng được đốt ở xã Tuấn Hưng, Kim Thành, Hải Dương).
..thì sau Tết Quý Tỵ này, có bao nhiêu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Thủ tướng? (Hình ảnh xác pháo đầy đường ở Hải Dương, ảnh tổng hợp).
Theo Đất Việt